20/04/2024 05:25Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tiên Hưng giáo thụ Lê Thường Lĩnh cửu bất tương kiến, phú thử dữ ký
先興教授黎常領久不相見賦此以寄

Tác giả: Nguyễn Văn Siêu - 阮文超

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi hảo liễu vào 29/12/2014 22:52

 

Nguyên tác

六千里外初歸客,
二十旬余未接君。
失馬翁窺塞上月,
雕蟲師臥海邊雲。
閉門自覺多粗鄙,
開卷終慚少見聞。
誰料雪門春既去,
故人南北又離群。

Phiên âm

Lục thiên lý ngoại sơ quy khách,
Nhị thập tuần dư vị tiếp quân.
Thất mã ông khuy tái thượng nguyệt[1],
Điêu trùng[2] sư ngoạ hải biên vân.
Bế môn tự giác đa thô bỉ,
Khai quyển chung tàm thiểu kiến văn.
Thuỳ liệu tuyết môn[3] xuân ký khứ,
Cố nhân Nam Bắc hựu ly quần.

Dịch nghĩa

Ngoài nghìn dặm ta vừa trở về
Đã hơn hai mươi tuần nhật, ta chưa (có hân hạnh) gặp bạn
Ta thì như cái ông già mất ngựa, mắt cứ đăm đăm nhìn bóng nguyệt ở trên đèo
Còn cái ông thầy trổ phượng chạm rồng kia thì vẫn nằm yên giữa đám mây ven biển
(Vắng nhà mô phạm ấy, ta chẳng thèm tiếp ai) khép cửa lại thì cũng thô bỉ.
Lại muốn mở sách ra đọc nhưng đọc sách lại cảm thấy kiến văn của mình còn hẹp hòi.
Ai ngờ nơi cửa tuyết, xuân đã qua rồi (đạo học đã đến ngày suy vi sụp đổ)
Mà bạn cũ lại kẻ Nam người Bắc không được đoàn kết với nhau.

Bản dịch của Nguyễn Văn Đề

Cõi ngoài lui bước chịu nằm queo,
Người cũ trông tin vẫn vắng teo.
Rồng chạm, mùng thầy, mây dọc biển,
Ngựa dông, mắt chủ nguyệt trên đèo.
Khép buồng e cũng quê mùa nhỉ,
Lật sách buồn cho kiến thức theo.
Cửa tuyết ai ngờ xuân đã tếch,
Bạn thân lại giận cách Ngô Lèo!
Tiên Hưng xưa là phủ Tiên Hưng, rồi huyện Đông Hưng, sau thành thị trấn của tỉnh Thái Bình.

[1] Xưa có một ông già ở trên đèo mất ngựa, người ta an ủi rằng “Biết đâu chẳng phải là phúc!” Sau nhựa lạc sang Hồ rủ về một con ngựa khác. Người ta bảo: “Biết đâu chẳng là hoạ?” Quả nhiên người con ông cỡi ngựa té gãy tay. Người ta an ủi ông: “Biết đâu chẳng là phúc!” Sau giặc giã nổi lên, con ông có tật nên khỏi đi lính.
[2] Là chạm trổ. Theo điển trong sách Dương Tử có câu đại khái ta yêu thơ phú lắm cũng như đứa trẻ ưa chặm hình con sâu, xoi hình con mọt mà chơi, chắc kẻ tráng phu không thèm như thế. Ở câu thơ Phương Đình vì có mấy chữ mây nên ký giả đổi chữ sâu ra chữ rồng để chôi với mây. Sách Nho có câu “điêu trùng đắc lực” là chạm rồng nên việc, ý nói làm được bài văn hay. Người “điêu trùng tiểu kỹ” là thi văn sĩ có tài đẽo gọt từng câu, từng chữ, ý khen là tay thi văn sĩ tài ba.
[3] Ông Trình đi dạy học một ngày kia có hai đứa học trò đứng hầu tiên sinh mắt loà nên không thấy cứ để đứng vậy cho đến tối mò, mà hai cậu cũng không dám bỏ ra về. Sau tiên sinh mới biết ra mới cho lui gót. Do đó người sau dùng cửa tuyết để chỉ nhà học.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Văn Siêu » Tiên Hưng giáo thụ Lê Thường Lĩnh cửu bất tương kiến, phú thử dữ ký