24/04/2024 09:06Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Khuyên học trò phải chăm học

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Song thất lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 24/10/2005 10:34

 

Trước cửa Khổng[1] cung tường chín chắn.
695. Bước lên đường vào cửa ung dung,
Trăm quan, tôn miếu, lạ lùng[2],
Học hành cho biết thỉ chung tỏ tường.
Bẩm phi thường khác hơn mọi vật,
Ắt làm người thời chẳng hư sinh.
700. Phú cho tai mắt thông minh[3],
Tính tình gồm đủ kiếp sinh vẹn tuyền.
Bực thánh hiền ấy không dám ví,
Song làm người có chí thì nên,
Khai tâm[4] từ thủa thiếu niên[5],
705. Hiếu kinh tiểu học[6] trước liền cho thông.
Đọc cho đến Trung dung, Đại học[7],
Tứ thư rồi lại đọc ngũ Kinh[8],
Thi, Thư, Dịch, Lễ, đều tinh,
Xuân thu nghĩa cả cho minh nghiệp nhà.
710. Xem cho đến Bách gia, Chư tử[9],
Bảy mươi pho sử[10] đều thông,
Sớm khuya ở chốn văn phòng,
Bút nghiên, giấy mực bạn cùng chân tay.
Bài kinh nghĩa[11] cùng bài văn sách[12],
715. Tinh phú, thơ[13], mọi vẻ văn chương.
Một đèn, một sách, một giường,
Có công mài sắt có ngày nên kim.
Học trò giữ chính tâm[14] làm trước,
Với tu, tề, bình, trị[15] đều yên,
720. Cương thường[16] giữ hiếu làm nên,
Từ đoan, ngũ giáo cho tuyền công sinh.
Bề đạo đức, gia đình phải giảng,
Phủ thiên quân[17] quang đãng tinh vi.
Lý cho cách vật, trí tri,
725. Trong thì dưỡng đức[18], ngoài thì tu thân[19].
Nghiệp tứ dân[20] nhất rằng chữ sĩ,
Nghề nông, thương, công cổ khôn sơ,
Đạo thầy thứ nhất là Nho,
Toán, y, lý, số[21] dám so sánh bài.
730. Khắp triều đình trong ngoài lớn nhỏ,
Những là người áo mũ đai cân,
Đời nào cũng chuộng nghề văn,
Mưu mô[22] giẹp loạn, kinh luân[23] mở nền
Pho kinh sử[24] làu chuyên nghề học,
735. Chốn thư đường[25] từng đọc hôm mai,
Quan sang chẳng có riêng ai,
Đạo trời nào phụ những người độc thư[26].
Kìa trước hết văn nho sĩ tử[27],
Dẫu khó khăn kinh sử càng chuyên,
740. Làm nên trọng chức cao quyền,
Trong ngoài ai chẳng ngợi khen bậc hiền.
Nhặt lấy cỏ bồ biên mà đọc,
Người Ôn Thư[28] chí học mới cao.
Chàng Hoằng[29] không sách biết sao.
745. Mượn kinh mà học viết vào mảnh tre.
Dùi đâm vế kẻo khi buồn ngủ,
Ngươi Tô Tần[30] chí thú đọc kinh,
Tóc treo giường ấy, Tôn sinh[31],
Để cho dễ thức học hành canh khuya.
750. Thủa dầu hết đèn hoe bóng tuyết,
Chàng Tôn Khang[32] chịu rét đêm đông,
Nọ ngươi Trác Dận[33] dầu không,
Túi bao đom đóm bạn cùng thư trai.
Vai gánh củi học thời luôn miệng,
755. Chu Mãi Thần nên tiếng danh nho,
Lý sinh[34] chẳng quản công phu,
Chăn trâu treo sách một pho trên sừng.
Ấy những người trước từng khó nhọc,
Sau làm nên tước lộc quan sang,
760. Làm trai chí khí hiên ngang,
Chớ rằng nguy khổ trễ tràng làm chi!
Oanh bé nhỏ tuổi thì lên tám[35],
Việc đọc thơ sớm đủ tinh thông
Lão Tuyền[36] tuổi cả gia công,
765. Hai mươi bảy tuổi dốc lòng nghề nho.
Đường Lưu Án[37] tuổi vừa lên bảy,
Đỗ Thần đồng tiếng dậy gần xa.
Ông Lương đã đến tuổi già[38],
Tám mươi hai tuổi đỗ khoa đại đình
770. Đường vân trình[39] dù sau dù trước,
Chữ công danh ai khác chi ai,
Hễ người có chí có tài,
Gió rung mặc gió khôn rời khôn lay.
Chẳng sợ kẻ lắm thầy nhiều tớ,
775. Thấy ta nghèo ra sự rẻ khinh,
Thư trung lắm kẻ hiển vinh,
Dập dìu hầu hạ, linh đình ngựa xe[40].
Chẳng sợ kẻ lắm tiền, nhiều lúa,
Nghĩ mình rằng có của thì hơn,
780. Thư trung Kim ngọc vô vàn,
Đầy khè chung đỉnh[41], chứa chan bạc vàng.
Chẳng sợ lắm kẻ thê nhiều thiếp,
Đả hẳn rằng tốt đẹp hơn ai?
Thư trung có gái tuyệt vời,
785. Những người mặt ngọc[42] là người vẻ vang.
Chẳng sợ kẻ toà ngang dãy giọc,
Khinh nhau rằng hàn ốc thê lương[43].
Thư trung tuấn vũ điêu tường[44].
Lầu hồng gác phượng cột giường liền mây
790. Ai có chí đêm ngày luyện tập,
Theo người xưa cho kịp mới nên.
Học cho hy thánh hy hiền[45],
Việc gì thông biết chẳng phiền luỵ ai.
Chốn lâm tẩu[46], hoài tài bảo đức,
795. Khắp bốn phương đồn nức thời danh[47],
Chiếu nêu cao giá ngọc lành,
Xe loan có thủa cung doanh có ngày[48].
[1] Do chữ “Khổng môn”: cửa đức thánh Khổng.
[2] Tử Cống và Tử Trương đều là học trò đức Khổng tử, Tử Cống bảo Tử Trương: Tử này (Tử Cống tự xưng tên) đâu dám bì với đức phu tử (tức Khổng phu tử), chỉ vì bức tường của nhà tử cao ngang vai, nên ai cũng trông thấy đồ vật trong nhà, còn tường của đức phu tử thì cao hàng mấy đợt, không mấy người biết những đồ vật bầy biện đầy đủ và tôn miếu đẹp đẽ ở bên trong.
[3] Bởi câu “Nhĩ mục thông minh nam tử thân, hằng quân phú dữ bất vi bần”: Tai mắt sáng suốt là thân người con trai, trời phú bẩm cho chẳng phải hèn kém.
[4] Vỡ lòng.
[5] Trẻ tuổi.
[6] Sách dạy học trò nhỏ.
[7] Hai bộ trong tứ thư.
[8] Bốn bộ sách: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử; Ngũ kinh: năm bộ kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu.
[9] Các nhà học giả đời Chu, Tần, Hán như Lão, Trang, Quản, Thương, Thân, Hàn, Mặc, Liệt, mỗi nhà một lý thuyết, đều làm thành sách để lưu truyền.
[10] Đây là Bắc sử, ngày xưa ta toàn học chữ Tàu còn sử bản quốc chỉ lưu tại bộ, ít khi ban hành.
[11] Một lối văn chương dùng làm bài thích nghĩa kinh truyện, do đời Đường Tống đặt ra, Đến Nguyên, Minh, Thanh biến làm lối 8 vế và cả bên ta cũng dùng để ra bài thi lấy học trò đỗ đạt về hồi còn khoa cử chữ nho, cũng có tên là văn bát cổ.
[12] Cũng là một lối văn hỏi về những nghĩa lý cổ kim, dùng để thi cử.
[13] Đều là lối văn chương có vần có điệu luật, ngày nay vẫn còn dùng, một lối văn vần theo lối Tàu.
[14] Giữ lòng cho ngay thẳng.
[15] Tu: tu thân: sửa mình; Tề: tề gia: cai quản việc gia đình cho tề chỉnh đâu ra đấy; Bình: bình thiên hạ: cho thiên hạ điược hoà bình; Trị: trị quốc: cả nước được thịnh.
[16] Cương: ba mối giường: vua tôi, cha con, vợ chồng. Thường: ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
[17] Con tim ở giữa, cai quản ngũ quan, tựa một ông vua của hình thể người ta, nên quen gọi tim (tâm) là thiên quân, “phủ Thiên quân” đây cũng như nói cõi lòng.
[18] Nuôi đức.
[19] Sửa mình.
[20] 4 hạng dân: sĩ, nông, công, cổ: học trò, làm ruộng, làm thợ, đi buôn.
[21] Bói toán, làm thuốc, làm địa lý, xem số.
[22] Mưu chước.
[23] Thủ đoạn xếp đặt công cuộc lớn.
[24] Kinh sử tượng trưng về sách vở việc học.
[25] Nhà học, nhà xem sách.
[26] Bởi câu “Hoàng thiên bất phụ độc thư nhân”: trời không phụ những người đọc sách.
[27] Học trò văn nho.
[28] Lộ Ôn Thư người đời Hán, quê ở Cự lộc, nhà rất nghèo, thủa nhỏ đi chăn dê, lấy cỏ bồ biên chữ làm sách để học. Đời Hán Tuyên đế, dâng thư nói về việc chính trị, khuyên vua nên chuộng việc nhân đức, hoãn sự hình phạt, được thăng đến chức Thái thú.
[29] Công tôn Hoằng: người đời Hán, nhà nghèo chăm học, không có tiền mua sách, thường phải chép vào mảnh tre để đọc. Đời Hán Vũ đế, đối sách đỗ đầu, được bổ Bác sĩ, rồi thăng đến Thừa tướng và được phong tước Hầu.
[30] Người đời Chiến quốc, quê Lạc đường, lúc còn đi học đêm đọc sách, sợ buồn ngủ, để mũi dùi dưới vế đùi, hễ ngủ gật thì dùi đâm lại dậy học, sau đi du thuyết, làm tướng 6 nước chư hầu.
[31] Tôn Kinh: người đời Hán, rất chăm học, thường đóng cửa đọc sách, đêm ngủ sợ quên, là một cái thòng lọng bằng dây buộc trên sà nhà dòng xuống trước mặt hễ ngủ gật đầu chui vào tròng, thì lại tỉnh ra. Thơ Lý Thương Ẩn: “Huyền đầu tằng khổ học, Triết lý phân thành y”: Treo đầu từng chăm học, đứt tay mới hay thuốc.
[32] Người đời Tấn, quê ở Kinh triệu, nhà nghèo ham học, không có dầu, đêm phải hé ra ánh mưa tuyết chịu rét mà đọc sách.
[33] Người đời Tấn, học rộng biết nhiều, nhà nghèo không tiền mua dầu, về mùa hè, thường bắt đom đóm bỏ vào túi vải thưa soi cho sáng để xem sách. Lý Trung có gửi thơ cho Lưu Minh Phủ rằng: “Tam thập niên tiền cộng khổ tâm, nang huỳnh tằng kỷ thử yên sầm”: ba mươi năm trước cùng khổ tâm, túi đom đóm từng soi cảnh tối tăm.
[34] Lý Mật: người đời Tuỳ, quê ở Tương binh, tính ham học, nhiều mưu kế, thường cỡi trâu đi chơi núi, ngồi trên mình trâu đọc sách. Lúc nhà Tuỳ loạn, giúp con Dương Tố là Dương Huyền mưu tranh thiên hạ, nhưng bị Vương thế Sung đánh bại, phải về hàng nhà Đường, làm quan Quan lộc khanh.
[] Chí khí cao rộng.
[35] Tam tự kinh: “Oanh bát tuế năng vịnh thi”: cậu Oanh mới lên tám tuổi đã biết vịnh thơ.
[36] Tô Lão Tuyền tức Tô Tuân người My sơn đời nhà Tống 27 tuổi mới phẫn chí đi học, thông hiểu các học thuyết lục kinh, bách gia, viết văn rất cổ kính. Âu Dương Tu cùng Hán Kỳ tâu vua Tống, được cử làm Hiếu thư lang. Hai con trai là Tô Thức hiệu Đông Pha và Tô Triệu hiệu Đĩnh Tần đều đỗ Tiến sĩ đời Tống có tiếng là bậc văn hào.
[37] Tam tự kinh: “Đường Lưu Án, phương thất tuế, cử thần đồng, tác chính tự”: Lưu Án nhà Đường mới lên bảy tuổi, đỗ khoa Thần đồng, làm quan Chính tự.
[38] Tam tự kinh: “Nhược Lượng Hựu, bát thập nhị, đối đại đình, khôi đa sĩ”: như ông Lương Hựu, 82 tuổi vào thi ở sân nhà vua, đỗ đầu các học trò.
[39] Đường mây, ý nói tiền đồ rộng rãi bằng phẳng, cũng như nói “thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì”.
[40] Câu này do câu “Xuất môn mặc hận vô nhân tuỳ, thư trung xa mã đa như thốc”: ra cửa đừng sợ không có người hầu, trong sách xe ngựa nhiều như mũi tên.
[41] Do câu: “thư trung tự hiểu thiên chung túc”: trong sách khắc có ngàn hộp thóc.
[42] Do câu: “thư trung hữu nữ nhân như ngọc”: trong sách có gái đẹp mặt như ngọc.
[43] Nhà nghèo vắng vẻ, lạnh lẽo.
[44] Trong sách có nhà cao tường vẽ.
[45] Mong như thánh, mong như hiền.
[46] Nơi rừng núi rậm rạp, rừng rú.
[47] Nổi tiếng lúc bấy giờ.
[48] Câu này ý nói sẽ có ngày ngựa nọ xe kia, nhà này dinh khác, nghĩa là phong lưu phú quí.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Khuyên học trò phải chăm học