19/04/2024 22:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cầu Ngu, Trung Lễ xưa nay

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Thể loại khác (thơ); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 07/09/2020 21:41

 

Cầu Ngu[1], Trung Lễ xưa nay,
Thay trời đổi nước, có anh tài nổi lên.
Chộ[2] Mường[3] về Cẩm Xuyên.
Ba tháng rày ngơ ngẩn[4].

Dân ta cầu khẩn,
Được năm bảy mùa liền.
Văn thân đà nổi lên,
Tây nhập thành tỉnh Nghệ[5].

Đầu mưu xuất kế,
Ai cũng như ai.
Nam Bắc với Đông Đoài,
Văn thân đồng một bụng,
Các quan đồng một bụng.

Nhà giàu năm bảy thúng,
Bá hộ đôi ba nghìn.
Kéo vô sổ tiền quyên,
Lên đại đồn khởi mộ.

Giừ ông Bang xuất của.
Mộ hai vệ Trường, Yên[6].
Đặt một ông tác tiền[7],
Khen anh tài võ nghệ,
Rành anh tài võ nghệ.

Kéo về làng Trung Lễ,
Phu ứng chực địa đầu.
Thợ rèn[8] rèn được bấy nhiêu lâu,
Chưa đủ đồ khí giái[9].

Ai ai mà nỏ hãi[10],
Lên trường tập mà coi:
Thiếu lính thời đòi,
Thiếu lương[11] thời lĩnh.

Phu ở ngoài bất tính[12],
Chỉ lĩnh được một nghìn.
Đường núi Giẻ kéo lên,
Đóng Mỹ Xuyên một nửa,
Đóng Đồng Hoà một nửa.[13]

Đầu canh năm sắp sửa[14].
Cơm nước đã vừa rồi.
Nghe trống giục ba hồi,
Quan truyền cho các đội,
Quan lại truyền các đội.

Mỹ Xuyên có đội Thoại[15],
Hữu Chế[16] có đội Xuyên[17].
Cứ đường đất kéo liền,
Lên đội Chanh, đội Trạch[18].

[...][19]

Kéo qua xã Hằng Nga[20],
Kéo vô huyện Thạch Hà,
Qua tổng Trung, tổng Đậu[21].

Trong ba ngày có thấu,
Tờ dán khắp cửa thành[22].
Các hàng quán xung quanh.
Đều chưa ai biết cả,
Chưa người nào biết cả.

Nghe ba tiếng “dạ... há[23]”,
Quân rả khắp đường quan.
Ông Bố[24] đã khôn ngoan,
Đề binh chưa lên kịp,
Lên thượng thành lên kịp.

Tứ phía thành bọc nhíp[25],
Quân đã lọt vào trong.
Quan lính cũng một lòng[26],
Cờ Cần vương đỏ chói.

Nghe ba tiếng ống gọi,
Quan lớn[27] xuống tận nơi.
Ba ngựa với hai voi,
Ngọn cờ bay phấp phới,
Bay ngọn cờ phấp phới.

Quan truyền cho các đội,
Cứ yến ẩm ba ngày,
Ai chơi nhởi mặc ai,
Lương tiền ta cứ lĩnh.

Đặt một ông quan giữ tỉnh,
Để hai chữ bình yên.
Còn quan lớn trẩy lên,
Lên nhà vua bái mạng[28],
Lên sơn phòng bái mạng.
Vàng, vua thưởng mười lạng,
Rồi quan trở về nhà.
Phá Thọ Ninh cho ra,
Quân Thọ Ninh cũng chịu,
Quân Thọ Trường cũng chịu.[29]

Quân quan Đình[30] thì yếu,
Phó bảng Hạnh[31] bất tề.
Đạo mới viện Tây về,
Quân quan Bang mới chạy,
Quân quan Đình mới chạy.

Từ Yên Hồ sắp lại,
Từ Thịnh Quả, Trường Xuân.[32]
Họ đốt mãi đến Tuần[33],
Khắp chợ Cầu[34], kẻ Hạ[35].

Quân Thọ Ninh sang phá,
Của lấy hết, nhà thiêu.
Vơ vét hết đã nhiều.
Vô thôn Trung[36] mới phá.
Lên đại đồn[37] mới phá.
- “Gẫm như trong thiên hạ,
Thiếu chi kẻ anh tài.
Không phải mình ta đây,
Xin dân đừng thán oán!
Dân sự đừng thán oán![38]

Chợ không người buôn bán,
Giừ đạo lộ không thông hành.
Từ Hà Nội về kinh.
Coi chiều như buồn bã.

Ra giêng, hai thong thả,
Quan lớn ngồi hiệp nghị binh quy[39].
- Có phá được đạo đi,
Quan thanh nhàn mát mẻ,
Dân thanh nhàn mát mẻ.

Tây kéo lên tỉnh Nghệ,
Tây bỏ tỉnh Tây lui.
Nước Nam ta thái hồi,
Vua ta lên bình trị,
Quan anh hùng bình trị.

Đường quan sơn thiên lý;
Đường biển rộng núi cao.
Dân rày ước mai ao,
Được bốn mùa kế tiếp.

Dân canh nông lập nghiệp,
Đường phủ thuận[40] một bề.
[...][41]

Đi viện khách Ngô, Lào[42],
Lính vạch cỏ rẽ lau,
Chốn sơn xuyên chi hiểm,
Chốn sơn hà chi hiểm.

Bõ cái công tìm kiếm,
Từ Thái, Lạng, Tuyên Quang.
Nghe tiếng đồn quan Bang,
Quân Tiền Đà[43] kéo xuống.

Tỉnh thành vừa nghe tiếng,
Phái quan Lãnh[44] kéo lên.
Đóng Trúc, Liễu[45] một đêm,
Để rạng ngày thiêu phá.

[...][46]

Lạy quan lớn hái lạy,
Nói: - “Quân phục là tôi!
Nghe trống sắp[47] ba hồi,
Quân nào theo đội ấy.”

Nửa đêm nghe gà gáy,
Rồi đuốc đỏ đèn giong.
Dàn một mặt bên sông,
Vác gươm trần, súng nạp[48].

Bên ta có thầy Đội Hoạt[49],
Vác ống gọi lên truyền:
- “Ai bắt được tướng liền.
Vàng thưởng cho mười lạng”!

Tướng phót[50] vào quá ngán,
Không biết ở nơi mô.
Rượu đương ở trong lò;
Gà cả con chưa xé.

“Bao nhiêu lính tỉnh Nghệ,
Nộp khí giới ra đây!
Lưa[51] chỉ đạo với Tây,
Vác gươm trần chém hết!”

Trời cao xa nước biếc,
Đạo đương ở dưới sông.
Rồi không bõ cái công,
Bắt tướng rồi là được.

Tiền quân đi trước,
Giải Chánh, Lãnh đi sau.
Cờ phất phất ngọn lau,
Giáo mác đà như cỏ.

Ơn trời cao thuận gió,
Cho thắng trận quân bền.
Để quan lớn trẩy lên,
Lên sơn phòng như cộ[52],
Về đại đồn như cộ.
Bang Ninh tức Lê Ninh, người làng Trung Lễ, xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), là một thủ lĩnh phong trào Cần Vương khởi nghĩa ở làng quê Trung Lễ. Ông kéo quân hạ tỉnh thành Hà Tĩnh, giết bố chánh Lê Đại, rồi đưa quân phối hợp hoạt động với Phan Đình Phùng. Sau trận ông đánh Thọ Ninh, Định Trường thất bại, Pháp đưa quân về dành chiếm và đốt phá triệt hạ làng Trung Lễ trơ trọi còn đám đất hoang, dân già trẻ không chết cũng bị lao tù. Đây là bài vè kể về cuộc khởi nghĩa của Lê Ninh tại làng Trung Lễ và cuộc tấn công hạ thành Hà Tĩnh do đội quân của ông thực hiện. Bài này tuy không còn truyền đầy đủ nhưng nó phản ánh được tình hình chung của nghĩa quân ở Nghệ Tĩnh, chủ yếu là Hà Tĩnh hồi đó. Ông Bang là Bang Ninh, tức Lê Ninh, xuất của nhà ra vũ trang cho quân khởi nghĩa.

[1] Cầu Ngu tức là xã Cổ Ngu. Trung Lễ là một thôn của Cổ Ngu. Khi cuộc Cần Vương thất bại, thôn bị triệt hạ, năm 1902 mới chiêu lập lại thành làng mới, gọi là Lạc Thiện.
[2] Thấy.
[3] Có lẽ là đội quân Mường tham gia khởi nghĩa hồi ấy.
[4] Nghĩa là ngơ ngác, cũng có nghĩa là rất nhiều.
[5] Sau khi Hàm Nghi xuất bôn, Pháp sai Chaumont từ Huế mang ba chiến hạm ra đánh lấy Nghệ An. Bọn quan tỉnh ở đây mở thành xuống tận cửa biển xin hàng.
[6] Yên Trường và Yên Dũng, hai xã thuộc phủ Hưng Nguyên. Hai xã này hồi đó thuộc tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc tức Nghi Lộc.
[7] Tác tiền và tác hậu là những chức quan võ, to hơn suất đội.
[8] Thợ rèn phần lớn đều là thợ rèn quê ở hai làng Trung Lương và Vân Chàng thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh.
[9] Khí giới.
[10] Không sợ.
[11] Lương đây là gạo ăn do kết quả quyên góp các nhà giàu nói trên.
[12] Không kể.
[13] Núi Giẻ, Mỹ Xuyên, Đồng Hoà đều thuộc tổng Đồng Công, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
[14] Sửa soạn.
[15] Thoại là Nguyễn Thoại. Theo sách Phan Đình Phùng, ông được lệnh đóng ở Khê Thứ (Hương Khê).
[16] Hữu Chế thuộc tổng Văn Lâm, phủ Đức Thọ.
[17] Hoàng Bá Xuyên.
[18] Chanh tức là Nguyễn Chanh và Trạch tức là Nguyễn Trạch, là hai anh em ruột quê làng Gia Hạnh, huyện Can Lộc. Nhà nghèo, có sức mạnh có mưu trí, hai ông hưởng ứng phong trào Cần Vương, chỉ huy ở Can Thứ, huyện Can Lộc, có nhiều chiến công.
[19, 41, 46] Nội dung không còn truyền lại đầy đủ.
[20] Cũng gọi là xã Thường Nga, thuộc huyện Can Lộc.
[21] Hai tổng này thuộc huyện Thạch Hà. Tác giả vẽ con đường kéo quân từ Đức Thọ đến Thạch Hà qua Thượng Can (tức là miền trên của Can Lộc).
[22] Tức là thành Hà Tĩnh. Lúc này nghĩa quân được lệnh bí mật kéo đến đây trong ba ngày. Họ đã hoạt động kín đáo đến nỗi tờ hiệu triệu dân khắp nơi mà hàng quán không ai biết.
[23] Tiếng đáp của quân lính lúc tập luyện ở giáo trường khi nghe một tiếng trống hay là một tiếng mõ. Tiếng dạ nhấn mạnh ở mỗi câu nghe thành “dạ... há”.
[24] Bố chánh Lê Đại đã chuẩn bị chống đánh nghĩa quân, chặn bắt vua Hàm Nghi nên bị quân dân đều ghét. Lúc nghĩa quân tới, Đại chưa kịp thúc quân ra đánh thì không ngờ quân trong thành mở cửa đón nghĩa quân vào. Đại bị nghĩa quân thắt cổ chết.
[25] Vây bọc kẹp quân thù vào giữa.
[26] Ý nói quan quân triều đình ở Hà Tĩnh cũng theo nghĩa quân.
[27] Chỉ Bang Ninh.
[28] Sau khi chiếm tỉnh thành, Bang Ninh để một người ở lại coi tỉnh, còn mình thì lên sơn phòng yết kiến vua Hàm Nghi.
[29] Thọ Ninh và Thọ Trường (hay Định Trường) là hai làng dân giáo có nhiều tên Việt gian tay sai của giặc Pháp. Lê Ninh và Phan Đình Phùng đem quân vây đánh hai làng này, hãm luôn mấy ngày, chúng không dám làm gì nhưng cho người lẻn ra báo Pháp ở Nghệ An.
[30] Tức Phan Đình Phùng.
[31] Tức phó bảng Võ Nguyên Hạnh, quê Hương Sơn, được phân công coi nghĩa quân Hương Sơn. Nghĩa quân do ông chiêu mộ, không được luyện tập nên sớm tan vỡ. Có người cho câu này chỉ Đinh Nho Hạnh, phó bảng đồng khoa và đồng chí với Phan Đình Phùng.
[32] Những vùng này đều thuộc phủ Đức Thọ.
[33] Tức bến Tam Soa gần Linh Cảm.
[34] Ở Đức Xá, Đức Thọ.
[35] Tức vùng Châu Phong, Đức Thọ.
[36] Thôn Trung tức thôn Trung Lễ. Bọn công giáo tay sai của giặc Pháp kéo đến làng quê của Bang Ninh cướp và đốt để báo thù.
[37] Lúc ấy đại đồn đóng xóm Trửa, xóm có nhà Bang Ninh, làng được rào kín, xóm này thông với xóm kia bằng đường ống.
[38] Có lẽ là lời của Bang Ninh nói với nhân dân sau khi thất bại.
[39] Ý nói bàn bạc việc quân.
[40] Vỗ về yên thuận.
[42] Theo lời các cụ truyền lại thì trong quân của Bang Ninh có người Trung Quốc, nhân dân lúc ấy quen gọi là quân đội Thanh Biền (mũ xanh).
[43] Một làng thuộc phủ Đức Thọ.
[44] Tức lãnh binh Nguyễn Duật. Y sau bị quân khởi nghĩa giết chết. Câu này có người nhớ là “Phái Lãnh Duật kéo lên”.
[45] Chưa rõ ở đâu. Trúc có người cho là đồn Trúc thuộc huyện Hương Khê nơi hành tại của vua Hàm Nghi (dựa theo Ngọc đường văn tập), có người cho là chùa Trúc thuộc phủ Đức Thọ gần Đông Thái. Liễu có người cho là đồn Dương Liễu ở huyện Nam Đàn, nơi đóng quân của Cao Thắng.
[47] Đánh.
[48] Súng nạp thuốc đạn sẵn, đây là loại súng nạp tiền.
[49] Tức Lê Hoạt, người làng Trùng Hanh (Can Lộc).
[50] Nhẩy phóc.
[51] Còn.
[52] Cũ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Cầu Ngu, Trung Lễ xưa nay