19/04/2024 20:36Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Quá Tống trạng nguyên Phùng Kinh cố trạch
過宋狀元馮京故宅

Tác giả: Ngô Thì Nhậm - 吳時任

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Tây Sơn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 27/03/2020 22:49

 

Nguyên tác

帝夢失魁得馬涼,
狀元信息的非常。
姓名二字標金石,
事業千秋記綈緗。
新法之間無獻替,
大科所得是文章。
巍峨廟貌重丹雘,
歸厚還應愛此鄉。

Phiên âm

Đế mộng thất khôi đắc Mã Lương[1],
Trạng nguyên tín tức đích phi thường.
Tính danh nhị tự tiêu kim thạch,
Sự nghiệp thiên thu ký đệ tương.
Tân pháp[2] chi gian vô hiến thế,
Đại khoa sở đắc thị văn chương.
Nguy nga miếu mạo trùng đan hoạch,
Quy hậu hoàn ưng ái thử hương.

Dịch nghĩa

Vua mộng kén nhân tài, chọn được Mã Lương,
Tin đồn trạng nguyên đích thực phi thường.
Họ tên hai chữ, nêu trên bảng vàng bia đá,
Sự nghiệp ngàn thu, ghi trong sách lụa quyển là.
Trong thời tân pháp không hiến kế thay đổi,
Sở đắc bậc đại khoa, cậy ở văn chương.
Miếu mạo nguy nga mấy tầng sơn vẽ,
Hãy nên trọng hậu, yêu mến hương này.

Bản dịch của Lâm Giang

Vua mộng kén tài được Mã Lương,
Nghe đâu quan trạng thật phi thường.
Họ tên hai chữ, ghi bia đá,
Sự nghiệp ngàn thu, chép sử vàng.
Tân pháp thuở nào, không hiến hết,
Đại khoa sở đắc ở văn chương.
Nguy nga miếu mạo, lồng sơn vẽ,
Trọng hậu hương này, đáp lẽ thường.
Phùng Kinh người thời Bắc Tống, từ thi hương đến thi đình đều đỗ đầu. Trước ngày thi đình, vua Tống nằm mơ thấy kén được người tài, xem tên họ thì là Mã Lương. Hôm sau kén được Phùng Kinh.

[1] Tức Phùng Kinh. Đem bộ chấm thuỷ ở chữ Phùng chuyển sang chữ Kinh thì Phùng Kinh biến thành Mã Lương.
[2] Chỉ cuộc cải cách chính trị của tể tướng Vương An Thạch đời Tống Thần Tông. Cuộc cải cách này trên thực tế chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp phong kiến mà vương triều Bắc Tống lúc đó là tiêu biểu, vì vậy đã gây thêm nhiều điều phiền hà cho nhân dân lao động. Lúc Vương An Thạch thị hành Tân pháp, Phùng Kinh có vạch ra những chỗ dở trong Tân pháp, do đó bị Vương An Thạch ghét, rồi bị biếm trích.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Thì Nhậm » Quá Tống trạng nguyên Phùng Kinh cố trạch