27/04/2024 12:03Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ký Lý thập nhị Bạch nhị thập vận
寄李十二白二十韻

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi hongha83 vào 26/01/2010 03:36

 

Nguyên tác

昔年有狂客,
號爾謫仙人。
筆落驚風雨,
詩成泣鬼神。
聲名從此大,
汩沒一朝伸。
文綵承殊渥,
流傳必絕倫。
龍舟移棹晚,
獸錦奪袍新。
白日來深殿,
青雲滿後塵。
乞歸優詔許,
遇我宿心親。
未負幽棲志,
兼全寵辱身。
劇談憐野逸,
嗜酒見天真。
醉舞梁園夜,
行歌泗水春。
才高心不展,
道屈善無鄰。
處士禰衡俊,
諸生原憲貧。
稻粱求未足,
薏苡謗何頻。
五嶺炎蒸地,
三危放逐臣。
幾年遭鵩鳥,
獨泣向麒麟。
蘇武先還漢,
黃公豈事秦。
楚筵辭醴日,
梁獄上書辰。
已用當時法,
誰將此義陳。
老吟秋月下,
病起暮江濱。
莫怪恩波隔,
乘槎與問津。

Phiên âm

Tích niên hữu cuồng khách,
Hiệu nhĩ trích tiên nhân.
Bút lạc kinh phong vũ,
Thi thành khấp quỷ thần.
Thanh danh tòng thử đại,
Mịch một nhất triêu thân.
Văn thái thừa thù ác,
Lưu truyền tất tuyệt luân.
Long chu di trạo vãn[1],
Thú cẩm đoạt bào tân.
Bạch nhật lai thâm điện,
Thanh vân mãn hậu trần.
Khất quy ưu chiếu hứa,
Ngộ ngã túc tâm thân.
Vị phụ u thê chí,
Kiêm toàn sủng nhục thân.
Kịch đàm liên dã dật,
Thị tửu kiến thiên chân.
Tuý vũ Lương viên[2] dạ,
Hành ca Tứ thuỷ[3] xuân.
Tài cao tâm bất triển,
Đạo quật thiện vô lân.
Xử sĩ Nễ Hành[4] tuấn,
Chư sinh Nguyên Hiến[5] bần.
Đạo lương cầu vị túc,
Ý dĩ báng hà tần[6].
Ngũ Lĩnh[7] viêm chưng địa,
Tam Nguy phóng trục thần.
Kỷ niên tao phục điểu[8],
Độc khấp hướng kỳ lân[9].
Tô Vũ[10] tiên hoàn Hán,
Hoàng công[11] khởi sự Tần.
Sở diên từ lễ[12] nhật,
Lương ngục thượng thư thần[13].
Dĩ dụng đương thì pháp,
Thuỳ tương thử nghĩa trần.
Lão ngâm thu nguyệt hạ,
Bệnh khởi mộ giang tân.
Mạc quái ân ba cách,
Thừa tra dữ vấn tân.

Dịch nghĩa

Năm trước có một người khách cuồng,
Gọi anh là vị tiên bị đày xuống trần gian.
Anh sáng tác mạnh như mưa gió khiến mọi người e sợ,
Xong một bài thơ quỷ thần phải khóc.
Tiếng tăm từ đó ngày một vang dội,
Sau hồi thân xác bị lao đao lận đận.
Anh có một lối hành văn độc đáo,
Nên vì thế được lưu truyền rộng.
Thuyền nhà vua có lần tới đón anh,
Khi về anh được nhà vua ban cho áo gấm.
Cả ngày anh ở trong cung vua thâm kín,
Đi xe bụi tung tận mây xanh.
Chiếu vua hứa cho anh về quê,
Anh gặp tôi kết tình thân.
Không từ bỏ được ý ở nơi sâu thẳm,
Vì cái thân này vốn có đủ nhục lẫn vinh rồi.
Theo câu chuyện, anh ưa đời sống nơi thôn dã,
Khi uống rượu cùng mới thấy con người anh chân thật.
Anh đã từng đêm say múa nơi vườn Lương,
Và đi lang thang ca hát nơi sông Tứ.
Tài cao thôi đành xếp lại trong lòng,
Đạo xa vời biết kết bạn cùng ai.
Anh có tài như Nễ Hành mà rồi đi ở ẩn,
Làm tên học trò nghèo như Nguyên Hiến.
Cơm bữa của anh không đủ gạo rau,
Mà bị dèm pha là có thêm hột ý dĩ.
Vùng năm núi là nơi đất nung nóng,
Nơi ba kẽm cao là chốn giam kẻ bề tôi bị ruồng bỏ.
Mấy năm gặp cú vọ,
Một mình khóc lóc với kỳ lân.
Tô Vũ rồi cuối cùng cũng trở về Hán,
Ông Hoàng đời nào lại giúp nhà Tần.
Ngày mà vua Sở thết tiệc, anh đã từ chối rượu ngọt,
Và từ ngục đời Lương ban sáng đã dâng thư biện hộ.
Đã dùng tới pháp luật đương thời,
Thì ai mà có thể biện hộ cho được.
Dưới trăng thu, một mình thân già ngâm nga,
Vừa mới khỏi bệnh ra bờ sông đứng.
Chớ có ngại làn sóng ân tình xa cách,
Ta sẽ lên bè đi đến để thăm hỏi.

Bản dịch của Nhượng Tống

Năm xưa có khách ngông đời
Rằng: "Tiên đày xuống với người là ta!"
Thơ làm quỷ khóc thần la
Bút vung gió táp mưa sa bời bời
Tiếng tăm đồn dậy khắp nơi
Qua kỳ dụi buộc đến thời vẻ vang
Ơn trên ưu đãi khác thường
Tuyệt vời là giá văn chương trên đời
Thuyền rồng chiều đón đi chơi
Gấm muông sặc sỡ áo ngoài mới ban
Đền vàng lui tới thanh nhàn
Bụi tung dưới gót nổi làn mây xanh
Cho về, chiếu chỉ đinh ninh
Cùng ta, vốn có thân tình từ xưa
Suối rừng chưa hẳn hững hờ
Một thân chịu đựng đã thừa nhục vinh
Chuyện trò, tội nghiệp thói duềnh
Rượu chè càng rõ tính tình thơ ngây
Vườn Lương, đêm múa, khi say
Bờ xuân sông Tứ, nào ngày đi rong
Tài cao đành xếp bên lòng
Đạo cao chịu khuất bạn cùng với ai
Nghèo hèn là kiếp hiền tài
Nễ Hành, Nguyên Hiến kìa người ở đâu
Cơm ăn chưa đủ muối rau
Lại còn ý dĩ hạt châu lắm lời
Giữa vùng nắng lửa đốt trời
Chiếc thân đày đoạ quê người bao đông
Tam nguy, Ngũ Lĩnh long đong
Than cùng cú vọ, khóc cùng kỳ lân
Ông Liên đâu chịu thờ Tần
Chàng Tô đâu lẽ yên thân ở Hồ
Phép công chẳng xét lời vu
Tình oan ai biện bạch cho bây giờ
Tiệc Kinh rượu ngọt đã từ
Ngục Lương thư đã dàng thưa đủ điều
Trời thu ốm dậy buồn teo
Thơ suông ngâm với trăng chiều trên sông
Sóng ơn cách trở mấy trùng
Thả bè ta muốn hỏi cùng trời cao
(Năm 759)

[1] Mời vào cung viết lời cho các bản nhạc trong giáo phường.
[2] Do Lương Hiếu Vương đời Hán dựng nên để đón các du khách văn nhân.
[3] Phát nguyên từ Sơn Đông, chảy qua Giang Tô vào sông Hoài.
[4] Một người tài thời Tam Quốc, nhưng không được trọng dụng.
[5] Một học trò của Khổng Khâu.
[6] Ví với việc Mã Viện, một danh tướng đời Hán, bị dèm pha là chở nhiều xe vàng bạc, mà thật ra là hột ý dĩ, rất dễ trồng nơi miền nam. Đỗ Phủ nhắc đến chuyện Lý Bạch phụ tá Vĩnh Vương Lân lập phái riêng chống An Lộc Sơn và Túc Tông.
[7] Lý Bạch bị đày đi vùng Ngũ Lĩnh.
[8] Giả Nghị 賈誼 người Lạc Dương đời Hán, có tài văn học và lập thuyết chính trị. Hán Văn Đế phong giữ chức bác sĩ. Sau vua nghe lời dèm pha, đổi ông xuống Trường Sa. Khi bị đày tới Trường Sa, làm bài phú than thở cùng với cú vọ.
[9] Khổng Khâu khi nghe tin có người bắt được con kỳ lân, cho đó là số mệnh mình sắp hết, nên khóc than.
[10] Sứ giả của vua Hán cử sang Hung Nô, bị cầm giữ tới già.
[11] Hoàng Thạch, ông đá vàng, theo truyện về Trương Lương, được một ông già nơi cầu Dĩ giúp phép, khi thành đạt tới lại chốn xưa thì chỉ thấy có tảng đá màu vàng, vì thế tin đá đó là thần đã giúp ông giúp nhà Hán thành công trong việc đánh Tần.
[12] Sở Nguyên Vương kính trọng Mục sinh, khi thết tiệc đặt riêng loại rượu cho chàng. Đỗ Phủ muốn biện hộ cho Lý Bạch, khi ông theo Vĩnh Vương Lân là để chống lại An Lộc Sơn, nhưng từ khi Vĩnh Vương Lân có ý chống lại Túc Tông thì Lý Bạch đã lánh xa Vĩnh Vương Lân.
[13] Châu Diễn bị vua Lương hạ ngục, Lý Bạch cũng đã được nhiều người xin vua tha, như Quách Tử Nghi. "Lương ngục thư" 梁獄書 hay "Lương ngục thướng thư" 梁獄上書, trong Sử ký, là dâng thư từ trong ngục nhà Lương để minh oan. Sau chữ này dùng chỉ lá thư biện bạch về nỗi oan khiên của mình do bị vu oan.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Ký Lý thập nhị Bạch nhị thập vận