18/04/2024 18:37Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ngôn chí bài 1
言志

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Đường luật biến thể; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 09/09/2005 17:36

 

Chữ Nôm

商周件𪧘各諸堆,
舍另身閒課役耒。
檜俗茶常坡渃雪,
尋清中日羡茶梅。
𪀄呌花𦬑𣈜春凈,
香論碁殘席客催。
盃固蔑念庒女豸,
道濫昆免道濫碎。

Phiên âm

Thương Chu bạn cũ các chưa đôi[1],
Sá lánh thân nhàn thuở việc rồi.
Gội tục[2] chè thường pha nước tuyết,
Tìm thanh trong vắt tịn[3] trà mai.
Chim kêu hoa nở ngày xuân tĩnh,
Hương lụn cờ tàn tiệc khách thôi.
Bui[4] có một niềm chăng nỡ trễ[5],
Đạo làm con liễn[6] đạo làm tôi.
[1] Khó hiểu, tạm thời giải nghĩa như sau (theo nhóm Đào Duy Anh): Nguyễn Trãi gọi bạn cũ đời Thương Chu thì chỉ có thể là Y Doãn và Chu Công. Y Doãn giúp dựng nghiệp nhà Thương, Chu Công giúp dựng nghiệp nhà Chu, cũng như Nguyễn Trãi giúp dựng nghiệp nhà Lê. Y và Chu cả hai làm nên sự nghiệp mà còn giữ quyền vị suốt đời, chứ không như mình sau khi đã thành công rồi (thuở việc rồi) lại phải lánh về để hưởng an nhàn cho nên tự xét mình chưa thể so sánh với Y, Chu được. Vậy “các chưa đôi” hiểu là chưa sánh đôi với người xưa được.
[2] Bản Đào Duy Anh chép là “cởi tục”.
[3] Nghĩa là hết, như “tận”. Nông thôn vùng Thanh Nghệ thường nói “tịn” chứ không nói “tận”.
[4] Duy chỉ có.
[5] Không nỡ trễ nải, chểnh mảng.
[6] Chữ Nôm là 免, đáng ra phải đọc là miễn, trong Quốc âm thi tập gặp nhiều từ này. Chúng tôi (nhóm Đào Duy Anh) suy nghĩa của câu thơ này và xét cả những câu khác thì thấy rằng những chỗ chữ “miễn” đó, theo ngôn ngữ thông thường ngày nay phải là chữ “với hay” và “hay lẫn” thì mới rõ nghĩa. Ví dụ câu này nếu là “Đạo làm con lẫn với đạo làm tôi” thì rõ nghĩa lắm. Chúng tôi thấy về ngữ âm học, giữa “lẫn” và “miễn” không phải là không thể có vấn đề. Từ “lẫn” nhiều khi nói thành “liễn”, ví như nói “cả chì liễn chài”, “đàn ông liễn đàn bà”. Âm l và m trong ngôn ngữ của ta là tương ứng. Như vậy có thể ngờ rằng từ “liễn” đã có lúc người ta phát âm là “miễn”. Hiện nay có khi còn thấy có người nói nhịu “liễn” thành “miễn”, chúng tôi cứ phiên âm là “liễn” cho hợp với tiếng ngày nay, nhưng hiểu âm xưa là “miễn”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Ngôn chí bài 1