25/04/2024 19:21Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đệ thập tứ cảnh - Thiên Mụ chung thanh
第十四景- 天媽鐘聲

Tác giả: Thiệu Trị hoàng đế - 紹治皇帝

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 03/04/2006 15:32

 

Nguyên tác

高岡古剎鎮前川,
月相常圓自在天。
百八洪聲消百結,
三千世界醒三緣。
噌𠴈午日幽明感,
嘹喨寅宵道味玄。
佛蹟聖功垂海宇,
善因福果普垓埏。

Phiên âm

Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên,
Nguyệt tướng thường viên tự tại[1] thiên.
Bách bát[2] hồng thanh tiêu bách kết,
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên[3].
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm,
Liệu lượng dần tiêu đạo vị huyền.
Phật tích Thánh công thuỳ hải vũ,
Thiện nhân phúc quả phổ cai diên.

Dịch nghĩa

Chùa nằm trên gò cao gần ngay con sông chảy qua phía trước,
(Chùa rực rỡ) như ánh trăng thường tròn đầy trong cõi trời tự tại.
Một trăm lẻ tám tiếng chuông lớn làm tiêu tan trăm oán kết,
(Tiếng chuông) làm ba nghìn thế giới tỉnh tam duyên.
Tiếng chuông trong giờ ngọ ban ngày cảm đến cõi trần lẫn cõi u minh,
Tiếng ngân xa của chuông vào giờ Dần trong đêm cho thấy sự huyền diệu của đạo.
Công lao của Thánh tạo nên chùa cổ ban ra khắp bốn bể,
Nhờ nhân lành mà đặt được quả phúc cho khắp non sông.

Bản dịch của Thiên Nhất Phương

Trên bến gò xưa chùa lập ra
Bên trời tự tại mãi Gương Nga
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối ám
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia
Truyền công Phật Thánh tràn non nước
Nhân quả ươm lành khắp chốn xa.
Lời dẫn: “Thiên Mụ tự: Đình độc trừ tinh, sơn xuyên linh sảng. Long bàn hồi thủ dao củng kinh thành, hổ khiếu cao tồn phủ lâm Hương phái[4]. Xiển phát Liên hoa[5] chi pháp giới, diệu hàm Bối diệp[6] chi chân thuyên[7]. Thiên quyến Thánh[8] nhi triệu cơ, thử địa giáng tường Thần Nữ[9], Thánh thừa thiên nhi tích phúc, tư sơn doanh kiến Phạm Cung[10]. Cố hữu thị danh, vĩnh lưu thắng tích. Trùng minh Thánh niệm, viên mãn thiện duyên. Đổ bi văn nhi kim bích tăng huy, thính chung hưởng nhi bửu châu giác ngộ.” 天姥寺:亭毒儲精,山川靈爽。龍磻回首遙拱京城,虎嘯高蹲俯臨香派。闡發蓮花之法界,妙含貝葉之真詮。天眷聖而肇基,此地降祥神女,聖承天而錫福,斯山營建梵宮。故有是名,永留勝蹟。重明聖念,圓滿善緣。睹碑文而金碧增輝,聽鐘響而寶州覺悟。 (Chùa Thiên Mụ: Kết ngưng tinh khí, sông núi anh linh. Hùng tráng quay về chốn kinh thành, mạnh mẽ cúi nhìn nơi Hương thuỷ. Mở mang Liên hoa đạo pháp, un đúc Bối diệp chân thuyên. Trời đoái nghĩ đến Thánh khiến Thần Nữ giáng xuống cho mở mang cơ nghiệp, Thánh nhận mệnh ở trời cho Phạm Cung dựng lên để nhận lãnh phúc duyên. Nên đặt tên chùa, truyền đời thắng tích. Lại bày ý Thánh, trọn vẹn thiện duyên. Đọc văn bia thêm sáng soi đạo pháp, nghe chuông chùa để giác ngộ non sông.)

Chùa Thiên Mụ toạ lạc trên đồi Hà Khê (thuộc địa phận xã Hương Long, thành phố Huế), một ngọn đồi chạy theo hướng bắc nam, có bề mặt gần như hình chữ nhật, kích thước 313m x 76m. Trước mặt chùa có sông Hương uốn lượn, xa xa là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Sau lưng chùa có hồ nước và những dãy đồi thấp che chắn. Địa thế của chùa đúng là “sơn triều thuỷ tụ” hết sức hữu tình. Từ xa nhìn lại, đồi Hà Khê tựa như hình dáng một con rùa khổng lồ, cõng trên lưng ngôi chùa cổ kính đang cúi đầu xuống để uống nước sông Hương.

Ngôi chùa này và tên gọi của nó bắt nguồn từ huyền thoại thật đẹp về Huế. Trong một dịp ngao du sơn thuỷ ở miền núi Ngự sông Hương, chúa Nguyễn Hoàng đã được nghe lời báo trước của một bà tiên nên dã cho xây dựng chùa vào năm 1601. Thật ra, chùa Thiên Mụ được thành lập sớm hơn nhiều so với thời điểm ấy. Ngay vào năm 1555, Dương Văn An trong Ô Châu cận lục đã xác nhận sự có mặt của chùa tại đây. Có lẽ trải qua thời gian và chiến tranh, chùa cũ đã bị hư hỏng, chúa Nguyễn Hoàng chỉ là người tới xây dựng chùa mà thôi. Các chúa Nguyễn kế nghiệp đã liên tục trùng tu và mở mang thêm quy mô của Thiên Mụ. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Năm 1695, hoà thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán dược mời đến hoằng dương chánh pháp tại chùa, khiến Thiên Mụ càng nổi tiếng. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc đại hồng chung nặng tới 3285 cân (1960,5kg). Rồi đến năm 1714 chúa lại cho trùng kiến ngôi chùa. Sau khi hoàn thành, chúa đã sai người sang Trung Quốc thỉnh về đây hơn 1000 bộ kinh Phật.

Dưới thời Tây Sơn, chùa Thiên Mụ bị chiến tranh, tàn phá nặng nề. Nhưng đến thời các vua Nguyễn, chùa lại được khôi phục. Năm 1815 và năm 1831, vua Gia Long và vua Minh Mạng cho tu sửa lại chùa. Năm 1844, vua Thiệu Trị xây thêm tháp Phước Duyên (tên gọi ban đầu là tháp Từ Nhân) và đình Hương Nguyện. Năm 1899, vua Thành Thái lại cho “đại gia tu bổ”. Năm 1904, chùa bị hư hại rất nặng do một cơn bão lớn, ba năm sau chùa mới được trùng tu. Đến năm 1957, chùa Thiên Mụ được tu sửa lớn một lần nữa. Trong lần này, phần lớn các bộ phận kiến trúc ở điện Đại Hùng đã được thay bằng bê tông giá gỗ. Lịch sử xây dựng và tu bổ của chùa Thiên Mụ cho thấy chùa đã từng được các vua chúa nhà Nguyễn hết sức quan tâm. Bấy giờ, Thiên Mụ là một trong các ngôi quốc tự của Huế. Ngày nay tại chùa, ngoài tấm bia dựng thời chúa Nguyễn Phúc Chu còn có các tấm bia dựng thời Thiệu Trị (1844), Thành Thái (1899), Khải Định (1923). Đây là những tấm bia được dựng lên để kỷ niệm những lần chùa được tu sửa hoặc các vua Nguyễn lên thăm thú rồi làm thơ ca ngợi.

Xét về mặt kiến trúc, từ ngoài đi vào có thể phân chùa Thiên Mụ làm hai khu vực lớn cách biệt nhau bằng cửa tam quan mang tấm hoành phi đề ba chữ “Linh Mụ tự” - dấu tích của việc đổi tên chùa dưới thời vua Tự Đức. Khu vực thứ nhất, là nơi xây dựng những công trình kiến trúc mang tính kỷ niệm như bảo tháp, nhà bia, nhà chuông... Khu vực thứ hai rộng hơn, dành để xây cất các điện thờ Phật và các tăng xá cho các nhà sư ăn ở. Cuối khu vực này là ngọn tháp đặt thi hài của hoà thượng Thích Đôn Hậu. Toàn bộ kiến trúc của chùa hết sức hài hoà với phong cảnh thiên nhiên xung quanh. Có thể nói, chùa Thiên Mụ là một mẫu mực về kiểu kiến trúc cảnh quan Huế. Với kiến trúc uy nghiêm cổ kính, với cánh trí thanh thoát nên thơ, chùa Thiên Mụ xứng đáng được xem là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời, không chỉ của Huế mà của cả nước và quốc tế.

[4] “Long bàn hồi thủ” và “Hổ khiếu cao tồn” có nghĩa rồng cuộn khúc quay đầu nhìn lại và cọp rống ngồi cao, để hình dung địa thế hùng tráng và hiểm trở. Tám chữ này nguyên lấy từ thành ngữ “Long bàn hổ cứ” (Rồng cuộn cọp ngồi) để chỉ địa thế hùng tráng hiếm yếu. Cuối thời Hán, Lưu Bị khiến Gia Cát Lượng đến Kim Lăng nói với Tôn Quyền rằng: “Mạt Lăng địa hình, Chung Sơn long bàn, Thạch Thành hổ cứ, thử đế vương chi trạch” (Địa hình của Mạt Lăng có Chung Sơn như rồng cuộn khúc, Thạch Thành như cọp ngồi xổm, thật là đất của bậc đế vương).
[5] Ý nói đến kinh Diệu pháp liên hoa. Kinh này nói đến pháp nhất thừa không thể suy nghĩ bàn bạc được (bất khả tư nghị). Liên hoa có hai nghĩa: thứ nhất là “ra khỏi nước” vì lý lẽ đạt đến toàn thiện, vượt ra khỏi nước bùn lầy cua nhị thửda; nghĩa thứ hai là “nở ra”, vì lời dạy quá tuyệt đưa đến chân lý. Câu trong bài muốn nói đến mở mang Phật giáo.
[6] Là lá của cây bối đa la ở Ấn Độ. Người Ấn thường dùng lá cây này để viết kinh. Vì lẽ đó, người đời thường gọi kinh Phật là Bối diệp kinh.
[7] Là chân lý đầy đủ của mọi sự vật.
[1] Vẻ thoả thích.
[2] Các chùa sớm chiều thường đánh 108 tiếng chuông, để tiêu 108 điều phiền não.
[3] Ba cái duyên trong thuyết 12 nhân duyên của nhà Phật mà yếu tố chính là: ta, người, sinh vật.
[8] Chỉ Thái Tổ Gia Dũ hoàng đế, tức chúa Nguyễn Hoàng, chúa đầu tiên khai sáng nhà Nguyễn, người có công mở nước về phương nam.
[9] Chỉ bà lão ở trên trời hiện xuống tại vùng đồi Hà Khê theo truyền thuyết. Chúa Nguyễn Hoàng nghe kể có bà lão hiện xuống báo với dân chúng rằng rồi đây sẽ có vị chân chúa đến nơi này để lập chùa cho tụ long khí và bền vững long mạch. Sau chúa Nguyễn Hoàng lập chùa ở trên đồi Hà Khê này.
[10] Phạm có nghĩa là thanh tịnh, tinh khuyết, là tôn chỉ của nhà Phật. Phạm Cung là ý nói đến chùa Phật.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Thiệu Trị hoàng đế » Đệ thập tứ cảnh - Thiên Mụ chung thanh