21/04/2024 05:26Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bài 172 - Giới dĩ phú lăng bần

Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm - 阮秉謙

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 17/07/2007 21:43

 

Kẻ khó thường làm ích kẻ giàu,
Ở thì phải ngẫm, biết thương nhau,
Bán kia, chẳng nỡ mua cho rẻ,
Vay nọ, xin đừng lãi lấy đau.
Bớt nỗi sai đòi[1] làm độc khổ,
Thôi khi đã trả hỡi cơ cầu[2].
Nặng lòng nhân nghĩa hay thương khó,
Giàu ấy hầu toan mới được lâu.
Theo Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (AB.635).

Nghĩa của đề mục: Răn người cậy giàu mà coi thường người nghèo.

Bài này khuyên người đời khi đã giàu có rồi, muốn được bền thì phải có lòng nhân nghĩa đối xử với mọi người, đặc biệt là phải thương kẻ nghèo hèn đói khổ. Rõ ràng lời khuyên vẫn bao hàm cái ý chấp nhận trật tự phong kiến, có kẻ giàu người nghèo, vì tác giả không vượt nổi ra ngoài ý thức hệ phong kiến.

[1] Ngày trước, những nhà giàu chuyên môn làm nghề cho vay lấy lãi, gọi là “chủ nợ”, người nghèo khó đi vay, gọi là “con nợ”. Nếu đến hẹn mà con nợ chưa trả, thì chủ nợ có quyền cho bọn tay sai đến nhà con nợ thúc giục trả nợ, thì chúng giở đủ mánh khoé độc ác, nào giết gà, đánh chó để ăn, lên giường thờ ông bà ông vải của người ta để ngủ, v.v... Khi chúng ra về, con nợ còn phải có tiền hoặc phẩm vật gì tiễn chúng thì mới xong xuôi.
[2] Mưu mẹo ác nghiệt. Ý nói khi con nợ đã trả đủ gốc và lãi rồi, chủ nợ hãy còn yêu sách phải tạ ơn nải chuối, buồng cau, hoặc con gà, quả gạo nếp, thủ lợn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bỉnh Khiêm » Bài 172 - Giới dĩ phú lăng bần