26/04/2024 15:33Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đề trúc thạch mục ngưu
題竹石牧牛

Tác giả: Hoàng Đình Kiên - 黃庭堅

Thể thơ: Ngũ ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Bắc Tống, Liêu
Đăng bởi tôn tiền tử vào 18/09/2018 23:03

 

Nguyên tác

野次小崢嶸,
幽篁相倚綠。
阿童三尺箠,
御此老觳觫。
石吾甚愛之,
勿遣牛礪角。
牛礪角尚可,
牛斗殘我竹。

Phiên âm

Dã thứ tiểu tranh vanh,
U hoàng tương ỷ lục.
A đồng tam xích chuỳ,
Ngự thử lão hộc tốc.
Thạch ngô thậm ái chi,
Vật khiển ngưu lệ giác.
Ngưu lệ giác thượng khả,
Ngưu đấu tàn[1] ngã trúc.

Dịch nghĩa

Hình thù nhỏ bé sừng sững trên đồng
Tre dựa vào nhau xanh biếc
Chú bé cầm cây roi dài ba thước
Điều khiển con vật già run lật bật
Ta rất thích đá
Đừng để sừng trâu cọ vào
Trâu cọ sừng vào còn được
Trâu húc nát tre của ta

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Đá nhỏ sững đồng nội
Xanh biếc tre dựa nhau
Ba thước roi chú bé
Trâu già run cúi đầu
Ta vốn rất thích đá
Đừng để trâu cọ vào
Cọ sửng vào còn được
Trâu húc tre còn đâu
Bài này tuyển từ Sơn Cốc tập quyển 3, bản Tứ khố toàn thư. Nghệ thuật vẽ tranh đời Tống rất phát triển cùng theo đó là thơ đề tranh. Tô Thức và Hoàng Đình Kiên đều là người có hạng trong loại thơ này. Vào năm Nguyên Hựu thứ 3, tác giả đề vịnh cho bức tranh Thạch trúc mục ngưu do Tô Thức (tự Tử Chiêm) và Lý Công Lân (tự Bá Thời) cùng vẽ. Tác giả không hề tả giới hạn vào sự cảm nhận trước hứng thú đối với bức tranh, mà qua bức tranh liên tưởng đến trâu mài sừng, trâu húc trong cuộc sống, lấy đó để gửi gắm cảm quan của mình trước hiện thực chính trị. Toàn bài thơ này không hề dùng điển cố, không trau truốt song cấu tứ rất gọn gàng lại có chiều sâu khiến người đọc cảm thấy thích thú.

[1] Thương tàn. Vì người xưa cho là bốn câu sau tác giả mô phỏng bài thơ Độc lộc thiên của Lý Bạch: “Độc lộc thuỷ trung nê, Thuỷ trọc bất kiến nguyệt, Bất kiến nguyệt thượng khả, Thuỷ thâm hành nhân một”, song lời ý lại “suy trần xuất tân” (bỏ cái cũ tạo nên cái mới).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hoàng Đình Kiên » Đề trúc thạch mục ngưu