28/04/2024 04:51Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Trùng du Ngũ Hành Sơn
重遊五行山

Tác giả: Nguyễn Trọng Hợp - 阮仲合

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 05/04/2019 17:54

 

Nguyên tác

臣心廾載効驅馳,
解紱歸來荷帝慈。
老鬢如今重覲闕,
名山又舊續題詩。
古藤洞口天光照,
懸橊岩邊石乳垂。
翹首神州鬱佳氣,
碧雲千叠寄遐思。

Phiên âm

Thần tâm trấp tải hiệu khu trì[1],
Giải phất[2] quy lai hạ đế tì[3] (từ).
Lão mấn như kim trùng cận khuyết[4],
Danh sơn hựu cựu tục đề thi.
Cổ đằng[5] động khẩu thiên quang chiếu,
Huyền lựu[6] nham biên thạch nhũ thuỳ.
Kiều thủ thần châu[7] uất giai khí[8],
Bích vân[9] thiên điệp ký hà ty (tư).

Bản dịch của Nguyễn Khuyến

Phận tôi ngần ấy độ xông pha,
Cởi giải ơn vua được nghỉ nhà.
Tóc bạc phen này lần cửa đến,
Non xanh cảnh cũ nối bài ra.
Cây chằng cửa động gương trời biếc,
Giọt thấm lưng đèo sữa đá sa.
Ngoảnh lại cõi thiêng đùn khí tốt,
Nghìn tầm mây biếc gởi tình xa.
[1] Ra sức đuổi theo.
[2] Cởi dây đeo ấn là chỉ việc về hưu.
[3] Đế từ: Tình thương của vua. Nhưng chữ “từ” cũng thường dùng giản xưng hai chữ “từ mẫu”, như “từ huấn” là lời dạy của mẹ (từ mẫu chi huấn); nên “đế từ” cũng có nghĩa là mẹ vua (đế chỉ từ mẫu).
[4] Đến hầu, bái yết ở cung vua.
[5] Đằng là cây song mây và cũng có nghiã là loại dây leo. Nguyên bản “cổ đằng” là cây mây già, lâu năm. Loại song mây thời xưa thường mọc ở vách núi Ngũ Hành. Năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán đến thăm Ngũ Hành Sơn, có ghi trong sách Hải ngoại kỷ sự: “Có một dây song già từ trên hẻm đá thòng xuống tận đất, hình tròn bằng miệng chén, dài cả trăm thước, thẳng như dây cung, Đông Dương Di (người Nhật Bản) từng giả ngàn vàng đòi mua, nhưng không bán.” (Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963, trang 148). Về sau, có thể cũng có những sợi song mây lâu năm mọc ở các cửa động, nên tác giả mới gọi là “cổ đằng”. Nhưng Nguyễn Khuyến không dịch là “mây già” mà dịch “cây chằng” theo nghĩa dây leo chằng chịt (đó là thủ pháp chọn nghĩa thích hợp của từ nhiều nghĩa theo dụng ý người dịch).
[6] Nguyên bản chữ Hán trong sách Tam Nguyên Yên Đổ của Hoàng Ý Viên (Sài Gòn, 1956) ghi chữ “lựu” gồm bộ mộc và chữ lưu 橊 nghĩa là cây lựu.
[7] Kinh đô.
[8] Khí lành, khí tốt; chỉ điềm lành.
[9] Thơ xưa thường chỉ sự ly biệt. Hứa Hồn đời Đường trong bài thơ đưa tiễn một vị tăng có câu: “Bích vân thiên lý mộ sầu hiệp, Bạch tuyết nhất thanh xuân tứ trường” (Mây biếc ngàn trùng chiều buồn hợp, khúc ca Bạch tuyết nỗi hoài xuân).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trọng Hợp » Trùng du Ngũ Hành Sơn