28/03/2024 17:26Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ông đồ

Tác giả: Vũ Đình Liên

Thể thơ: Thơ mới năm chữ; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Méri vào 13/03/2005 16:32

 

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu[1], giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc[2] ngợi khen tài:
“Hoa tay[3] thảo[4] những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên[5] sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
1936

Đăng trên báo Tinh hoa.

Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Tuy sáng tác thơ không nhiều nhưng chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới. Ông đồ là người dạy học chữ nho xưa. Nhà nho xưa nếu không đỗ đạt làm quan thì thường làm nghề dạy học, gọi là ông đồ, thầy đồ. Mỗi dịp Tết đến, ông đồ thường được nhiều người thuê viết chữ, câu đối để trang trí trong nhà. Nhưng từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng, ngày Tết không mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ, ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời. Từ đó, hình ảnh ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn” (lời Vũ Đình Liên).

[1] Thỏi mực đen mài với nước làm mực để viết chữ Hán, chữ Nôm hoặc để vẽ bằng bút lông.
[2] Luôn miệng nói ra những tiếng tỏ ý khen ngợi, khâm phục.
[3] Đường vân xoáy tròn ở đầu ngón tay, được coi là dấu hiệu của tài hoa.
[4] Viết tháu, viết nhanh (nghĩa trong văn bản).
[5] Dụng cụ làm bằng chất liệu cứng và có lòng trũng để mài và đựng mực Tàu.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vũ Đình Liên » Ông đồ