20/04/2024 20:34Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Uyên hồ khúc
鴛湖曲

Tác giả: Ngô Vĩ Nghiệp - 吳偉業

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Minh
Đăng bởi tôn tiền tử vào 14/03/2019 23:30

 

Nguyên tác

鴛鴦湖畔草黏天,
二月春深好放船。
柳葉亂飄千尺雨,
桃花斜帶一溪煙。
煙雨迷離不知處,
舊堤卻認門前樹。
樹上流鶯三兩聲,
十年此地扁舟住。
主人愛客錦筵開,
水閣風吹笑語來。
畫鼓隊催桃葉伎,
玉簫聲出柘枝臺。
輕靴窄袖嬌妝束,
脆管繁弦競追逐。
雲鬟子弟按霓裳,
雪面參軍舞鴝鵒。
酒盡移船曲榭西,
滿湖燈火醉人歸。
朝來別奏新翻曲,
更出紅妝向柳堤。
歡樂朝朝兼暮暮,
七貴三公何足數?
十幅蒲帆幾尺風,
吹君直上長安路。
長安富貴玉驄驕,
侍女薰香護早朝。
分付南湖舊花柳,
好留煙月伴歸橈。
那知轉眼浮生夢,
蕭蕭日影悲風動。
中散彈琴竟未終,
山公啟事成何用?
東市朝衣一旦休,
北邙坯土亦難留。
白楊尚作他人樹,
紅粉知非舊日樓。
烽火名園竄狐兔,
畫閣偷窺老兵怒。
寧使當時沒縣官,
不堪朝市都非故。
我來倚棹向湖邊,
煙雨臺空倍惘然。
芳草乍疑歌扇綠,
落英錯認舞衣鮮。
人生苦樂皆陳跡,
年去年來堪痛惜。
聞笛休嗟石季倫,
銜杯且效陶彭澤。
君不見白浪掀天一葉危,
收竿還怕轉船遲。
世人無限風波苦,
輸與江湖釣叟知。

Phiên âm

Uyên Ương hồ bạn thảo niêm thiên,
Nhị nguyệt xuân thâm hảo phong thuyền.
Liễu diệp loạn phiêu thiên xích vũ,
Đào hoa tà đới nhất khê yên.
Yên vũ mê ly bất tri xứ,
Cựu đê khước nhận môn tiền thụ.
Thụ thượng lưu oanh tam lưỡng thanh,
Thập miên thử địa biển chu trụ.
Chủ nhân[1] ái khách cẩm diên khai,
Thuỷ các phong xuy tiếu ngữ lai.
Hoạ cổ đội thôi Đào Diệp[2] kỹ,
Ngọc tiêu thanh xuất chá chi[3] đài.
Khinh hài trách tụ kiều trang thúc,
Thuý quản phồn huyền cạnh truy trục.
Vân hoàn tử đệ án nghê thường,
Tuyết diện tham quân[4] vũ cù cốc[5].
Tửu tận di thuyền khúc tạ tê (tây),
Mãn hồ đăng hoả tuý nhân quy.
Triêu lai biệt tấu tân phiên khúc,
Cánh xuất hồng trang hướng liễu đê.
Hoan lạc triêu triêu kiêm mộ mộ,
Thất quý[6] tam công[7] hà túc sổ?
Thập bức bồ phàm kỷ xích phong,
Xuy quân trực thướng Trường An[8] lộ.
Trường An phú quý ngọc thông kiêu,
Thị nữ huân hương[9] hộ tảo triều.
Phân phó Nam hồ cựu hoa liễu,
Hảo lưu yên nguyệt bạn quy nhiêu.
Na tri chuyền nhãn phù sinh mộng,
Tiêu tiêu nhật ảnh bi phong động.
Trung tán[10] đàn cầm cánh vị chung,
Sơn công[11] khải sự thành hà dụng?
Đông thị triều y[12] nhất đán hưu,
Bắc Mang[13] phôi thổ[14] diệc nan lưu.
Bạch dương thượng tác tha nhân thụ,
Hồng phấn[15] tri phi cựu nhật lâu.
Phong hoả danh viên soán hồ thơ,
Hoạ các thâu khuy lão binh nộ.
Ninh sử đương thời một huyền quan,
Bất kham triều thị đô phi cố.
Ngã lai ỷ trao hướng hồ biên,
Yên Vũ đài không bội võng nhiên.
Phương thảo sạ nghi ca phiến lục,
Lạc anh thác nhận vũ y tiên.
Nhân sinh khổ lạc giai trần tích,
Niên khứ niên lai kham thống tích.
Văn địch[16] hưu ta Thạch Quý Luân[17],
Hàm bôi thả hiệu Đào Bành Trạch[18].
Quân bất kiến: Bạch lãng hân thiên nhất diệp nguy,
Thu can hoàn phạ chuyển thuyền trì.
Thế nhân vô hạn phong ba khổ,
Du dữ giang hồ điếu tẩu tri.

Dịch nghĩa

Cỏ bờ hồ Uyên Ương liền với trời
Tháng hai quá nửa xuân, thuyền lướt rất vui
Lá liễu bay loạn trước nghìn thước mưa lất phất
Một giải hoa đào ngả bên khe lồng trong khói
Mù, mưa khiến không biết là nơi nào
Đoạn đê cũ lại nhận ra cây trước cửa
Trên cây một vài tiếng oanh hót
Mười năm về trước từng dừng thuyền ở nơi này
Chủ nhân mến khách, mở tiệc linh đình để thết
Lầu bên hồ gió đưa lời nói tiếng cười
Tiếng nhạc thôi thúc Đào Diệp kỹ
Theo tiếng tiêu có dàn ca múa
Giầy nhẹ, ống tay áo chặt mầu sặc sỡ
Tiếng sáo tiếng đàn như thôi như thúc
Những vòng tóc mây múa điệu nghê thường
Vai tham quân mặt trắng múa điệu con sáo
Rượu tan dời thuyền đến mé tây thuỷ tạ
Đầy hồ đèn sáng chở người say về
Đến sáng ngày mai lại thay khúc mới
Lại xuất hiện mầu áo thắm trước rặng liễu ven đê
Cuộc vui nối tiếp sớm sớm chiều chiều
Thất quý tam công đâu đáng kể
Mười bức buồm cỏ bồ mấy thước gió
Đưa bác đến thẳng đường Trường An
Các nhà giàu sang ở Trường An có ngựa kiêu ngọc thông
Áo chầu sớm có thị nữ xông hương
Khi đi dặn lại hoa liễu cũ ở Nam hồ
Hãy dành trăng khói để chèo về cùng vui
Biết đâu trong nháy mắt kiếp phù sinh như giấc mộng
Gió buồn nổi lên, ánh mặt trời tẻ nhạt
Khúc đàn của Trung Tán chưa xong
Sơn công tâu cũng chẳng nên việc gì?
Ngoài chợ Đông, áo triều phục một sớm cũng thôi
Một mô đất ở Bắc Mang cũng khó còn
Cây bạch dương cũng là của người khác
Khách má phấn biết không còn là lầu ngày trước
Lửa khói khiến lâm viên là nơi của thỏ cáo
Ngó trộm ngôi lầu, người lính già giận
Thà rằng ngày ấy đừng làm quan
Để đến nay khỏi phải thấy tất cả đều thay đổi
Ta đến đây dừng chèo bên hồ
Đài Yên Vũ không người, dạ càng ngỡ ngàng
Cỏ thơm, chợt nghĩ đến chiếc quạt ca màu xanh
Hoa rơi cứ ngỡ là mầu tươi áo múa
Đời người sướng khổ đều để lại dấu vết
Năm lại năm thật là buồn đau
Nghe sáo đừng than cho Thạch Quý Luân
Hãy bắt chước nâng chén như Đào Bành Trạch
Bác chẳng thấy sóng trắng ngang trời một mái, thuyền con nguy nhập
Thu sào còn sợ thuyền quay về chậm vì sóng gió
Đời người khổ vô hạn
So hiểu biết còn kém ông già câu trên giang hồ

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Bờ Uyên Hồ cỏ liền trời biếc
Thuyền tháng hai lướt nước vui sao
Mưa bay mành liễu lao xao
Khói lồng một giải hoa đào bên khe
Mưa mù giăng mắt che chẳng rõ
Cây đê xưa trước cửa nhận ra
Trên cây oanh hót líu lo
Mười năm về trước dừng chèo nơi đây
Lòng mến khách chủ bầy tiệc đãi
Gió lầu đưa lời nói tiếng cười
Đào Diệp tiếng trống thúc thôi
Làn tiêu đưa lựa chá chi dập dìu
Tay áo bó yêu kiều hài nhẹ
Theo trúc tơ bước lẹ làng quay
Nghê thường theo nhịp tóc mây
Tham quân mặt trắng hề bầy trò hay
Rượu vừa tàn dời tây thuỷ tạ
Đèn sáng hồ thuyền chở người say
Sáng ra khúc mới lại thay
Điểm mầu áo thắm liễu bay ven đường
Sáng lại chiều vui dường không nghỉ
Đáng kể gì thất quý tam công
Buồm bồ mười cánh căng phồng
Gió đưa bác thẳng đến đường Trường An
Ngựa Trường An kiêu toàn phú quý
Sáng lên triều hương thị nữ xông
Nam Hồ hoa liễu dặn lòng
Hãy dành trăng khói vấn vương chèo về
Mộng phù sinh đâu dè chớp mắt
Gió buồn lên tẻ nhạt ánh dương
Trung Tán đàn gẩy nửa chừng
Sơn Công tâu việc còn dùng làm chi
Chợ Đông chốc bỏ đi triều phục
Bắc Mang kia đất mục cũng không
Không còn cả đến cây dương
Lầu xưa má phấn thay sang tay người
Vườn tàn tạ là nơi cáo thỏ
Bực lính già, trộm ngó lầu xưa
Thà rằng chẳng có quan kia
Thì đâu thấy cảnh diễn ra thế này
Ta lại tới nơi đây dừng mái
Yên vũ không càng thấy ngỡ ngàng
Cỏ thơm nhớ giọng ca vàng
Hoa rơi lại ngỡ rỡ ràng vũ y
Đời sướng khổ đều bày ra thấy
Năm lại năm biết mấy đau buồn
Đừng than sáo, Thạch Quý Luân
Học Đào Bành Trạch lui thân về vườn
Bác chẳng thấy sóng cồn chiếc bách
Sợ thu sào không kịp quay thuyền
Phong ba người thế vô vàn
Giang hồ hiểu biết kém phần ông câu
Tác giả làm bài này để nhớ lại người bạn đã mất là Ngô Xương Thời, tự Lai Chi, người Gia Hưng, cuối đời Minh cùng thi đỗ một năm với tác giả, là thành viên chủ yếu của Phục Xã. Năm Sùng Trinh thứ 13, nhờ thế của Thủ tướng Chu Diên Nho đề bạt làm Văn tuyển lang bộ Lại, đi lại với hoạn quan, nắm triều chính, hiển hách một thời. Năm sau Chu Diên Nho bị miễn chức nên tự sát, Ngô Xương Thời bị xử chém. Bài này làm vào năm Thuận Trị thứ 8, Ngô Xương Thời chết đã 10 năm, là một sáng tác tiêu biểu của Mai Thôn thể.

Uyên hồ tức Uyên Ương hồ, cũng gọi là Nam hồ. Yên Vũ đài ở trên hồ này.

[1] Chỉ Ngô Xương Thời.
[2] Tương truyền là tên người thiếp của Vương Hiến Chi đời Tấn. Ở đây chỉ vũ nữ trong nhà Ngô Xương Thời.
[3] Tên điệu múa đời Đường, ở đây chỉ chung ca múa.
[4] Vai biểu diễn hài trong hý khúc đời Đường Tống. Tuyết diện tham quân là vai hề bôi mặt trắng.
[5] Tên chim, tục gọi là bát ca, cũng là tên điệu vũ.
[6] Bảy gia tộc họ ngoại nắm triều chính thời Tây Hán.
[7] Đời Chu lấy tư mã, tư đồ, tư không làm tam công, trải các đời đều gọi như thế, nhưng chức quan không giống. Ở đây cùng với thất quý dùng để chỉ chung bọn quyền quý trong triều.
[8] Chỉ Bắc Kinh.
[9] Theo quan chế đời Hán, thượng thư lang khi vào đài làm việc, có thị nữ theo cầm lò hương xông cho thơm áo. Hai câu này tả cuộc sống kiêu sa hiển hách ở kinh thành của Ngô Xương Thời.
[10] Chỉ Kê Khang, làm trung tán đại phu triều Tấn, giỏi đàn bị vu hãm xử chém. Lúc lâm hình, quay nhìn ánh mặt trời, đòi đàn để đàn tấu, và nói: “Quảng Lăng tán từ nay thì hết rồi!”
[11] Chỉ Sơn Đào, thượng thư lang bộ Lại triều Tấn làm công việc tuyển chức hơn 10 năm, đều có phẩm đề vào các bản tấu cất nhắc người. Thời bấy giờ gọi là “Sơn công khải sự”.
[12] Triều Thác thời Tây Hán mặc áo triều bị Cảnh Đế chém ở chợ Đông.
[13] Núi Bắc Mang, ở phía bắc Lạc Dương, nơi để hoàng lăng Đông Hán và mộ của danh thần Đường Tống.
[14] Chỉ phần mộ. Sử chép Ngô Xương Thời sau khi bị chém bỏ chợ, không nơi chôn cất.
[15] Dùng trái ngược với điển cố Trương Kiến Phong đời Đường xây Yến Tử lâu cho ái thiếp Quan Miến Miến ở. Sau khi Trương chết, Miến Miến ở một mình trong lầu cũ, mười năm không cải giá, sau tuyệt thực chết. Còn Ngô Xương Thời, sau khi bị bỏ chợ, gia sản và vũ nữ ở Uyên hồ đều thay chủ mới, không có gia nhân nào giống Quan Miến Miến giữ không lầu cũ.
[16] Kê Khang tinh thông âm nhạc, bạn cũ là Hướng Tú Đồ đi qua nơi ở cũ, nghe người hàng xóm thổi sáo, nhớ đến hai người trước đây vui chơi yến ẩm, nên làm bài Tư cựu phú.
[17] Thạch Sùng, nhà hào phú đời Tấn, sau bị Triệu Vương Luân giết.
[18] Tức Đào Uyên Minh từng làm quan huyện Bành Trạch, sau bỏ quan về vườn, làm bài Quy khứ lai từ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Vĩ Nghiệp » Uyên hồ khúc