26/04/2024 10:17Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tặng Dân Lợi dược phòng (Mỗi cú quân hữu dược vị)
贈民利藥房(每句均有藥味)

Tác giả: Trần Đình Tân - 陳廷賓

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi Vanachi vào 29/08/2006 13:18

 

Nguyên tác

煮煉丹砂學已精,
籠中參朮費經營。
民醫調劑資姜活,
利路亨通重寄生。
客地蓮心饒厚朴,
新州商陸著聲名。
紅花紫苑增春色,
蘆會金銀福履成。

Phiên âm

Chử luyện đan sa học dĩ tinh,
Lung trung sâm truật phí kinh dinh.
Dân[1] y điều tễ tư khương hoạt,
Lợi lộ hanh thông trọng ký sinh.
Khách địa liên tâm nhiêu hậu phác,
Tân Châu[2] thương lục trứ thanh danh.
Hồng hoa tử uyển tăng xuân sắc,
Lô hội kim ngân phúc lý thành.

Dịch nghĩa

Học đã rành cách thăng chế đơn sa thành tiên đơn,
Bỏ ra nhiều tiền của để mua sâm và truật chứa sẵn trong rương mà dùng.
Bốc thuốc cho dân uống lành bệnh, nhờ đó mà dân sống an vui,
Con đường mang lại lợi lộc được thông suốt nhờ biết coi trọng hoài bão gởi vào cuộc đời.
Ở đất khách mà giữ được lòng bao dung, đôn hậu, chất phác thì tấm lòng ấy đẹp tợ hoa sen,
Nên tên tuổi nổi bật trong số những người buôn bán trên đất Tân Châu.
Hoa hồng vườn tía làm tăng thêm vẻ xuân,
Truyền cho tiền bạc tụ vào, phúc lộc thành tựu.

Bản dịch của Đặng Quý Địch

Nấu luyện đơn sa học đã tinh
Truật sâm mua sẵn để kinh dinh
Dân y phục vụ cho dân sống
Lợi lộ duy trì đặng lợi hanh
Chợ giã lòng sen thơm thảo nức
Châu Tân khách trú tiếng tăm rền
Hoa hồng vườn tía xuân thêm vẻ
Tiền bạc sinh sôi, phúc lộc thành!
Những từ in nghiêng đều là tên những vị thuốc Bắc. Tác giả dùng đơn thuần tên thuốc như đơn sa, sâm, truật, thì những từ đó là tên thuốc; dùng lấy nghĩa đen như ký sinh, liên tâm, hậu phác, thương lục, hồng hoa, kim ngân; dùng gợi âm của chữ cùng âm nhưng khác nghĩa như khương hoạt lô hội. Cho nên khi dịch nghĩa xuôi và dịch thơ, ngoài ba tên đơn sa, sâm, truật giữ y, các vị thuốc kia đều dịch lấy nghĩa chứ không giữ y tên thuốc như nguyên tác. Đây cũng là một hạn chế nữa mà người dịch không thể khắc phục để phản ánh đúng cách chơi chữ của tác giả, thật đáng tiếc!

[1] Hai chữ “Dân Lợi” đứng đầu hai câu 3, 4 ghép lại thành tên tiệm thuốc. Tiệm này ở tại Quy Nhơn, chủ nhân họ Hàn từ Trung Quốc sang buôn bán tại Quy Nhơn đã lâu đời.
[2] Thi Nại gọi đủ là Thi Lị Bì Nại, tên phiên âm chữ Cri-Banoi là tên hải cảng của Vương quốc Champa, ta thường đọc lầm là Thị Nại, sau là Quy Nhơn (năm 1602). Tàu cũng gọi cảng này là Tân Châu.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trần Đình Tân » Tặng Dân Lợi dược phòng (Mỗi cú quân hữu dược vị)