27/07/2024 13:01Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Kinh Môn chu trung

Tác giả: Phạm Hy Lượng - 范熙亮

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Phạm Hy Hưng vào 26/12/2022 04:57

 

Phiên âm

Xuân hàn liễu do ám,
Ngạn ưng trần nhược huân.
Hán cao sấn cô trạo,
Phỏng cổ đồ vân vân.
Nam Chương Hán Thượng dịch,
Di chỉ đôi hàn vân.
Thanh Khê Trường Bản kiều[1],
Dã thảo đạm tà huân.
Đa tình bi Tống Ngọc[2],
Hà xứ điếu Chiêu Quân?
Phùng nhân dục vấn tấn,
Cưỡng thiệt hoàn phân vân[3].
Phong động tiềm lân hoán.
Ngã tư:
Cổ nhân bất khả vấn,
Cổ nhân bất khả kiến.
Duy hữu bôn lưu nhiễu phương điện,
Cửu châu[4] bút hạ tập nhất trần!
Cổ nguyệt thúc nhiên chiếu giang diện.

Dịch nghĩa

Xuân lạnh, màu liễu còn tím tái,
Bờ sông ám bụi như khói xông.
Sải mái chèo đơn trên miền Hán Khẩu,
Tìm dấu xưa mà thấy bát ngát quá.
Nào sách Hán Thượng Dịch ở Nam Chương,
Di tích còn lại là một gò hoang mây lạnh phủ.
Nào cầu Trường Bản đất Thanh Khê,
Cỏ dại vương ánh chiều rơi rớt.
Buồn cho chàng Tống Ngọc đa tình,
Biết nơi nào để viếng nàng Chiêu Quân?
Gặp người muốn hỏi thăm tin tức,
Nhưng ai cũng “già mồm” thành ra rối tung lên.
Gió thổi làm nhoà tăm cá.
Tôi chợt nghĩ:
Người xưa không thể hỏi được nữa!
Người xưa không thể thấy được nữa!
Chỉ có nước chảy xiết quanh cồn đất thơm,
Chín châu dưới ngòi bút, thành một mớ ám bụi.
Vầng trăng xưa chợt chiếu rọi trên mặt sông.

Bản dịch của Trần Lê Văn

Xuân lạnh, liễu tê tái,
Bờ sông bụi mịt mờ.
Chèo đơn miền Hán Khẩu,
Chơi vơi tìm dấu xưa.
Nam Chương Hán Thượng Dịch,
Gò hoang mây lạnh đưa.
Thanh Khê, cầu Trường Bản,
Cỏ dại, ánh chiều thưa.
Đa tình, thương Tống Ngọc,
Viếng Chiêu Quân, đâu mồ?
Gặp người, muốn hỏi chuyện,
Miệng lưỡi nghe rối mù.
Gió thổi chìm tắm cá…
Ta chợt nghĩ rằng:
Người xưa, hỏi được đâu!
Người xưa, thấy được đâu!
Chỉ quanh cõi thơm, nước chảy vội.
Dưới bút, chín châu toàn những bụi,
Trăng xưa bỗng chiếu mặt sông sâu.
Nguyên chú: “Huyện Chung Tường có miếu Thuỷ Kính. Huyện Kinh có bến Sa Dương, có thư viện, nơi Chu Chấn giảng Kinh dịch”.

[1] Nguyên chú: “Ngoài thành Kinh Môn, có cầu Đương Dương, Trường Bản. Thanh Khê, quê của Viên An cũng ở nơi này.”
[2] Nguyên chú: “Huyện Nghi Thành có làng cũ của Tống Ngọc”.
[3] Theo Bắc sà nhật kỷ thì nhiều người “thấy người sang bắt quàng làm họ”, cố kéo danh nhân lịch sử về cho địa phương mình.
[4] Chín châu, chỉ đất Trung Quốc thời cổ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phạm Hy Lượng » Kinh Môn chu trung