27/04/2024 05:13Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nhâm Thìn thập nhị nguyệt xa giá đông thú hậu tức sự kỳ 2
壬辰十二月車駕東狩後即事其二

Tác giả: Nguyên Hiếu Vấn - 元好問

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi hongha83 vào 13/04/2009 20:54

 

Nguyên tác

慘淡龍蛇日鬥爭,
干戈直欲盡生靈。
高原水出山河改,
戰地風來草木腥。
精衛有冤填瀚海,
包胥無淚哭秦庭。
並州豪傑今誰在?
莫擬分軍下井陘。

Phiên âm

Thảm đạm long xà nhật đấu tranh,
Can qua trực dục tận sinh linh.
Cao nguyên thuỷ xuất sơn hà cải[1],
Chiến địa phong lai thảo mộc tinh.
Tinh Vệ[2] hữu oan điền hãn hải,
Bao Tư[3] vô lệ khốc Tần đình.
Tinh Châu[4] hào kiệt kim thuỳ tại?
Mạc nghĩ phân quân há Tỉnh Hình[5].

Bản dịch của (Không rõ)

Thê thảm rắn rồng buổi đấu tranh
Can qua ùa tới diệt sinh linh
Cao nguyên nước chảy non sông đổi
Chiến địa lùa về gió lợm tanh
Tinh Vệ ngậm oan mà lấp biển
Bao Tư cạn lệ khóc Tần đình
Tinh Châu hào kiệt giờ đâu tá
Chớ để quân mình xuống giếng kênh
Nhâm Thìn tức năm Thiên Hưng nguyên niên (1232) đời Kim Ai Tông. Tháng bảy năm này, quốc đô Biện Kinh nhà Kim (nay là Khai Phong, Hà Nam) lại bị đại quân Mông Cổ bao vây. Cầm cự đến tháng 12 thì trong thành phát sinh dịch bệnh, lương thực hết, cứu viện không có, khiến cho nhân dân phải tranh nhau ăn cả thịt người chết. Kim Ai Tông bất đắc dĩ chỉ còn cách để lại một lực lượng quân sĩ tiếp tục giữ thành, còn mình thì đích thân phá vòng vây chạy sang phía đông, lui giữ vùng Quy Đức (nay là Thương Khâu, Hà Nam). Lúc này Nguyên Hiếu Vấn đang giữ chức Tả tư Đô sự, lưu thủ ở Biện Kinh. Ông đã làm hai bài thơ này trong thời gian Biện Kinh bị quân Mông Cổ vây hãm, lời thơ bi phẫn tuyệt vọng, buồn thảm thê lương, là một trong những tác phẩm có tính đại biểu cho thơ của Nguyên Hiếu Vấn. “Xa giá đông thú” chỉ việc Kim Ai Tông chạy sang phía đông đến Quy Đức.
[1] Câu này có thuyết nói là ý tác giả muốn nhắc chuyện Kim Ai Tông cho phá đê sông Hoàng Hà làm nước lụt để ngăn cản quân Mông Cổ, khiến cho “sông núi đổi”, nhân dân càng thêm tai hoạ.
[2] Tên loại chim trong thần thoại. Theo Sơn hải kinh, con gái Viêm Đế là Nữ Oa đi chơi Đông hải, chẳng may chết đuối, oan hồn của cô biến thành con chim Tinh Vệ, ngày ngày tha đá sỏi, cành cây ở Tây Sơn thề lấp hết biển Đông hải.
[3] Tức Thân Bao Tư, quan đại phu nước Sở thời Xuân Thu. Cuối thời Xuân Thu, nước Ngô liên hợp với các nước công phá Dĩnh Đô của Sở, Thân Bao Tư đến nước Tần cầu cứu, bị từ chối, liền đứng trước sân cung điện nước Tần khóc ròng, đến bảy ngày không thôi, nước cũng không cần uống, cuối cùng đã khiến cho vua Tần cảm động, đem quân giúp Sở.
[4] Địa danh, nay là vùng Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Do đất này nằm ở phía đông cao nguyên hoàng thổ, từ xưa, các dân tộc du mục phương bắc vào xâm lấn đều phải qua đất này, nên dân phong rất thượng võ, xuất hiện nhiều anh hùng hào kiệt.
[5] Tên cửa ải xưa, tức Tỉnh Hình khẩu, vị trí ở giữa mạch núi Thái Hàng, hình thế hiểm yếu, là nơi các nhà quân sự thường giành chiếm. Theo Sử ký - Hoài Âm hầu liệt truyện: Đầu thời Hán, Hàn Tín đem mấy vạn quân đi đánh Triệu vương Yết. Lúc còn cách Tỉnh Hình khẩu 30 dặm, liền chia quân khinh kỵ 2000 người ngầm theo đường nhỏ đến ngoài cửa Tỉnh Hình mai phục trước, đợi khi quân Triệu ra nghênh chiến với quân Hàn Tín thì tiến vào doanh trại quân Triệu, hạ cờ Triệu vương xuống, giương cờ Hán lên. Quân Triệu trông thấy cờ Hán, tưởng là Triệu vương đã bị bắt, bèn rối loạn, tan vỡ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyên Hiếu Vấn » Nhâm Thìn thập nhị nguyệt xa giá đông thú hậu tức sự kỳ 2