19/09/2024 23:46Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thứ Kiệm Đường phụng chỉ nghinh sứ thần tứ chương

Tác giả: Lê Quý Đôn - 黎貴惇

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 11/10/2011 01:24

 

Phiên âm

Tòng lai ngọc bạch[1] thắng can qua[2],
Thiều chuyển giao thông[3] thịnh sự đa.
Lưỡng địa văn chương[4] phân chẩn vực,
Nhất nguyên Thù Tứ[5] cộng lưu ba.
Văn chương pháp cổ đồng cơ trữ[6],
Học thuật tôn kinh[7] phá cữu oa.
Nhã hướng cao môn[8] linh nhã giáo,
Vãng hoàn hữu hạnh sứ tinh qua[9].

Dịch nghĩa

Xưa nay ngọc lụa vẫn thắng can qua
Giao thông xe ngựa qua lại có nhiều sự việc của thời thịnh trị
Đã chia ranh giới hai đất văn chương
Cùng chung làn sóng của một nguồn Thù Tứ
Văn chương lấy xưa làm khuôn phép, vẫn chung một cái khung cửi
Học thuật đều tôn trọng kinh điển, song đã phá vỡ khuôn sáo
Thường hướng về nơi cửa cao để nghe lời giáo huấn thanh nhã
Rất lấy làm may cho ngôi sao sứ thần trên đường đi về

Bản dịch của Đào Phương Bình

Xưa nay ngọc lụa thắng binh nhung
Xe ngựa thời bình một nẻo thông
Phân giới văn chương hai đất khác
Theo dòng Thù Tứ một nguồn chung
Văn chương theo mẫu, xưa còn giữ
Học vấn cùng kinh, sáo phá tung!
Thường lắng tai nghe lời chỉ giáo
Đi về đường sứ những thung dung
Kiệm Đường: Tên hiệu của Tra Lễ, tri phủ phủ Thái Bình ở Quảng Tây, là người vâng lệnh triều đình Mãn Thanh tiếp đón sứ thần nước ta khi đi qua địa phương. Trong khi tiếp đón Lê Quý Đôn, ông có làm bốn bài thơ mừng, cho nên Lê Quý Đôn hoạ vần đáp lại.

[1] Theo lễ đời xưa, khi triều hội người ta đem ngọc và lụa làm lễ ra mắt nhau. Ở đây, mượn để nói quan hệ bang giao giữa nước ta và Trung Quốc ở thời phong kiến.
[2] Tên hai loại vũ khí thời xưa, ở đây chỉ việc chiến tranh. Đại ý cả câu nói: ngoại giao hoà bình nhất định thắng âm mưu chiến tranh.
[3] Giao thông xe ngựa qua lại: chỉ việc thông sứ giữa hai nước với nhau. Đại ý câu này vẫn thừa tiếp ý của câu thứ nhất. Nhưng ở đây còn có ý rằng: nếu quan hệ bang giao được thể hiện trong không khí hoà bình thì đó là sự việc của đời thịnh trị. Nếu ngược lại thì đó chỉ là sự việc của thời suy yếu mà thôi.
[4] Ý nói lãnh thổ có ranh giới thì nền văn chương cũng có ranh giới. Tuy cùng chung văn tự, song tính chất sáng tạo thì có khác nhau.
[5] Tên hai con sông ở địa phận nước Lỗ. Thuở xưa, không Tử đặt trường dạy học trên sông Thù, sông Tứ. Ở đây mượn điển ấy để nói quan hệ Việt-Trung vốn là quan hệ đồng văn.
[6] Khung cửi. Tổ Oánh người đời Nguỵ có nói: “Văn chương phải ra từ cái khung cửi của mình, thành phong cách riêng của một nhà, không thể giống sinh hoạt của kẻ khác”. Ý tác giả nói chung một khung cửi nhưng sản phẩm có vải, lụa, gấm, vóc khác nhau.
[7] Tức kinh điển, chỉ sách vở của thánh hiền. Ở đây nói, tuy nước Nam cũng học chung kinh điển với Trung Quốc, nhưng đã phá vỡ khuôn sáo và có sự sáng tạo độc đáo của dân tộc mình.
[8] Cửa cao: chỉ bậc tôn quý. Ở đây chỉ Kiệm Đường.
[9] Ở đây nói, trên đường sứ bộ đi về đều qua phủ Thái Bình là một điều may mắn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lê Quý Đôn » Thứ Kiệm Đường phụng chỉ nghinh sứ thần tứ chương