20/04/2024 14:40Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đạo thất đạo
盜失盜

Tác giả: Nguyễn Khuyến - 阮勸

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi Vanachi vào 04/11/2013 06:19

 

Nguyên tác

盜向人家穿取錢,
盜人又向盜家穿。
嬴輸遷轉無常局,
出入循環若夙緣。
化乏彥方休賜帛,
行非王素莫投椽。
利途到底渾如是,
奚獨穿牆盜乃然。

Phiên âm

Đạo hướng nhân gia xuyên thủ tiền,
Đạo nhân hựu hướng đạo gia xuyên.
Doanh thâu thiên chuyển vô thường cục,
Xuất nhập tuần hoàn nhược túc duyên.
Hoá phạp Ngạn Phương[1] hưu tứ bạch,
Hạnh phi Vương Tố[2] mạc đầu chuyên.
Lợi đồ đáo để hỗn như thị,
Hề độc xuyên tường đạo nãi nhiên.

Dịch nghĩa

Kẻ trộm khoét ngạch nhà người ta lấy trộm tiền,
Đứa trộm khác lại tới khoét ngạch nhà kẻ trộm.
Hơn hoá ra thua, thua lại ra hơn, cuộc hơn thua là vô thường,
Ra rồi lại vào, vào rồi lại ra, duyên ra vào như định sẵn.
Thiếu đức hoá như Ngạn Phương thì đừng cho lụa,
Không có hạnh như Vương Tố thì đừng ném rui.
Đường lợi rốt cuộc đều như thế cả,
Chẳng riêng gì kẻ trộm khoét tường mới như vậy đâu.

Bản dịch của Nguyễn Khuyến

Mày đi khoét lấy của người dây,
Lại có người theo khoét của mày.
Canh bạc biết đâu là lỗ lãi,
Vòng duyên thôi cũng bởi giông may.
Của thua cụ Ngạn đừng cho lụa,
Nét kém thầy Vương chớ ném cây.
Ngẫm lại cuộc đời đâu chẳng thế,
Kiếm ăn không những một phường bay!
Rút từ Quế Sơn thi tập (A.469).

Bản dịch của chính tác giả.
[1] Tự của Vương Liệt, người đời Đông Hán, nổi tiếng nhân nghĩa. Trong làng có người ăn trộm trâu bị bắt quả tang, anh ta xin chịu tội, chỉ tha thiết đừng nói cho Ngạn Phương biết. Ngạn Phương biết chuyện, khen ngợi anh ta và gửi cho một tấm lụa. Ít lâu sau, chính anh ta bắt được một thanh gươm ở đường, đã ngồi đợi trả lại tận tay người mất.
[2] Tức Vương Chiêu Tố đời Tống, là người có đức hạnh được mọi người mến phục. Khi ông làm bác sĩ ở Quốc Tử Qiám, có người cạy cổng toan vào lấy trộm đống rui nhà ở phía trong. Chiêu Tố biết, lẳng lặng cho người đem từng cái rui luồn ra ngoài cổng cho kẻ trộm lấy. Kẻ trộm hổ thẹn quá, từ đấy bỏ nghề.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Khuyến » Đạo thất đạo