26/04/2024 22:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Dạo xem phong cảnh Long Thành

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 13/09/2020 13:58

 

Dạo xem phong cảnh Long Thành,
Đủ mùi phường phố, đủ vành núi sông.
Nhị Hà[1] quanh bắc sang đông,
Kim Ngưu[2], Tô Lịch[3] là sông bên này.
Nùng Sơn, Long Đỗ[4] đâu đây,
Tam Sơn[5] núi đất cao tầy Khán Sơn.
Ngọc Sơn nhân tạo bé hơn,
Bên hồ Hoàn Kiếm ngay đền Văn Xương[6].
Trúc Bạch, Mã Cảnh[7] nên tường,
Xa hồ Bảy Mẫu giáp đường gần nhau.
Ngoài đường quai có hồ sâu,
Tây Hồ rộng rãi ngay đầu phía tây.
Xung quanh bao bọc kín thay,
Đất cao thành luỹ, cửa xây nên tường.
Mười lăm ô đúng đường đường,
Yên Ninh[8], Yên Phụ[9], Thuỵ Chương[10] một bề.
Tiên Trung[11], Nghĩa Lập[12] gần kề,
Thanh Hà[13], Ưu Nghĩa[14] dưới là Đông An[15].
Cựu Lâu[16], Mỹ Lộc[17], Lương Yên[18],
Thịnh An[19], Thanh Bảo[20], Kim Liên, Thịnh Hào[21].
Sở tại là những huyện nào,
Thọ Xương[22], Vĩnh Thuận[23], phủ Hoài thống kiêm.
Thọ tám tổng, Vĩnh có năm,
Đồng Xuân, Đông Thọ[24], Phúc Lâm[25], mé ngoài.
Vĩnh Xương[26], Thuận Mỹ[27], An Hoà[28],
Thanh Nhàn[29] tổng cuối giáp toà Kim Liên.
Yên Thành[30] huyện Vĩnh ở bên,
Thượng, Trung, Nội, Hạ ngoài miền ô môn.
Yên Thành gồm mấy phường thôn,
Khán Xuân[31], Thanh Bảo[32], Yên Viên[33] gần thành.
Trúc An, Lạc Chính[34], Yên Thành,
Yên Trạch[35], Yên Định[36], Yên Ninh các làng.
An Quang[37], An Thuận[38], Châu An[39],
Phúc Lâm giáp giới đi sang tổng này.
Ven sông một dải đất dài,
Phúc Lâm, Nghĩa Dũng[40] đến vài thôn Nguyên[41].
Trừng Thanh[42] thượng, hạ trung liền,
Ngũ Hầu[43], Sài Thúc[44], Hạ tên Kiếm Hồ.
Hương Nghĩa[45], Mỹ Lộc[46], Vọng Hà[47],
Tây Long[48], Hữu Thị[49] giáp là Bảo Linh.
Thanh An[50], Bến Cổ[51], Trừng Thanh,
Trang Lâu[52], Cơ Xá[53], đất dành phù sa.
Thanh Nhàn liên tiếp không xa,
Tổng này tám xóm, một là Lương Yên.
Lãng Yên[54], Cảm Hội[55], Hương Viên[56],
Hàm Khánh[57], Vọng Đức[58], Tràng Tiền[59] thẳng trông.
Thanh Nhàn với xóm Lạc Trung[60],
Kim Liên bên cạnh, tổng trong xóm ngoài.
Mười lăm thôn trại rộng dài,
Quỳnh Lôi[61], Trung Tự[62], Bạch Mai[63], Cầu Giền[64].
Phúc Lâm, Đông Tác[65], Kim Liên,
Vân Hồ, Yên Nhất[66], Thịnh Yên, Giáo Phường[67].
Hoà Mã[68], Phục Cổ[69] cùng đường,
Vũ Thạch[70], Hồi Mỹ[71] hỏi đường Đông Tân[72].
Quá lên mười một thôn dân,
Hạ Hào đến tổng dần dần cửa tây.
Xã Đàn[73], Trung Phụng[74] cả đây,
Nối Thổ Quan[75] nữa một dây vòng tròn.
An Hoà nguồn nước sông con,
Văn Hương[76], Thanh Miến[77] giữa nom Hồ Đình[78].
Văn Tân, Lương Sử, thôn Minh,
Giám thôn bên hữu, cống sinh đi về.
Vĩnh Xương nay đất Tràng Thi[79],
Mười lăm thôn kế trước thì Vĩnh Xương.
Linh Quang[80], An Tập[81], Thuyền Quang[82],
Bích Lưu[83], Linh Đổng[84], Liên Đàng[85], Nam Ngư[86].
An Trung[87], Thượng, Hạ dân cư,
Bắc Thượng, Bắc Hạ[88] vốn như một phường.
Tiên Mỹ[89], Phụ Khánh[90] gần trường,
Đông Mỹ[91], Mỹ Đức[92] lại đường bên trên.
Tổng Thuận Mỹ ở ngay liền,
Hăm hai thôn với phường bên cho rành.
Chớ nhầm An Nội[93], Đông Thành,
Cổ Vũ An Nội phận đành đôi nơi.
Phường Đồng Lạc[94], phường Đại Lời[95],
Cách xa thôn chợ Tân Khai[96] mới dừng.
Đông Môn[97], Nhân Nội[98] phỏng chừng,
Hội Vũ[99], Bảo Khánh[100], Chân Cầm[101] bên kia.
Phúc Tô[102], Kim Cổ[103] đó kìa,
Báo Thiên[104], Tự Tháp tới vừa chợ Tiên[105].
An Thái[106], Thuận Mỹ, Xuân Yên[107],
Tô Tịch[108], Khánh Thuỵ cách bên Đông Hà[109].
Phường thôn Đông Thọ mười ba,
Cựu Lâu, Hương Dính[110], Thanh Hà mé sông.
Nam Phố[111], Ưu Nghĩa[112] cùng thông,
Gia Ngư[113], Nhiễm Thượng[114], An Trung độ chừng.
Đông An[115], Dũng Thọ[116], Duyên Hưng[117],
Còn thôn Ngư Võng[118] sau lưng phường Hà[119].
Đến đây rồi lại rẽ ra,
Qua Hương Bài[120] đến tổng là Đồng Xuân[121].
Đoài Môn[122], An Phú[123] gần gần,
Sang sông Tô ấy là phần Cổ Lương[124].
Thanh Hà thôn, Đông Hà phường,
Tiền Trung, Nghĩa Lập về đường bờ sông.
Huyền Thiên[125], Đồng Thuận[126] bên trong,
Vĩnh Trù[127] liền với Phương Trung[128], Phủ Từ[129].
Thôn phường mười bốn hết chưa,
Vĩnh Hanh[130] phường nữa còn chừa Đồng Xuân.
Ngoài ô những tổng vân vân,
Sáu phường Trung Tổng[131], Bái Ân[132], Trích Sài[133].
Thuỵ Chương, Hồ Khẩu[134] dọc dài,
Võng Thị[135], Yên Thái[136] vừa đầy tổng Trung.
Tổng Hạ[137] có phường Nhược Công[138],
Thịnh Hào[139] với trại Nam Đồng[140] thứ ba.
Khương Thượng[141], Yên Lãng[142] nữa mà,
Thịnh Quang[143] trại ấy kể đà sáu dân.
Tổng Nội[144] chín trại chớ nhầm,
Liễu Giai[145], Giảng Vũ[146] tiếp gần Đại An[147].
Thủ Lệ[148], Cống Vị[149] là năm,
Hữu Tiệp[150], Vạn Bảo[151], Cống An[152], Ngọc Hà[153].
Bẩy phường, tổng Thượng[154] nào xa,
Nghi Tàm[155], Yên Phụ[156], Nhị Hà neo lên.
Nhật Tân[157], Quảng Bá[158] ở trên,
Thạch Khối[159], Giai Cảnh[160] cùng bên Tây Hồ.
Long Thành thật xứng cố đô,
Kim âu chẳng mẻ, cơ đồ bền lâu.
[1] Tên cũ của sông Hồng.
[2] Một nhánh của sông Tô, xưa thông với Hồ Tây, theo truyền thuyết là đường chạy của Trâu vàng, bị lấp bồi nhiều đoạn, nay chỉ còn từ Láng qua Nam Đồng, Phương Liệt, sang Đầm Sét qua Yên Sở, Đông Mỹ, huyện Thanh Trì rồi đổ vào sông Nhuệ.
[3] Sông sông gắn liền với kinh thành Thăng Long xưa, vốn là một chi của sông Hồng từ Chợ Gạo qua Ngõ Gạch, Hàng Lược rồi men theo hào thành cũ xuống Bưởi vòng sang Cầu Giấy, ngã Tư Sở, huyện Thanh Trì rồi nhập vào sông Nhuệ ở xã Hà Liễu.
[4] Núi Nùng, còn gọi Nùng Sơn, ngọn núi tiêu biểu cho Thăng Long xưa với núi Nùng, sông Nhị. Trên núi có một lỗ sâu gọi là Long Đỗ (rốn rồng) nên cũng gọi là núi Long Đỗ. Điện Kính Thiên xây trên núi này. Núi Sưa trong Bách Thảo thường bị gọi lẫn là núi Nùng.
[5] Ba gò núi đất ở phía bắc núi Nùng, cạnh Cửa Bắc thành cổ, trong đó có Khán Sơn, nơi vua Lê duyệt quân, nay đều không còn.
[6] Nằm trong đền Ngọc Sơn. Đền Ngọc Sơn dựng trên đảo Ngọc, hòn đảo lớn ở Hồ Gươm, có cầu Thê Húc đi vào sau thành đền thờ Văn Xương đế quân, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu trùng tu năm 1864.
[7] Tên chữ của hồ Cổ Ngựa, hồ chạy dài từ Trúc Bạch đến Hàng Đậu, đã bị lấp xây phố phường.
[8] Thôn thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, nay là Hàng Bún.
[9, 156] Thôn thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, xưa là ô Yên Hoa, nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
[10] Tên phường thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, sau đổi là Thuỵ Khuê, ở bờ bắc sông Tô, nay là phố Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ.
[11] Thôn thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, nay là phố Nguyễn Thiện Thuật.
[12] Thôn thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương.
[13] Thôn thuộc tổng Hậu Túc (sau là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, nay là Thanh Hà - ngõ Gạch.
[14, 112] Thôn thuộc tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, do nhập 2 thôn Ưu Nhất và Trung Nghĩa, nay là đầu phố Nguyễn Hữu Huân.
[15, 115] Còn gọi Đông Yên, một thôn thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nay là cuối phố Hàng Thùng.
[16] Thôn thuộc tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, do sáp nhập các thôn Hậu Bỉ, Hậu Lâu, Kho Súng, nay là giữa phố Lý Thái Tổ và Ngô Quyền.
[17, 46] Thôn thuộc tổng Tả Túc (sau là Phúc Lâm), huyện Thọ Xương, nay là Hàng Mắm - đầu Hàng Bạc.
[18] Thôn thuộc tổng Thanh Nhàn, huyện Thợ Xương, do nhập 2 thôn Lương Xá và Yên Xá, nay là cuối phố Lò Đúc - Lương Yên.
[19] Còn gọi Thịnh Yên, thôn thuộc tổng Kim Liên, huyện Thọ Xương, nơi có Chùa Vua, thực ra là đền thờ vua cờ Đế Thích. Hội Chùa Vua có đấu cờ ngời, cờ bỏi.
[20, 32] Tên cửa ô xưa mở ra phía tây thành, nay là ngã ba Sơn Tây - Nguyễn Thái Học, cũng là tên phường có cửa ô này, do nhập hai thôn Phụ Bảo và Thanh Ninh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận.
[21, 139] Phường thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, nay là phường Thịnh Hào, quận Đống Đa.
[22] Huyện của phủ Phụng Thiên, sau là Hoài Đức. Đời Lê là huyện Vĩnh Xương, đến đời Mạc (giữa thế kỷ 16) mới đổi là Thọ Xương. Đây là khu vực buôn bán sầm uất nhất kinh thành bao gồm gần hết 36 phường cổ. Huyện có 8 tổng là Hậu Nghiêm (sau là Thanh Nhàn), Hữu Nghiêm (Yên Hoà), Tả Nghiêm (Kim Liên), Tiền Nghiêm (Vĩnh Xương), Hậu Túc (Đồng Xuân), Hữu Túc (Đông Thọ), Tả Túc (Phúc Lâm) và Tiền Túc (Thuận Mỹ).
[23] Huyện thuộc phủ Hoài Đức, gồm 5 tổng phía tây kinh thành, trước có tên là Quảng Đức, năm 1805 thời Gia Long mới đổi thành tên này.
[24] Thôn thuộc tổng Hữu Túc (sau là Đông Thọ), có tên cũ là phường Đông Các, nay là Hàng Bạc.
[25] 1- Phường thuộc tổng Tả Nghiêm (sau là Kim Liên), huyện Thọ Xương, nay là cuối Bùi Thị Xuân - giữa Bà Triệu. 2- Tên thay đổi của tổng Tả Túc cũ. 3- Thôn Phúc Lâm, tổng Phúc Lâm, nay là phố Gầm Cầu.
[26] 1- Tên cũ của huyện Thọ Xương. 2- Tên đổi lại của tổng Tiền Nghiêm. 3- Thôn Vĩnh Xương thuộc tổng cùng tên, nay là phố Nguyễn Thái Học.
[27] Tổng, có tên cũ là Tiền Túc, huyện Thọ Xương, gồm 22 phường, thôn.
[28] Còn gọi Yên Hoà, tên nôm làng Giấy ở cạnh Cầu Giấy, thuộc phường Yên Hoà.
[29] Thôn của tổng Hậu Nghiêm (sau tổng này cũng đổi là Thanh Nhàn), huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc quận Hai Bà Trưng.
[30] Tổng thuộc huyện Vĩnh Thuận, bao gồm vùng đông nam Hồ Tây.
[31] Phường cổ, do nhập 2 thôn Hậu Khán Sơn và Xuân Sơn, nay là Bách Thảo. Đây là nơi sinh và có Cổ Nguyệt Đường của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
[20, 32] Tên cửa ô xưa mở ra phía tây thành, nay là ngã ba Sơn Tây - Nguyễn Thái Học, cũng là tên phường có cửa ô này, do nhập 2 thôn Phụ Bảo và Thanh Ninh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận.
[33] Thôn thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, nay là Cửa Bắc - Quán Thánh.
[34] Phường do nhập hai thôn Ngũ Xã và Tứ Chính, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, nay là Ngũ Xã - Trúc Bạch, quận Ba Đình.
[35] Còn gọi An Trạch, thôn thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, nay vào khoảng các phố Đoàn Thị Điểm - Đặng Trần Côn - Cát Linh.
[36] Thôn thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, nay là Cửa Bắc - Phạm Hồng Thái.
[37] Còn gọi Yên Quang, thôn thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, do nhập 3 thôn Quan Quang, Trấn Vũ, Tân Yên lại, nay là đầu phố Quán Thánh.
[38] Còn gọi Yên Thuận, thôn thuộc tổng Yên Thành. huyện Vĩnh Thuận, nay là phố Hàng Than - đầu Nguyễn Trường Tộ.
[39] Còn gọi Châu Yên, thôn thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, do nhập 2 thôn Châu Long và Yên Diên mà thành tên.
[40] Xưa là phường Bái Ân, tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, còn gọi là Thái Đô, thuộc vùng Bưởi, nổi tiếng về nghề dệt lĩnh (lĩnh Bưởi) và làm giấy (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy).
[41] Tên gọi chung các thôn Nguyên Khiết Thượng Hạ, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương, nay là phố Trần Nhật Duật.
[42] Có nhiều thôn Trừng Thanh, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương như Trừng Thanh Thượng, Trung, Trung Bè Thượng, Trung Bè Hạ, Trung Sài Thúc, Ngũ Hầu, Yên Vệ, Hạ Tả, Hạ Kiếm Hồ... nay là khu vực từ Cột đồng hồ đến Trần Quang Khải, Hàng Trai, Lò Sũ, Hàng Vôi, Hàng Thùng...
[43] Thôn thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, do nhập hai thôn Trừng Thanh Trung Ngũ Hầu và Trung Yên Vệ, nay là Lò Sũ - Hàm Tử Quan - đầu Lý Thái Tổ.
[44] Tên khác của một thôn Trừng Thanh gọi là Trung Sài Thúc, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương, nay là đầu phố Hàng Tre.
[45] Thôn thuộc tổng Phúc Lâm, do nhập 2 thôn Hương Bài, Kiên Nghĩa, nay là Chợ Gạo - Đào Duy Từ.
[17, 46] Thôn thuộc tổng Tả Túc (sau là Phúc Lâm), huyện Thọ Xương, nay là Hàng Mắm - đầu Hàng Bạc.
[47] Thôn thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, nay là Tông Đản.
[48] Còn gọi là Tây Luông, Bến Đá Thạch Tân, có cửa ô ra bến sông Hồng, thôn thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, nay là đầu Tràng Tiền.
[49] Chưa rõ ở đâu, gần bến Tây Luông.
[50] Còn gọi Thanh Yên, tên cũ là Trừng Thanh Trung Bè Thượng, Trung Mộc Sà, nay là Hàng Mắm - đầu Trần Quang Khải.
[51] Tên nôm của Cổ Tân, bến sông Hồng khoảng sau Nhà Hát Lớn.
[52] Phường, do nhập 2 thôn Sơ Trang và Tả Lâu, tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương, nay là Lò Sũ - cuối Nguyễn Hữu Huân.
[53] Làng bãi do sáp nhập 6 thôn Thuỷ cơ cùng bãi ven sông Hồng, nay là đường Bạch Đằng - Phúc Tân.
[54] Thôn thuộc tổng Thanh Nhàn, do ghép 2 thôn Thanh Lãng và Hộ Yên, nay thuộc quận Hai Bà Trưng.
[55] Tên do sát nhập 2 thôn Cảm Ứng và Yên Hội, tổng Thanh Nhàn, huyện Thọ Xương. Nay vào đầu phố Nguyễn Công Trứ - Lò Đúc có phố Cảm Hội.
[56] Thôn thuộc tổng Thanh Nhàn, huyện Thọ Xương, nay là Lò Đúc - Hàng Chuối - Đồng Nhân.
[57] Tức thôn Hàm Châu, sau đổi là Hàm Khánh, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Nay là phố Hàm Long. Ở đây trước có ngôi chùa Hàm Long từ đời Lý, nay không còn.
[58] Thôn thuộc tổng Thanh Nhàn, có tên cũ là Hữu Vọng, huyện Thọ Xương.
[59] Còn gọi Trường Tiền, nơi có tràng đúc tiền và kho tiền đồng, tiền kẽm của nhà Nguyễn lập năm 1813 (nay là giữa ngõ Tràng Tiền) trên đất thôn Cựu Lâu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương.
[60] Thôn do sát nhập 2 thôn cũ Trung Chí và Yên Lạc mà thành tên, nay là khu Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng.
[61] Quỳnh Lôi Trại thuộc thôn Tả Nghiêm (sau là Kim Liên), huyện Thọ Xương, nay là phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng.
[62] Thôn thuộc tổng Kim Liên, huyện Thọ Xương, nay là phường Trung Tự, quận Đống Đa.
[63] Trước có tên Hồng Mai, phường thuộc thôn Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là khu vực Ô Cầu Giền - Bạch Mai.
[64] Cầu bắc qua sông Kim Ngưu ở đầu phố Bạch Mai. Ngã tư Bạch Mai - Phố Huế - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt gọi là Ô Cầu Giền, vốn là cửa ô Thịnh Yên cũ.
[65] Có 4 thôn Đông Tác: Đông Tác Trung Tự, Cửa Nam, Nhiễm Trung, Nhiễm Thượng. Đông Tác Trung Tự sau gọi là Trung Tự, tổng Kim Kiên. Đông Tác Cửa Nam thuộc tổng Tiền Nghiêm, sau là Nam Ngư. Đông Tác Nhiễm Trung thuộc tổng Hậu Túc. Đông Tác Nhiễm Thượng thuộc tổng Hữu Túc, nay là giữa phố Cầu Gỗ.
[66] Thôn thuộc tổng Kim Liên, do nhập 2 thôn Yên Thọ và Thống Nhất, nay là cuối phố Huế, đầu Thái Phiên.
[67] Thôn thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, có phường hát ca trù cư ngụ, nay là giữa phố Huế.
[68] Thôn thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, còn gọi thôn Đổi Mã. Xưa có cung Đổi Mã, nơi nhà vua thay xiêm áo vào tế đàn Nam Giao.
[69] Phường thuộc tổng Tả Nghiêm (sau là Kim Liên), huyện Thọ Xương, nay là đầu phố Nguyễn Du.
[70] Thôn thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là đầu phố Bà Triệu - Tràng Thi, có đền Vũ Thạch.
[71] Thôn thuộc tổng Kim Liên, do nhập 2 thôn cũ là Hồi Thuần và Thuần Mỹ, nay là cuối Hàm Long - Bùi Thị Xuân.
[72] Một phường thuộc tổng Kim Kiên, do nhập 2 thôn Đông Hạ và Sài Tân, nay là giữa phố Triệu Việt Vương - Mai Hắc Đế.
[73] Phường thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nơi lập đàn Xã Tắc, nay là ngõ Xã Đàn, quận Đống Đa.
[74] Thôn, do ghép 2 thôn cũ của Thị Trung và Phụng Khánh, tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, nay là khu vực quanh chợ Khâm Thiên.
[75] Thôn thuộc tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, nay là ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên.
[76] Thôn sát nhập 2 thôn cũ Huy Văn và Hương Miếu, có chùa Huy Văn nơi sinh Lê Thánh Tông, thuộc tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, nay là phường Văn Chương.
[77] Làng ghép 2 thôn Thục Miến và Thanh Ngô, tổng Yên Hoà, huyện Thọ Xương, nay là ngõ Thanh Miến và đầu Văn Miếu.
[78] Đảo nhỏ trên Văn Hồ ở trước Văn Miếu, xưa có cái đình trên đó.
[79] Còn gọi Trường Thi, nơi thi hương dưới thời Nguyễn, đất thôn Vũ Thạch, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là khu vực Thư viện Quốc gia.
[80] Thôn thuộc tổng Tiên Nghiêm, giáp Linh Động, nay là xóm Linh Quang.
[81] Còn gọi Yên Tập, thôn thuộc tổng Tiền Nghiêm (sau là Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương, nay là đầu phố Quán Sứ.
[82] Cũng gọi Thiền Quang, thôn ở bờ đông nam hồ Thiền Quang, còn có tên hồ Liên Thuỷ, sau nhập với các thôn Pháp Hoa, Quang Hoa, ở quanh hồ, đều thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương.
[83] Thôn thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, tên cũ là Bích Du, gần Hoả Lò.
[84] Tức Linh Động, thôn của tổng Tiền Nghiêm (sau là Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương, nay là khu sau ga Hà Nội.
[85] Còn gọi Liên Đường, tên cũ là Liên Thuỷ ở bờ bắc hồ Thiền Quang (cũng gọi là hồ Liên Thuỷ), tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, nay là Liên Trì.
[86] Gọi tắt tên Nam Môn Thị Hoa Ngư, gần Cửa Nam, có nghề sơn dầu và bán sơn ta.
[87] Còn gọi Yên Trung, có 2 thôn Thượng, Hạ thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là Cửa Nam - Bông Lờ - cuối Phùng Hưng.
[88] Tức Cổ Vũ Bắc Hạ - Bắc Thượng Thôn, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là cuối phố Tràng Thi.
[89] Thôn thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, nay là giữa phố Lê Duẩn - Đỗ Hành.
[90] Thôn do ghép 2 thôn cũ là Nguyên Khánh và Nam Phụ, tổng Tiền Nghiêm, nay là vùng Dã Tượng - Hoả Lò - Thợ Nhuộm.
[91] Thôn thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, do nhập 2 thôn Anh Mỹ và Thương Đông, nay là đầu phố Thợ Nhuộm.
[92] Thôn thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, do ghép các làng Khâm Đức, Tô Tiền, Tương Thuận, Trung Kính lại, nay là đầu phố Khâm Thiên và đầu ngõ chợ Khâm Thiên.
[93] Có 2 thôn An Nội đều thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, còn gọi Yên Nội Cổ Vũ và Yên Nội Đông Thành, là các phố Hàng Da, Hàng Nón bây giờ.
[94] Một phường thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, nay là chỗ giáp Hàng Đào - Hàng Ngang.
[95] Tức Đại Lợi, tên của phường Hàng Đào, còn gọi là phường Thái Cực, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương. Xưa có nghề nhuộm điều.
[96] Thôn thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, nay là phố Hàng Gà - Cửa Đông.
[97] Còn gọi Hữu Đông Môn, thôn thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, nay là đầu Hàng Cân.
[98] Tên cũ là thôn Hàng Nôi, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, nay là cuối Hàng Bồ - Bát Đàn.
[99] Phố ở đất thôn Chiêu Hội và Cổ Vũ mà thành tên, thông ra 3 phố Hàng Bông, Quán Sứ, Tràng Thi.
[100] Thôn thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, do nhập 2 thôn Báo Thiên Tự và Hữu Khánh Thuỵ, nay là phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm.
[101] Tên phố ở trên đất 2 thôn Chân Tiên và Minh Cầm, huyện Thọ Xương.
[102] Thôn thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, do nhập 2 thôn cũ là Phúc Phố và Tô Mộc, nay là cuối Lê Thái Tổ.
[103] Phường do sáp nhập 3 thôn Kim Bát, Cổ Vũ Hạ, Cổ Vũ Trung mà thành tên, nay là khu vực giữa Hàng Bông, Đường Thành, Hàng Da.
[104] Tên chung của 3 thôn Báo Thiên Tự, Báo Thiên Chùa Tháp, Báo Thiên Thị Vật, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, nơi có chùa và tháp Báo Thiên nổi tiếng, sau phá đi xây Nhà Thờ Lớn, nay là phố Nhà Thờ - cuối Hàng Trống.
[105] Chợ ở thôn Tiên Thị, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương.
[106] Còn gọi là Yên Thái, thôn thuộc tổng Tiền Túc (sau là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, có đình Chợ Thêu, nay là ngõ Yên Thái - Tạm Thương.
[107] Thôn thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, do nhập 2 thôn cũ Xuân Hoa và Yên Hoa, nay là cuối Hàng Cân - Lương Văn Can.
[108] Thôn thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, xưa có nghề dệt chiếu nên thành tên, sau tập trung thợ tiện gỗ làng Nhị Khê đến cư ngụ.
[109] 1- Đông Hà phương Hương Bài thôn thuộc tổng Hậu Túc, sau là Đồng Xuân có cửa ô Đông Hà, tức Ô Quan Chưởng (Hàng Chiếu). 2- Phường Đông Hà, tổng Tiền Túc (sau là Thuận Mỹ) cùng huyện Thọ Xương, nay là đầu Hàng Gai.
[110] Còn gọi Hương Mính, tên nôm là Hàng Chè, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, nay là cuối Cầu Gỗ - đầu Đinh Tiên Hoàng.
[111] Tên khác của phố Hàng Cau, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nay là đoạn đầu phố Hàng Bè, xưa có nhiều hàng cau khô.
[14, 112] Thôn thuộc tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, do nhập 2 thôn: Ưu Nhất, Trung Nghĩa, nay là đầu phố Nguyễn Hữu Huân.
[113] Tên chữ của thôn Hàng Cá, thuộc tổng Hữu Túc (sau là Đông Thọ), huyện Thọ Xương, nay là phố Gia Ngư.
[114] Thôn thuộc tổng Hữu Túc (sau là Đông Thọ), huyện Thọ Xương, nay là giữa Cầu Gỗ.
[15, 115] Còn gọi Đông Yên, thôn thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nay là cuối phố Hàng Thùng.
[116] Thôn thuộc tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, nay là Hàng Bạc - Tạ Hiện.
[117] Còn gọi Diêm Hưng, một phường thuộc làng Hữu Túc (sau là Đông Thọ), huyện Thọ Xương, nay là Hàng Ngang.
[118] Gọi nôm là thôn Hàng Chài cũ, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, nay là Đào Duy Từ - Lương Ngọc Quyến.
[119] Tức Hà Khẩu, này là phố Hàng Buồm.
[120] Thôn thuộc phường Đồng Hà, gần Ô Quan Chưởng.
[121] Chợ to nhất Hà Nội, cũng là tên phường thuộc tổng Hậu Túc (sau là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương.
[122] Làng nhỏ chạy dài ven bờ đông sông Tô, trước thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
[123] Làng của xã Nghĩa Đô, có nghề kẹo nha, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
[124] Thôn thuộc tổng Hậu Túc (sau là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, có đình cổ xưa học trò thường đến trọ nay ở số 28 Nguyễn Văn Siêu.
[125] Thôn thuộc tổng Hậu Túc (nay là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, do có đền Huyền Thiên mà thành tên, nay là Hàng Khoai.
[126] Thôn thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, nay là Hàng Cá.
[127] Thôn thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, nay là cuối Hàng Lược.
[128] Thôn thuộc tổng Đồng Xuân, ở gần chợ, do nhập 2 thôn Nhiễm Trung và Hoa Đán.
[129] Thôn thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, nay là Hàng Lược.
[130] Thôn trước còn gọi Vĩnh Thái, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, nay là đầu Hàng Đường - Hàng Mã.
[131] Thuộc huyện Vĩnh Thuận có 6 phường gồm vùng Thuỵ Khuê, Bưởi, Nghĩa Đô.
[132] Một phường vùng Bưởi, có nghề làm giấy và dệt lĩnh thuộc xã Nghĩa Đô, nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
[133] Phường thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, trong vùng Bưởi, xưa làm nghề bán củi, sau học được nghề dệt lĩnh nổi tiếng, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ.
[134] Làng làm giấy nổi tiếng vùng Kẻ Bưởi, xưa thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ.
[135] Phường làm nghề chài ở bên Hồ Tây, tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ.
[136] Phường làm giấy thuộc Kẻ Bưởi, xưa thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, có rừng bàng đẹp, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ.
[137] Tổng thuộc huyện Vĩnh Thuận, gồm 7 phường trại từ Thành Công, Nam Đồng qua Thịnh Hào, Thịnh Quang, Yên Lãng.
[138] Phường thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, nay là khu Thành Công, quận Ba Đình.
[21, 139] Phường thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, nay là phường Thịnh Hào, quận Đống Đa.
[140] Một trại thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, ở ngoài Ô Thịnh Quang (Ô Chợ Dừa), sau thành phố Nam Đồng, nay là Nguyễn Lương Bằng.
[141] Trại thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, nơi diễn ra trận Đống Đa lịch sử.
[142] Tên khác của làng Láng, gồm 3 thôn: Thượng, Trung, Hạ nơi trồng húng và hành hoa nổi tiếng, xưa là làng trại, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, sau thuộc huyện Thanh Trì rồi lại chuyển về huyện Từ Liêm, nay là 2 phường Láng Thượng và Láng Hạ, quận Đống Đa. Hội chùa Láng thờ Từ Đạo Hạnh ngày 7 tháng 3 cùng với chùa Thày (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây).
[143] Phường thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, nay là phường Thịnh Quang, quận Đống Đa.
[144] Tổng thuộc huyện Vĩnh Thuận gồm 10 trong số 13 trại phía tây kinh thành do ông Hoàng Lệ Mật sáng nghiệp, từ Giảng Võ, Ngọc Hà đến Cống Vị, nay thuộc quận Ba Đình.
[145] Còn gọi Liễu Nhai, con đường liễu đi ra phía tây thành, một trại thuộc Thập tam trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, nay là khu vực Liễu Giai - Đội Cấn, quận Ba Đình.
[146] Còn gọi Giảng Võ, một trong Thập tam trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, xưa có trường dạy võ, huấn luyện quân sĩ, nay còn làng ở giữa phố Giảng Võ, đình thờ Bà Chúa Kho Nàng Châu.
[147] Còn gọi Đại Yên, một trong Thập tam trại, có nghề trồng cây thuốc.
[148] Trại trong số Thập tam trại, thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, nơi có đền Vai Phục, thờ Linh Lang, gần Cầu Giấy, nay thuộc quận Ba Đình.
[149] Một trại thuộc Thập tam trại xưa, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, nay là quận Ba Đình.
[150] Trại Hàng Hoa ở sát Ngọc Hà, cũng thuộc Thập tam trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận.
[151] Trại thuộc Thập tam trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, xưa có cửa ô ra phía tây thành, nay là vùng Vạn Phúc, quận Ba Đình.
[152] Còn gọi Cống Yên, một trại thuộc Thập tam trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.
[153] Một trong Thập tam trại, làng hoa nổi tiếng, cùng với làng Hữu Tiệp thành Trại Hàng Hoa, nay là phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.
[154] Tổng thuộc huyện Vĩnh Thuận gồm 7 phường chạy dài từ Hàng Than qua Yên Phụ, Quảng Bá đến Nhật Tân.
[155] Phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, có nghề trồng hoa, cây cảnh ven Hồ Tây, xưa có rừng trúc ngà rất đẹp, chúa Trịnh lập bến tắm ở đây gọi là Bến Trúc, sau là làng, thôn của xã Quảng An, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ.
[9, 156] Thôn thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, xưa là ô Yên Hoa, nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
[157] Phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận xưa, ở phía bắc Hồ Tây, làng trồng đào nổi tiếng, nay là một phường của quận Tây Hồ.
[158] Còn gọi Quảng Bố, phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận xưa, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, có đền thờ Phùng Hưng.
[159] Phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, có nhiều lò nung vôi, nay là đầu Hàng Than - Yên Phụ.
[160] Phường thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, có tên cũ là Hoè Nhai, nay là giữa Hàng Than.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Dạo xem phong cảnh Long Thành