27/04/2024 07:46Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ẩm đạo
飲醻

Tác giả: Vũ Phạm Khải - 武范啟

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 02/07/2016 14:41

 

Nguyên tác

橫秋雁帶片雲還,
京洛重逢鬢共班。
啣結同心應自信,
雌黄隨口更何關。
世多愛老還憎老,
人每偷閑却厭閑。
指日戎塵空北塞,
醉携彭澤上南山。

Phiên âm

Hoành thu nhạn đới phiến vân hoàn,
Kinh lạc trùng phùng mấn cộng ban.
Hàm kết[1] đồng tâm ưng tự tín,
Thư hoàng tuỳ khẩu[2] cánh hà quan.
Thế đa ái lão hoàn tăng lão,
Nhân mỗi thâu nhàn khước yếm nhàn.
Chỉ nhật nhung trần không Bắc tái,
Tuý huề Bành Trạch[3] thướng Nam san[4].

Dịch nghĩa

Trời đã đậm thu, nhạn đưa áng mây về
Gặp lại nhau ở Kinh đô, mái tóc đều bạc
Cùng một tấm lòng ngậm vòng kết cỏ, nên phải tự tin
Mặc cho miệng thế nói là trống, là mái, có quan hệ gì
Đời nhiều kẻ yêu lão, lại có kẻ ghét lão
Người ta mỗi khi trộm được hưởng nhàn rồi lại chán cảnh nhàn
Hẹn ngày giặc giã sẽ yên hàn nơi ải Bắc
Say rồi dắt tay cụ Bành Trạch lên chơi núi Nam

Bản dịch của Nguyễn Văn Huyền

Nhạn đưa mây tới lúc thu tàn,
Trở lại kinh đô tóc bạc lan.
Đền đáp trọn lòng, nên tự tín,
Méo tròn sướng miệng, kệ ai bàn.
Đời nhiều yêu lão cùng hiềm lão,
Người thích tranh nhàn lại chán nhàn.
Hẹn buổi yên hàn ngoài ải Bắc,
Say cùng Bành Trạch dạo Nam San.
[1] Ngậm vòng, kết cỏ. Nguyên văn là “hàm hoàn” (ngậm vòng ngọc) và “kết thảo” (kết cỏ). Do hai điển cố: 1/ Dương Bảo thấy một con chim sẻ bị chim cắt đánh rơi xuống đất gần chết, liền đem về nuôi cho đến khi khoẻ mạnh, thả cho bay đi.Đêm ấy có một đứa trẻ ngậm bốn cái vòng ngọc đến tạ ơn. 2/ Nguỵ Thù lúc hấp hối dặn con là Nguỵ Khoả nên đem chôn theo người thiếp yêu của mình. Khoả không làm theo lời cha, cho người về lấy chồng. Sau Khoả được làm tướng đánh nhau với danh tướng Đỗ Hồi, tự nhiên Hồi ngã ngựa lăn xuống đất, bị bắt sống. Đêm ấy Khoả mộng thấy một ông già đến tạ ơn và cho biết rằng ông là cha người thiếp được Khoả cứu sống, đã đền ơn bằng cách kết cỏ làm vướng chân ngựa Đỗ Hồi. Cả câu ý nói: mong báo đáp ơn sâu của nhà vua.
[2] Mặc cho miệng lưỡi. Ý như đầu lưỡi không xương, khen chê thế nào cũng được.
[3] Tên hiệu của Đào Tiềm đời Tấn, nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng “về ở ẩn” không thiết công danh ràng buộc, tự vui với thú bần bạch, thanh cao.
[4] Tức Chung Nam Sơn, một cảnh đẹp ở Trung Quốc có nhiều nhà thơ nổi tiếng đến chơi. Đây chỉ chung cảnh đẹp có thể vui chơi, nhàn tản ngâm vịnh.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vũ Phạm Khải » Ẩm đạo