28/04/2024 01:13Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thành thượng
城上

Tác giả: Lý Thương Ẩn - 李商隱

Thể thơ: Ngũ ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi Diệp Y Như vào 15/04/2010 23:36

 

Nguyên tác

有客虛投筆,
無憀獨上城。
沙禽失侶遠,
江樹著陰輕。
邊遽稽天討,
軍須竭地征。
賈生遊刃極,
作賦又論兵。

Phiên âm

Hữu khách hư đầu bút[1],
Vô liêu độc thướng thành.
Sa cầm thất lữ viễn,
Giang thụ trứ âm khinh.
Biên cự kê thiên thảo,
Quân tu kiệt địa chinh.
Giả Sinh[2] du nhận cực,
Tác phú hựu luận binh.

Dịch nghĩa

Có khách quẳng bút nghiên,
Một mình buồn bã bước lên thành cao.
Cánh cò mất bạn bay xa,
Mây nhẹ phủ mờ hàng cây bên sông.
Nơi biên giới, ngựa truyền tin chậm chạp khiến việc thảo phạt kéo dài,
Việc cung cấp quân nhu làm cạn kiệt tiền của.
Giả Sinh tài năng có thừa,
Làm thơ phú và bàn luận việc quân.

Bản dịch của Lê Quang Trường

Có khách bỏ nghiên bút,
Lên thành, buồn một mình.
Cánh cò xa bạn lữ,
Cây bến phủ mây xanh.
Cương giới, tin quân trễ,
Cung quân, của sạch sanh.
Giả Sinh tài sức lắm,
Thơ phú với luận binh.
Bài thơ được tác giả làm vào năm đầu niên hiệu Đại Trung khi ông vào làm ở mạc phủ của Quế Quản quan sát sứ Trịnh Á. Thi nhân lên thành Quế Lâm trông ra xa, tả cảnh để bày tỏ nỗi lòng, giải tỏ nỗi phiền muộn cho tráng chí không được thực hiện, không có đất dụng võ. Tình cảnh trong thơ hoà quyện, hàm ẩn nhưng rất có âm vị.

[1] Vứt bút đi. Hậu Hán thư, Ban Siêu truyện chép rằng nhà Siêu rất nghèo, Siêu thường chép giấy tờ cho quan lại để kiếm sống, vì quá cực khổ nên bỏ việc quăng bút mà than rằng: “Đại trượng phu không có chí khác, thì phải bắt chước Phó Giới Tử, Trương Khiên lập công nơi dị vực, tìm lấy ấn phong hầu, sao cứ mãi vùi đầu nơi chốn bút nghiên?“
[2] Tức Giả Nghị (200 - 168 tr.CN), người đất Lạc Dương, là nhà từ phú và chính trị gia nổi tiếng đời Tây Hán. Năm 18 tuổi, ông được Hán Văn Đế mời vào làm bác sĩ, một năm sau thăng làm Thái trung đại phu. Vì chủ trương tước bỏ thế lực chư hầu, phòng ngự Hung Nô xâm chiếm, khuyến khích nông nghiệp,... nên gặp phải sự huỷ báng và đố kỵ của bọn quyền quý Chu Bột, mà bị biếm làm thái phó Trường Sa vương. Sau được triệu hồi làm thái phó Lương Hoài vương.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Thương Ẩn » Thành thượng