27/04/2024 01:52Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thương thay, hỡi các chú ơi

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Tây Sơn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 05/10/2020 02:21

 

Thương thay, hỡi các chú ơi!
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ[1] giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần[2] chính nguyệt[3] ầm ầm huyên hoa[4].
Một chi đánh ở Đống Đa[5],
Cầu Duệ[6] kéo đến tốt xa[7] muôn phần.
Khiếp voi bại trận tiên phong[8],
Cầu nhương[9] sụt cả xuống sông Bồ Đề[10].
Đao binh tử trận đầy khe,
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn[11].
Chú sang cứu viện nước Nam[12],
Chẳng may gặp phải suối vàng[13] thương thay!
Chú thì thắt cổ trên cây[14],
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà.
Chú thì thác xuống Diêm La[15],
Chú nào còn sống về nhà đại minh[16].
Ai ai là chẳng đeo tình,
Di Đà[17] tiếp dẫn chúng sinh cô hồn[18].
Chú nào có vợ có con,
Có cha có mẹ hãy còn giỗ chung.
Triều Châu[19], Phúc Kiến[20], Quảng Đông[21],
Nam Kinh[22], Quảng Bắc có lòng sang đây.
Trời làm một trận gió lay,
Sống làm tướng mãnh chết rày thần linh.
Phù hộ tín chủ[23] bình an,
Cửa nhà phú túc[24] vững bền cao xây.
Mạo chiên[25] nón khách[26] móng giầy,
Đuôi sam[27] hảo lớ[28] chú rày cần lo.
Chú thiêng nao đấy phụng thờ,
Kính quan tôn sứ để nhờ hậu lai[29].
Nhớ xưa chú bác từng bày[30],
Cung đao tay nỏ, đầu kề nón chiên.
Tay vòng bạc, cổ đeo tiền,
Cờ mao[31] một ngọn xông tên chiến trường.
Điền Châu thái thú[32] đảm đương,
Liều mình tử trận chiến trường nên công.
Trận vây ở trong Nam Đồng[33],
Rạng ngày mồng sáu cờ rong lai hàng.
Còn ông Tổng đốc[34] ban sang,
Quyết liều một trận chiến trường ba quân[35].
Muốn cho được chữ ái ân,
Quyền quyền vai gánh trung cần đế vương.
Vua sai bộ sứ tiếp sang,
Quan tài phong kín đón đường kéo ra.
Con con cháu cháu hằng hà,
Mừng lấy được xác Điền Châu[36] đem về.
Tướng tài can đảm cũng ghê,
Làm đền phụng sự[37] tức thì Đống Đa.
Các chú thác xuống Diêm La,
Bắc nam đôi ngả trẻ già cùng thương.
Cơm dày áo nặng nhà vương,
Bõ công gối đất nằm sương bao đành.
Thác ở chiến trận nên danh,
Về thời vua giết chẳng lành được đâu.
Chú thì thác ở đầu cầu,
Chú thì tự vẫn đâm đầu xuống ao.
Ai ai trông thấy thương sao!
Lập đàn chẩn tế[38] mà kêu cô hồn.
Gọi là mảnh áo thoi vàng,
Ít nhiều làm của ăn đường sính thiên[39].
Khuông phù[40] tín chủ bình an,
Gái trai già trẻ thiên niên thọ trường[41].
Thiên triều văn (Văn tế quân thiên triều) là một bài văn tế bằng chữ Nôm theo thể lục bát, lưu truyền trong dân gian sau khi Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh, có nội dung tế quân sĩ nhà Thanh chết trận, nhưng thực chất là chế giễu thất bại của quân xâm lược. Bài thơ được chép ở sách Cúng văn tạp lục (ký hiệu A.1948, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

[1] Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sựViệt sử thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
[2] Khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, là canh cuối cùng trong năm canh, nên thường dùng để chỉ sớm mai.
[3] Tháng giêng âm lịch.
[4] Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
[5] Nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.
[6] Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
[7] Quân lính (tốt) và xe (xa).
[8] Ý nói đội quân tiên phong của giặc đã thất bại vì khiếp sợ tượng binh của ta.
[9] Tranh cướp nhau để lên cầu. Có bản chép “Cầu Tương”.
[10] Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
[11] Xót thương, oán hận (từ cổ).
[12] Hai vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo xuống nước ta, mang tiếng là cứu viện cho Lê Chiêu Thống, nhưng thực chất mang ý đồ xâm lược.
[13] Cõi chết, do chữ “hoàng tuyền” vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
[14] Có lẽ muốn ám chỉ tướng giặc Sầm Nghi Đống. Khi quan quân đại bại, y đã thắt cổ tự vẫn ở núi Loa, Khương Thượng, gần thành Thăng Long.
[15] Âm phủ, âm ty, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
[16] Giác ngộ, hiểu rõ.
[17] A Di Đà, gọi tắt là Di Đà, tên của một vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Đại thừa, tượng trưng cho từ bi và trí tuệ, có tâm nguyện giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ, đưa họ về cõi Tịnh Độ. Ở các công trình Phật giáo ta thường thấy tượng A Di Đà với những nét đặc trưng: đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên toà sen.
[18] Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.
[19] Địa danh nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong lịch sử, người Triều Châu đến định cư và lập nghiệp tại Việt Nam từ rất sớm, và có ảnh hưởng rõ nét đến đời sống văn hoá - xã hội của nước ta, rõ nhất là về mặt ngôn ngữ và ẩm thực. Cái tên Triều Châu còn được gọi chệch đi là Sìu Châu, Tiều Châu hoặc Thiều Châu.
[20] Tên một tỉnh nằm phía đông nam của Trung Quốc.
[21] Một tỉnh của Trung Quốc. Vào thế kỷ 17 tại Trung Quốc, sự sụp đổ của nhà Minh dẫn đến làn sóng người Hoa trung thành với nhà Minh và không thần phục nhà Thanh bỏ quê hương di dân sang vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Người Hoa ở nước ta đa số có nguồn gốc từ Quảng Đông.
[22] Địa danh nay là thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nam Kinh là một trong bốn cố đô lớn của Trung Quốc.
[23] Người tin tưởng Phật thần, là người tổ chức những cuộc cúng lễ, lên đồng...
[24] Giàu có, no đủ.
[25] Nón, mũ có ngù bông lông chiên (lông cừu), là một phần trang phục của lính ngày xưa.
[26] Nón, mũ của người Hoa.
[27] Người nhà Thanh để tóc đuôi sam.
[28] Tiếng cửa miệng của người Trung Quốc có nghĩa là rất tốt, được rồi. Có bản chép là “hảo tố”.
[29] Về sau này.
[30] Có bản chép là “vác lăng bài”, là cái mộc (khiên) khi đánh trận.
[31] Cờ mao tiết, cũng gọi là cờ mao hoặc cờ tiết, loại cờ làm bằng lông thú tượng trưng cho quyền lực của vua chúa, ngày xưa thường được cấp cho tướng lĩnh mang ra trận hoặc cho các khâm sai đại thần.
[32] Sầm Nghi Đống, tự Thiệu Đường, người dân tộc Tráng ở Điền Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Họ Sầm truyền đời làm thổ tri, Sầm Nghi Đống cũng kế thừa cha ông làm thổ tri châu Điền Châu, hàng ngũ phẩm, nên thường được gọi là thái thú Điền Châu. Trong chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa, Sầm Nghi Đống chỉ huy quân nghĩa dũng Điền Châu đóng ở Khương Thượng, phía tây nam thành Thăng Long (nay thuộc quận Đống Đa). Bị quân Tây Sơn bất ngờ bao vây và tấn công, Sầm Nghi Đống chống cự không nổi, phải rút về đài chỉ huy ở núi Ốc (gần chùa Bộc ngày nay) cố thủ hơn một ngày. Chờ mãi không thấy viện binh đến, ông tuyệt vọng treo cổ chết, mấy trăm thân binh Điền Châu cũng tự sát chết theo chủ tướng.
[33] Có nguồn chép là Năm Đồng, tên một đồn nằm ở phía tây thành Thăng Long. Vào đêm mùng 4 tết Kỷ Dậu (1779) trong trận Ngọc Hồi, đô đốc Long của quân Tây Sơn tấn công đồn này, sau đó tiến vào đánh đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị cùng binh lính tháo chạy hỗn loạn.
[34] Tức Phúc Khang An (1753-1796), một đại thần người Mãn Châu, làm quan dưới các triều hoàng đế Càn Long và Gia Khánh. Ông thăng tiến rất nhanh, đồng thời lập nhiều chiến công, được hoàng đế Càn Long đặc biệt ưu ái. Sau khi quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy bị quân Tây Sơn đánh bại, hoàng đế Càn Long phong Phúc Khang An làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, thống lĩnh binh mã chín tỉnh, toàn quyền chỉ huy chiến tranh với Tây Sơn. Tuy nhiên, nhận biết tình thế, Phúc Khang An đã chủ trương làm hoà với Tây Sơn, đồng thời gợi ý vua Quang Trung chủ động cầu hoà và cầu phong.
[35] Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
[36] Tức Điền Châu thái thú ở trên, chỉ Sầm Nghi Đống.
[37] Đền Sầm Nghi Đống, còn gọi là đền Sầm Công, ngôi đền được người Hoa Kiều dựng lên để thờ Sầm Nghi Đống. Đền được xây dựng tại ngõ Sầm Công, nay là phố Đào Duy Từ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương khi qua đây đã có bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống nổi tiếng.
[38] Đàn để cúng chay và câu siều cho vong hồn những người chết không có ai thờ tự, không có nơi nương tựa, phải vất vưởng nay đây mai đó.
[39] Áo và tiền (vàng mã) để linh hồn dùng dọc đường lên trời siêu thoát.
[40] Giúp đỡ, phù hộ (từ cũ).
[41] Được sống lâu đến ngàn năm.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Thương thay, hỡi các chú ơi