27/04/2024 00:49Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Dữ thi hữu Phan Long Trân du Côn Sơn nhân tác Côn Sơn hành vân
與詩友潘龍珍遊崑山因作崑山行云

Tác giả: Cao Bá Quát - 高伯适

Thể thơ: Cổ phong (cổ thể); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 01/05/2014 07:02

 

Nguyên tác

春天何溟濛,
春山連萬重。
遊子晚攜壺,
豪興凌長空。
客道崑山之上清且幽,
與子相將訪古遊。
跨高渡險繞蘿徑,
遙指陰陰蒼樹頭。
解衣分手散步行,
松濤為我抒遠情。
三清八景如追隨,
洞賓太白紛送迎。
仰面高聲叫太古,
寒梢颯颯風泠泠。
低聲復吟紫府章,
翻然披髮登山扃。
山扃上有梵王臺,
古跡蒼蒼翳綠苔。
見說陳公舊遊賞,
至今山氣衣然佳。
漱玉橋邊野花小,
清虛洞裡聞啼鳥。
抑齋賦在與誰論?
千古高名付晴昊。
惟有陳朝禪者不壞身,
依依慧眼照今人。
浪傳世諦皆火宅,
更有何人探法輪?
行客不知遊子意,
謾向山僧說禪理。
樽前有酒君且飲,
為君一歌寒山子。
古拋城下六頭津,
請君北望看昔人。
百戰江山剩漁艇,
萬古英雄一聚塵。
酌酌君莫辭,
人世悲歡不同時。
今人遊賞後人悲,
息心了義真如痴。
兀坐窮禪奚以為?
酌酌君莫辭!
山椒復有高松三兩枝,
攀陟眺入荒。
瞑雲天外飛,
征鳥相與還。
落葉紛紛而,
遊人歸不歸?

Phiên âm

Xuân thiên hà minh mông,
Xuân sơn liên vạn trùng.
Du tử vãn huề hồ,
Hào hứng lăng trường không.
Khách đạo Côn Sơn chi thượng thanh thả u,
Dữ tử tương tương phỏng cổ du.
Khoá cao độ hiểm nhiễu la kính,
Dao chỉ âm âm thương thụ đầu.
Giải y phân thủ tản bộ hành,
Tùng đào vị ngã trữ viễn tình.
Tam Thanh[1], Bát cảnh[2] như truy tuỳ,
Đỗng Tân[3], Thái Bạch[4] phân tống nghinh.
Ngưỡng diện cao thanh khiếu thái cổ,
Hàn tiêu táp táp phong linh linh.
Đê thanh phục ngâm "Tử phủ" chương,
Phiên nhiên phi phát đăng sơn quynh.
Sơn quynh thượng hữu Phạm vương đài[5],
Cổ tích thương thương ế lục đài.
Kiến thuyết Trần công[6] cựu du thưởng,
Chí kim sơn khí y nhiên giai.
Thấu Ngọc[7] kiều biên dã hoa tiểu,
Thanh Hư[8] động lý văn đề điểu.
Ức Trai[9] phú tại dữ thuỳ luận?
Thiên cổ cao danh phó tình hạo.
Duy hữu Trần triều thiền giả bất hoại thân,
Y y tuệ nhãn[10] chiếu kim nhân.
Lãng truyền thế đế giai hoả trạch[11],
Cánh hữu hà nhân thám pháp luân[12]?
Hành khách bất tri du tử ý,
Mạn hướng sơn tăng thuyết thiền lý.
Tôn tiền hữu tửu quân thả ẩm,
Vị quân nhất ca Hàn Sơn tử[13].
Cổ Phao[14] thành hạ Lục Đầu[15] tân,
Thỉnh quân bắc vọng khán tích nhân.
Bách chiến giang sơn thặng ngư đĩnh,
Vạn cổ anh hùng nhất tụ trần.
Chước chước quân mạc từ,
Nhân thế bi hoan bất đồng thì.
Kim nhân du thưởng hậu nhân bi,
Tức tâm liễu nghĩa chân như si.
Ngột toạ cùng thiền hề dĩ vi?
Chước chước quân mạc từ!
Sơn tiêu phục hữu cao tùng tam lưỡng chi,
Phan trắc diểu nhập hoang.
Minh vân thiên ngoại phi,
Chinh điểu tương dữ hoàn.
Lạc diệp phân phân nhi,
Du nhân quy bất quy?

Bản dịch của Hoàng Tạo

Trời xuân, ôi man mác
Non xuân, ôi dặm dài
Khách chơi, chiều xách rượu
Hào khí vượt lưng trời
Bạn nói "Trên đỉnh Côn Sơn rất thanh tú
Tôi bác cùng lên thăm dấu cũ"
Trèo cao vượt hiểm, vạch đường đi
Xa chỉ ngang đầu làn cổ thụ
Giang tay, phanh áo thủng thỉnh chơi
Gió thông thổi dịu tình xa xôi
Tam Thanh, Bát Cảnh như theo đến
Đỗng Tân, Lý Bạch rộn khuyên mời
Ngẩng đầu gọi vọng về muôn thuở
Ngọn cây gió lạnh ào ào đổ
"Tử phủ" thơ vừa nhẹ tiếng ngâm
Xoã tóc thoắt lên cửa thiền ngó
Cửa thiền, trong có đài Phật Tổ
Xanh biếc làn rêu phong dấu cổ
Nghe nói nơi xưa ông Trần chơi
Núi đầy vẻ đẹp nay vẫn đó
Thấu Ngọc ven cầu lấm tấm hoa
Thanh Hư động vẳng tiếng chim ca
Ức Trai phú đấy, cùng ai đọc?
Muôn thuở danh cao, trời thẳm xa
Chỉ có vị sư đời Trần thân chẳng hoại
Mắt tuệ vằng vặc soi thế giới
Vẫn tin nhà lửa là cõi đời
Màu nhiệm còn ai người hiểu tới?
Khách lạ chưa hiểu ta hết ý
Những muốn cùng sư giảng đạo lý
Trong bình có rượu hãy say đi
Vì bác hát khúc Hàn Sơn tử
Dưới thành Cổ Phao, bến Lục Đầu
Hãy trông về bắc, người xưa đâu?
Anh hùng muôn thuở: một đám bụi
Trăm trận non sông: chiếc mảng câu
Uuống đi! Uống đi! Đừng ngại say!
Cảnh đời buồn vui, từng lúc thay
Người nay cười vui, người sau xót
Nén lòng hiểu nghĩa, chỉ là ngây
Suy cùng huyền lý, làm gì vay?
Uuống đi! Uống đi! Đừng ngại say!
Kìa trên đầu non, tùng cao đôi ba cây
Trèo lên nhìn tám cõi
Ngoài trời mây vẫn bay
Chim xa rủ nhau về
Phất phới lá rụng đầy
Khách về hay không đây?
Côn Sơn: núi thuộc xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, Hải Hưng. Phan Long Trân chưa rõ là ai.

[1] Ba động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh ở phía bắc thị xã tỉnh Lạng Sơn, là những thắng cảnh nổi tiếng.
[2] Tập thơ của một thi xã đời Vĩnh Hựu (1735-1739) nhà Lê có ghi tám cảnh đẹp nên thơ của Tây hồ:
- Bến trúc Nghi Tàm: bến tắm của chúa Trịnh Giang dưới dãy trúc ngà ở làng Nghi Tàm
- Rừng bàng Yên Thái: trên một núi đất tại làng Yên Thái do Trịnh Giang bắt trồng
- Đàn thề Đồng Cổ: đàn do vua Lý Thái Tông (1028-1054) xây để hằng năm quần thần đến thề tỏ lòng trung hiếu
- Phật say làng Thuỵ: pho tượng Phật chống gậy, dáng đi như người say rượu ở một ngôi chùa làng Thuỵ Chương thuở ấy
- Sâm cầm rợp bóng: nghề săn chim sâm cầm ở các làng quanh Hồ Tây
- Đồng bông Nghi Tàm: làng Nghi Tàm làm nghề trồng hoa, có những vườn hoa rất đẹp
- Chợ đêm Khán Xuân: chúa Trịnh thường họp các cung nữ mở chợ đêm tại phường Khán Xuân để mua vui
- Tiếng đàn hành cung: sau khi Trịnh đổ, những cung nữ còn sót lại trong các hành cung vẫn gảy những điệu đàn rất du dương
[3] Tức Lữ Đỗng Tân, còn gọi là Lữ Tổ, thi nhân đời Đường, một trong tám vị bát tiên.
[4] Tức Lý Bạch, thi nhân đời Đường, người đời gọi là Trích Tiên.
[5] Chùa thờ Phật. Ở sườn núi Côn Sơn có chùa Côn Sơn, gọi là "Thiên tứ phúc tự" trong đó có tượng của Trúc Lâm tam tổ đời Trần là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
[6] Tức Trần Nguyên Đán, tôn thất đời Trần làm quan đến chức Nhập nội kiểm hiệu tư đồ, Bình chương sự, Quốc thượng hầu, lúc già về nghỉ ở Côn Sơn.
[7] Một cái cầu ở Côn Sơn, dưới động Thanh Hư.
[8] Động thờ Phật ở Côn Sơn, do Trần Nguyên Đán sửa sang làm nơi yên nghỉ sau khi cáo quan về hưu dưỡng. Di tích nay vẫn còn.
[9] Hiệu của Nguyễn Trãi, khai quốc công thần đời Hậu Lê, cháu ngoại Trần Nguyên Đán. Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, giết gần hết con cháu họ Trần, nơi ở của Trần Nguyên Đán ở Côn Sơn cũng bị hoang phế. Nguyễn Trãi vì nhớ công ơn ông ngoại, về sửa sang lại cảnh Côn Sơn và có làm bài "Côn Sơn ca". Đây nói bài phú của Ức Trai là bài này.
[10] Ý nói mắt Phật trông thấy thực tướng của sự vật.
[11] Nhà Phật coi đời phiền não như cái nhà lửa.
[12] Bánh xe phép. Nhà Phật nói Phật chuyển vận bánh xe phép để cứu khắp mọi loài.
[13] Một cao tăng đời Đường tu trong động Hàn Nham trên núi Thiên Thai, không ai rõ tung tích. Lư Chỉ Dận làm quan ở Đan Khâu nghe tiếng đến tìm nhưng Hàn Sơn tử không tiếp, lánh chạy vào trong động, cửa động tự nhiên đóng lại.
[14] Một toà thành ở chân núi Phao Sơn thuộc tỉnh Hải Hưng, tương truyền là một toà thành cũ, nhà Mạc sửa sang và xây dựng thêm.
[15] Một con sông thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng. Theo "Đại Nam nhất thống chí", sông này có sáu ngọn đổ về nên gọi như vậy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Cao Bá Quát » Dữ thi hữu Phan Long Trân du Côn Sơn nhân tác Côn Sơn hành vân