29/03/2024 17:22Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tặng Bạch Mã vương Bưu
贈白馬王彪

Tác giả: Tào Thực - 曹植

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Tam Quốc
Đăng bởi Vanachi vào 15/02/2014 12:48

 

Nguyên tác

謁帝承明廬,
逝將歸舊疆。
清晨發皇邑,
日夕過首陽。
伊洛廣且深,
欲濟川無梁。
汎舟越洪濤,
怨彼東路長。
顧瞻戀城闕,
引領情內傷。

太谷何寥廓,
山樹鬱蒼蒼。
霖雨泥我塗,
流潦浩縱橫。
中逵絕無軌,
改轍登高崗。
脩阪造雲日,
我馬玄以黃。

玄黃猶能進,
我思鬱以紆。
鬱紆將難進,
親愛在離居。
本圖相與偕,
中更不克俱。
鴟梟鳴衡軛,
豺狼當路衢。
蒼蠅間白黑,
讒巧令親疏。
欲還絕無蹊,
攬轡止踟躕。

踟躕亦何留?
相思無終極。
秋風發微涼,
寒蟬鳴我側。
原野何蕭條,
白日忽西匿。
歸鳥赴喬林,
翩翩厲羽翼。
孤獸走索群,
銜草不遑食。
感物傷我懷,
撫心長太息。

太息將何為?
天命與我違。
奈何念同生,
一往形不歸。
孤魂翔故域,
靈柩寄京師。
存者忽復過,
亡沒身自衰。
人生處一世,
去若朝露晞。
年在桑榆間,
影響不能追。
自顧非金石,
咄唶令心悲。

心悲動我神,
棄置莫復陳。
丈夫志四海,
萬里猶比鄰。
恩愛苟不虧,
在遠分日親。
何必同衾幬,
然後展慇勤。
憂思成疾疹,
無乃兒女仁。
倉卒骨肉情,
能不懷苦辛。

苦辛何慮思?
天命信可疑。
虛無求列仙,
松子久吾欺。
變故在斯須,
百年誰能持?
離別永無會,
執手將何時?
王其愛玉體,
俱享黃髮期。
收淚即長路,
援筆從此辭。

Phiên âm

Yết đế Thừa Minh Lư[1],
Thệ tương quy cựu cương.
Thanh thần phát hoàng ấp,
Nhật tịch quá Thú Dương[2].
Y, Lạc[3] quảng thả thâm,
Dục tế xuyên vô lương.
Phiếm chu việt hồng đào,
Oán bỉ đông lộ[4] trường.
Cố chiêm luyến thành khuyết,
Dẫn lĩnh tình nội thương.

Thái Cốc[5] hà liêu khuếch,
Sơn thụ uất thương thương.
Lâm vũ nê ngã đồ[6],
Lưu lạo hạo tung hoành.
Trung quỳ tuyệt vô quỹ,
Cải triệt đăng cao cương.
Tu phản tạo vân nhật,
Ngã mã huyền dĩ hoàng.[7]

Huyền hoàng do năng tiến,
Ngã tứ uất dĩ hu.
Uất hu tương nan tiến,
Thân ái tại ly cư[8].
Bản đồ tương dữ giai,
Trung cánh bất khắc câu.
Si kiêu[9] minh hành ách,
Sài lang đương lộ cù.
Thương dăng gián bạch hắc,
Sàm xảo linh thân sơ.
Dục hoàn tuyệt vô hề,
Lãm bí chỉ trì trù.

Trì trù diệc hà lưu?
Tương tư vô chung cực.
Thu phong phát vi lương,
Hàn thiền[10] minh ngã trắc.
Nguyên dã hà tiêu điều,
Bạch nhật hốt tây nặc.
Quy điểu phó kiều lâm,
Phiên phiên lệ vũ dực.
Cô thú tẩu tác quần,
Hàm thảo bất hoàng thực.
Cảm vật thương ngã hoài,
Phủ tâm trường thái tức.

Thái tức tương hà vi?
Thiên mệnh dữ ngã vi.
Nại hà niệm đồng sinh[11],
Nhất vãng hình bất quy[12].
Cô hồn tường cố vực[13],
Linh cữu ký kinh sư.
Tồn giả[14] hốt phục quá,
Vong một thân tự suy.
Nhân sinh xử nhất thế,
Khứ nhược triêu lộ hy.
Niên tại Tang, Du[15] gian,
Ảnh hưởng bất năng truy.
Tự cố phi kim thạch,
Đốt giới linh tâm bi.

Tâm bi động ngã thần,
Khí trí mạc phục trần.
Trượng phu chí tứ hải,
Vạn lý do tỷ lân.
Ân ái cẩu bất khuy,
Tại viễn phân nhật thân.
Hà tất đồng khâm trù,
Nhiên hậu triển ân cần.
Ưu tư thành tật chẩn,
Vô nãi nhi nữ nhân.
Thảng tốt[16] cốt nhục tình,
Năng bất hoài khổ tân.

Khổ tân hà lự tư?
Thiên mệnh tín khả nghi[17].
Hư vô cầu liệt tiên,
Tùng Tử[18] cửu ngô khi.
Biến cố[19] tại tư tu,
Bách niên thuỳ năng trì?
Ly biệt vĩnh vô hội,
Chấp thủ tương hà thì?
Vương kỳ ái ngọc thể,
Câu hưởng hoàng phát kỳ.
Thâu lệ tức trường lộ,
Viện bút tòng thử từ.

Dịch nghĩa

Về chầu vua ở hoàng cung,
Rồi trở về đất phong.
Buổi sáng ra lên đường rời kinh đô,
Tối đến thì tới Thú Dương.
Sông Y và sông Lạc rộng lại sâu,
Muốn vượt sông mà không có cầu.
Lấy thuyền con vượt qua sóng lớn,
Oán thán đường về đông phiên thực xa.
Ngoảnh lại nhìn cung điện ở kinh đô,
Dài cổ ngóng, trong lòng đau thương.

Thái Cốc rộng mênh mang làm sao,
Cây núi màu xanh ngắt.
Mưa dầm làm bùn đất ngăn trở đường đi,
Nước ứ đọng chảy dọc ngang khắp nơi.
Đường chính không còn thấy dấu vết,
Tạm lấy mép cao mà đi lên.
Sườn núi cao đến trời mây,
Ngựa đen vất vả ốm yếu biến thành màu vàng.

Ngựa đen hay vàng vẫn còn có thể đi lên được,
Còn lòng ta thì vẫn mãi quanh co.
Quanh co không thể tiến lên trước,
Người thân thích phải chia lìa nhau.
Vốn cùng đi chung một đường,
Nhưng giữa đường lại không cho đi cùng.
Chim si kiêu kêu trước càng xe,
Sói xung quanh ở bên đường.
Nhặng xanh chia rẽ trắng đen,
Gièm pha khiến người thân thành sơ.
Muốn quay lại về kinh mà không có lối,
Cầm cương ngựa đứng chần chừ.

Sao còn cứ đứng chần chừ mãi?
Mối tương tư là vô hạn không thể kết thúc.
Gió thu nổi, trời trở rét,
Ve lạnh kêu ở cạnh bên.
Đồng nội nhìn thực tiêu điều,
Mặt trời chợt lặn về tây.
Chim bay về rừng ngủ,
Cánh gắng sức đập gấp gáp.
Thú hoang lẻ bị lạc mất bầy,
Trong miệng ngậm cỏ mà chưa kịp ăn.
Nhìn cảnh vật thương cảm, lòng càng sầu bi,
Nén lòng lại, than dài một tiếng.

Than thở cũng đâu làm gì được?
Số trời đã xếp đặt sẵn.
Vốn sinh ra cùng một mẹ,
Nhưng đã ra đi mãi mãi không còn trở về.
Cô hồn bay tìm về nơi đất phong,
Thân xác gửi lại kinh thành.
Những người sống rồi cũng sớm chết,
Thân thể tự suy yếu và chết đi.
Người ta sống một đời,
Đến khi chết như giọt sương sớm tan nhanh.
Tuổi xuân đã như mặt trời sắp lặn,
Những hình bóng cũ (những ngày vui vẻ khi xưa) không thể tìm về.
Tự biết là không vững bền như vàng đá,
Than thở khiến lòng thêm buồn.

Lòng đau buồn ảnh hưởng tới tinh thần,
Sau khi chia tay rồi chớ có nhắc lại.
Trượng phu ở đời, chí tại bốn phương,
Xa nhau vạn dặm cũng như là ở cạnh.
Nếu tình cảm không đạm bạc với nhau,
Thì càng xa cách càng thêm thân thiết.
Đâu cần phải cùng chăn cùng gối ngủ,
Thì về sau mới đối xử ân cần với nhau.
Âu lo càng làm thêm người thêm bệnh,
Như thế cũng không ngoài loại tình cảm nhi nữ.
Tình cốt nhục bỗng nhiên chia lìa,
Làm sao có thể không đau khổ được.

Đau khổ lo lắng vì sao?
Số trời không thể đáng tin.
Cầu vào tiên xin học những đạo viển vông,
Xích Tùng Tử từ lâu đã lừa ta.
Biến cổ xảy ra chỉ trong chốc lát,
Thì làm sao có thể giữ gìn suốt đời?
Ly biệt không hẹn ngày tái ngộ,
Thì biết bao giờ mới lại có thể cầm tay nhau?
Xin vương hãy bảo trọng thân thể,
Hai ta sẽ cùng nhau thọ tới khi đầu bạc.
Thâu nước mắt, lại lên đường dài,
Lấy bút ra viết những lời này.

Bản dịch của Điệp luyến hoa

Chầu vua nơi cung cấm,
Rồi trở lại đất phong.
Kinh sư, sáng cất bước,
Chiều tối qua Thú Dương.
Y, Lạc sâu lại rộng,
Muốn qua, cầu chẳng thông.
Thuyền con vượt sóng lớn,
Đường cách trở về đông.
Ngoảnh lại nhìn cung khuyết,
Xa ngóng thực đau lòng.

Thái Cốc mênh mang rộng,
Cây núi phủ xanh xanh.
Mưa dầm, bùn ngăn trở,
Nước ngập bốn mặt quanh.
Lối đi không thấy dấu,
Theo mép cao làm đường.
Sườn núi lên chót vót,
Ngựa đen chuyển màu vàng.

Đen vàng còn tiến được,
Lòng ta mãi quanh co.
Quanh co không thể tiến,
Huynh đệ phải cách xa.
Vốn dĩ chung một lối,
Đi cùng lại chẳng cho.
Quạ diều kêu phía trước,
Bên đường sói thập thò.
Nhặng xanh loạn đen trắng,
Gièm pha, thân hoá sơ.
Muốn về kinh không thể,
Cầm cương đứng chần chừ.

Chần chừ làm chi mãi?
Nhớ nhung đâu thể nguôi.
Gió thu, trời trở rét,
Ve lạnh thảm thương ôi.
Đồng cỏ tiêu điều úa,
Về tây khuất mặt trời.
Chim bay về rừng trú,
Vươn cánh vỗ miệt mài.
Thú hoang tìm bầy lạc,
Ngậm cỏ chưa kịp nhai.
Nhìn cảnh, lòng đau nhói,
Nén dạ, thở than dài.

Thở than làm chi được?
Phải tuân số trời kia.
Vốn sinh cùng khúc ruột,
Mà nay mãi chia ly.
Hồn bay về đất cũ,
Thi thể tại kinh sư.
Người sống rồi cũng chết,
Thân thể tự suy vi.
Đời người được mấy chốc,
Như sương sớm tan đi.
Tuổi như mặt trời lặn,
Hình bóng khó tìm về.
Biết không như vàng đá,
Than thở, lại sầu bi.

Sầu bi động tinh thần,
Về sau chớ phân vân.
Trượng phu chí bốn biển,
Vạn dặm cũng như gần.
Ân tình nếu không bạc,
Xa cách lại thêm thân.
Đâu phải cùng chăn gối,
Về sau mới ân cần.
Lo lắng cho thêm bệnh,
Tình nhi nữ cũng gần.
Bỗng chốc lìa cốt nhục,
Thực đau khổ muôn phần.

Đau khổ rồi lo lắng,
Mệnh trời đáng tin đâu!
Cầu tiên đều hư huyễn,
Tùng Tử lừa ta lâu.
Biến cố chỉ chốc lát,
Trăm năm giữ được sao?
Không hẹn ngày tái ngộ,
Cầm tay biết thuở nào?
Hãy giữ gìn ngọc thể,
Hưởng dương tới bạc đầu.
Gạt lệ lên đường tiếp,
Đem bút viết đôi câu.
Lời tự: “Hoàng Sơ[20] tứ niên ngũ nguyệt, Bạch Mã vương, Nhậm Thành vương[21] dữ dư câu triều kinh sư hội tiết khí[22]. Đáo Lạc Dương, Nhậm Thành vương hoăng[23]. Chí thất nguyệt, dữ Bạch Mã vương hoàn quốc. Hậu hữu ty[24] dĩ nhị vương quy phiên[25], đạo lộ nghi dị túc chỉ, ý độc hận chi. Cái dĩ đại biệt[26] tại sổ nhật, thị dụng tự phẫu, dữ vương từ yên, phẫn nhi thành thiên” 黃初四年五月,白馬王、任城王與餘俱朝京師會節氣。到洛陽,任城王薨。至七月,與白馬王還國。後有司以二王歸藩,道路宜異宿止,意毒恨之。蓋以大別在數日,是用自剖,與王辭焉,憤而成篇 (Tháng năm năm Hoàng Sơ thứ tư, Bạch Mã vương, Nhậm Thành vương và ta cùng triều kinh sư dự lễ đón mùa. Đến Lạc Dương, Nhậm Thành vương mất. Đến tháng bảy, ta cùng Bạch Mã vương trở về. Sau có sứ giả theo hai vương về phiên quốc, trên đường không cho hai người ở cùng, thực đáng hận thay. Vì trong vài ngày phải vĩnh biệt, nên tỏ lòng mình, cùng vương từ biệt, phẫn hận viết thành bài này).

Bạch Mã vương Bưu tức Bạch Mã vương Tào Bưu 曹彪, tự Chu Hổ 朱虎, em khác mẹ của Tào Thực. Theo Tam quốc chí, Tào Bưu làm Ngô vương năm Hoàng Sơ thứ 4 (223), làm Bạch Mã vương năm thứ 7 (236), so với lời tựa không phù hợp. Có lẽ Tào Bưu làm Bạch Mã vương từ năm Hoàng Sơ thứ 4 (223). Bạch Mã nay ở tỉnh Hà Nam.

Đây là một danh tác của Tào Thực, đầu tiên được thấy chép trong Nguỵ thị xuân thu 魏氏春秋 nhưng không có phần tựa mà phần tựa được thấy chép đầu tiên trong Văn tuyển. Theo lời tựa, bài này được sáng tác năm Hoàng Sơ thứ 4 (223). Khi đó, Tào Thực cùng hai anh em Tào Bưu và Nhậm Thành vương Tào Chương 曹章 vào triều. Đến Lạc Dương, Tào Chương bị chết một cách ám muội. Lúc trên đường đi về, hai anh em Tào Thực, Tào Bưu lại bị quan lại đi theo tìm cách hãm hại, không cho ở cùng một chỗ. Tào Thực phẫn uất viết bài thơ này tặng Tào Bưu trước khi chia tay.

Bài thơ gồm 7 chương. Hai chương đầu nói lên sự vất vả dọc đường sau khi rời sông Lạc và phần nào hé lộ nỗi niềm bi phẫn. Chương ba nói lên ý chính tức những điều ông quá bức xúc vì bị cắt chia tình cốt nhục và bị chèn ép về chính trị. Chương bốn tả cảnh thu buồn bã. Chương năm thuật lại cái chết của Tào Chương và nêu lên dự cảm về kết cục bi đát của những người thân còn lại. Chương sáu mở đầu bằng những lời động viên Tào Bưu nhưng kết thúc vẫn là những vần thơ chứa chan đầy nước mắt. Chương cuối nói lên nỗi lòng lúc chia tay và dự đoán khả năng ly biệt mãi mãi.

Nguyễn Khắc Phi nhận xét: “Tuy chỉ đề cập đến những bất hạnh cá nhân, nhưng bài thơ cũng cho ta thấy một số mặt trong các mối quan hệ xã hội dưới thời phong kiến ở Trung Quốc, do đó nó vẫn có giá trị hiện thực nhất định. Bài này lời lẽ chân thành, hình tượng sinh động, tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với trữ tình, tình hoà với cảnh...”

[20] Niên hiệu đời Nguỵ Văn Đế, từ năm 220 đến năm 226. Năm Hoàng Sơ thứ 4 là năm 223.
[21] Tức Tào Chương 曹章, tự Tử Văn 子文, anh cùng mẹ của Tào Thực, được phong Nhậm Thành vương từ năm Hoàng Sơ thứ 3 (222). Nhậm Thành nay thuộc tỉnh Sơn Đông.
[22] Đời Nguỵ, mỗi năm vào các dịp lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, trước 18 ngày có cử hành lễ đón mùa, các vương hầu phải về kinh sư để tham dự.
[23] Về cái chết của Tào Chương, có thuyết nói bị bệnh, có thuyết nói bị Tào Phi đầu độc (Thế thuyết tân ngữ).
[24] Quan lại, ở đây chỉ quan Giám quốc sứ giả Quán Quân 灌均.
[25] Phiên quốc, đất phong, chỉ Quyên Thành của Tào Thực và Bạch Mã của Tào Bưu.
[26] Tức vĩnh biệt. Theo quy định đời Nguỵ, giữa các phiên quốc không được qua lại. Tào Thực biết là sau khi từ biệt sẽ không thể gặp lại nên ở đây dùng “đại biệt”.
[1] Tên cung điện tại Trường An đời Hán, ở đây dùng để phiếm chỉ hoàng cung.
[2] Núi ở đông bắc Lạc Dương ngoài hai mươi dặm.
[3] Sông Y và sông Lạc. Sông Y xuất phát từ núi Hùng Nhĩ, tỉnh Hà Nam, tới huyện Yển Sư thì nhập vào sông Lạc. Sông Lạc xuất phát từ núi Trủng Lĩnh, tỉnh Thiểm Tây, tới huyện Củng, tỉnh Hà Nam thì nhập vào sông Hoàng Hà.
[4] Chỉ đường từ Thú Dương về Quyên Thành.
[5] Tên hang núi, còn có tên Thông Cốc 通谷, cách Lạc Dương năm mươi dặm về hướng đông nam. Đây cũng là tên cửa ải có từ đời Hán Linh Đế. Trong bài “Lạc thần phú” 洛神賦, tác giả dùng Thông Cốc cũng chính là nơi này.
[6] Do chữ 途, đường đi.
[7] Tu: dài; tạo: tới; vân nhật: tức “vân thiên” 雲天, trời mây. Hai câu này mượn ý từ thiên Quyển nhĩ 卷耳 trong Thi kinh: “Trắc bỉ cao cương, Ngã mã huyền hoàng” 陟彼高崗,我馬玄黃 (Leo lên vách núi cao, Ngựa ta màu đen chuyển thành vàng). Theo Trịnh Huyền 鄭玄 chú, ngựa đen nhưng màu vàng là do ốm nặng, ở đây là do đi đường gian khó.
[8] Câu này chỉ Tào Thực và Tào Bưu phải chia đường hai ngả.
[9] Một loại chim cú nhỏ, dữ, tiếng kêu không rõ ràng. Cổ nhân cho rằng ở nơi nào có tiếng chim này kêu thì ở đó có kẻ tiểu nhân, ở đây ám chỉ việc có tiểu nhân ở xung quanh, tức Giám quốc sứ giả Quán Quân do Tào Phi phái tới.
[10] Một loại ve sầu kêu vào mùa rét, còn gọi là “hàn điêu” 寒蜩 hoặc “hàn tương” 寒螿.
[11] Chỉ anh là Tào Chương mới mất. Tào Phi, Tào Chương và Tào Thực là ba anh em cùng mẹ, do Biện hoàng hậu 卞皇后 sinh.
[12] Câu này chỉ việc Tào Chương mất.
[13] Chỉ đất phong của Tào Chương là Nhậm Thành. Có bản chép là “cố thành” 故城.
[14] Người còn lại, chỉ tác giả cùng Tào Bưu.
[15] Tên hai sao ở phía tây, là nơi mặt trời lặn. Người xưa thường dùng Nhật tại Tang, Du 日在桑榆 để chỉ việc sắp chết.
[16] Bất chợt, bỗng nhiên, chỉ cái chết của Tào Chương. Có bản chép là “thảng thốt” 倉猝.
[17] Câu này có thể ám chỉ Tào Phi, thiên chỉ thiên tử.
[18] Tức Xích Tùng Tử 赤松子, tương truyền vốn là vũ sư đời vua Thần Nông, sau đắc đạo thành tiên.
[19] Chỉ cái chết của Tào Chương.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tào Thực » Tặng Bạch Mã vương Bưu