28/03/2024 16:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đáp bài “Lại thăm bác Tản Đà”

Tác giả: Tản Đà - 傘沱

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 10/07/2018 17:15

 

Nhắn cho con nhạn về Hà:
Những ai chơi bến sông Đà hôm xưa,
Mây xuôi, rồng ngược hững hờ,
Đá ngơ ngẩn núi, nước lờ đờ sông.
Khó thay! hai chữ “tương phùng”,
Nản lòng ai đến, thiệt lòng ai đi.
Mong sao hội ngộ có kỳ,
Rượu ngon cất chén, ta thì cùng vui.
Bây giờ mây ngược, rồng xuôi,
Sông vơ vẩn khúc, non bùi ngùi cây.
Tưởng còn “anh Tú” đâu đây!...
Sau nhiều bài thơ châm chọc đăng trên các báo Phong hoáNgày nay mà Tản Đà không phản hồi, tháng 9-1935, Tú Mỡ đến làng Khê Thượng tìm gặp Tản Đà với nhiều thiện ý nhưng không gặp nên viết bài Lại thăm bác Tản Đà đăng trên Phong hoá số 155 (ngày 27-9-1935). Lần đầu tiên, Tản Đà đáp lại Tú Mỡ bằng bài thơ này. Bài thơ được in trên số 157 (ngày 11-10-1935) với lời giới thiệu như sau:
Mới đây, chúng tôi đến thăm ông Tản Đà là đến thăm một nhà thi sĩ. Tuy ông về phái cũ, chúng tôi về phái mới, song hiện nay chúng tôi chỉ coi ông như một nhà thi hào và quên ông là một nhà làm báo mà chúng tôi đã công kích vì không cùng một ý tưởng.

Ngay từ lúc mới ra báo, chúng tôi cũng đã có bài tỏ cho ông biết rằng: ông ra làm báo là đi lầm đường, báo giới không thêm được một người tài nào, mà văn giới sẽ mất một nhà làm thơ có giá trị. Từ xưa tới nay, chúng tôi không hề không công nhận cái tài làm thơ của ông. Nay đến thăm ông là vì lẽ đó.

Dưới đây đăng bài thơ của ông đáp lại bài của Tú Mỡ.

[Lược nội dung bài thơ]

Ông Tản Đà không dùng trạm giây thép để gửi thư, ông dùng nhạn, đỡ tốn tiền tem (và đợi đến khi có tầu bay đưa thư). Mây xuôi rồng ngược... muốn chừng ông ví mình là mây, mà chúng tôi là rồng vậy. Mong sao hội ngộ có kỳ... rượu ngon cất chén... là ý ông muốn uống rượu. Nhưng rồng (nghĩa là chúng tôi) đã xuôi và đem rượu đi mất rồi, cho nên ông mới hạ xuống câu:

Sông vơ vẩn khúc, non bùi ngùi cây.

Thật là tuyệt vậy!
Từ đó, Phong hoáNgày nay đăng thơ của Tản Đà đều đặn một cách trân trọng, nhất là những bài dịch Đường thi của ông. Khi ông mất năm 1939, Phong hoá đã đình bản, nhóm Ngày nay, điển hình là Khái Hưng, Tú Mỡ và Thế Lữ đã viết những bài tưởng niệm nhà thơ với lòng quý mến và ngưỡng mộ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tản Đà » Đáp bài “Lại thăm bác Tản Đà”