26/04/2024 07:12Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thi cưu 1
鳲鳩 1

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 05/10/2005 22:01

 

Nguyên tác

鸤鳩在桑,
其子七兮。
淑人君子,
其儀一兮;
其儀一兮,
心如結兮。

Phiên âm

Thi cưu tại tang,
Kỳ tử nhất hề!
Thục nhân quân tử,
Kỳ nghi nhất hề!
Kỳ nghi nhất hề!
Tâm như cất (kết) hề!

Dịch nghĩa

Chim thi cưu thì ở trên cây dâu,
Chim con thì có bảy.
Bực hiền nhân quân tử,
Chỉ có một uy nghi mà thôi,
Chỉ có một uy nghi mà thôi,
Chon nên tâm lòng như kết chặt không hề biến đổi.

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Trên cây dâu thi cưu ở đấy
Chim con thì có bảy mà thôi.
Hiền nhân quân tử ở đời,
Uy nghi chỉ một, lòng thời vô tư,
Uy nghi đã khư khư duy nhất,
Nên tâm lòng bền chặt chẳng rời.
Chú giải của Chu Hy:

Chương này thuộc hứng.

thi cưu: chim kiết cúc, cũng gọi là chim đái chắng, nay là chim bố cốc, nuôi con thì buổi sáng từ trên bay xuống, buổi chiều từ dưới bay lên, đều đều như một.
như kết (đọc cất cho hợp vận): như những vật cố kết chặt chẽ, không rã rời.

Nhà thơ khen tặng người quân tử dụng tâm công bình đều nhau như một, cho nên nói rằng chi thi cưu thì ở trên cây dâu, có bảy chim con. Còn bực hiền nhân quân tử thì uy nghi chỉ có một mà thôi. Uy nghi chỉ có một thì tâm lòng chặt chẽ không cải biến. Nhưng không biết chỉ vào ai mà nói đây.

Trần thị nói: người quân tử thay đổi sắc thái dung mạo là để lánh xa việc hung bạo, việc khinh mạn, giữ dung sắc cho chính đáng là để gần với sự tin thật, thốt lời ra là để xa việc thô tục trái lễ. Những điều ấy hiện rõ ở những cử động uy nghi, đều có phép độ thông thường. Há lại có ý khư khư làm ra thế ấy hay sao? Vì rằng tính hoà thuận chất chứa ở trong, thì vẻ tinh hoa phát lộ ra ngoài. Cho nên hễ uy nghi một khi đã lộ ra ngoài, thì tâm lòng như kết chặt ở trong, do đó mà có thể biết vậy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Thi cưu 1