20/04/2024 12:50Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Âm thầm

Tác giả: Tương Phố - Đỗ Thị Đàm

Thể thơ: Song thất lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Vanachi vào 29/04/2019 23:28

 

Kính dâng anh hồn Cha, bên kia thế giới.

Đời hiu quạnh có Cha ấm cúng,
Ngờ đâu nay, Cha cũng lại đi;
Bao người thân dứt ra đi,
Lòng con còn thiết tha gì thế gian!
Con ở lại, muôn vàn gắng gượng,
Biết bao nhiêu ngang chướng cuộc đời!
Nhớ Cha, khôn tả nên lời,
Nhớ câu tâm sự, nhớ lời văn chương.

Thương Cha, buổi tà dương bóng xế,
Cảnh nước non luống để bận lòng;
Tản cư bao nỗi long đong,
Phơ phơ mái tóc, thôi đông lại đoài.
Cảnh già túng nào ai lân tuất?
Khắp xa gần chật vật như nhau;
Nay đây, mai chắc ở đâu?
Nhà tan, nước loạn, dạ sầu ngổn ngang;
Con cái, kẻ mây ngàn hạc nội,
Loạn li này biết hỏi phương nao?
Băn khoăn sớm tối ra vào,
Bệnh xưa lại phát thuốc nào chữa đây?
Chứng hàn lị lâu ngày, chứng khó,
Ngoài lá mơ[1] nào có thuốc chi;
Ngày ngày dò dẫm ra đi,
Hỏi han, ai mách thuốc gì cũng theo.
Đau yếu trong cảnh nghèo nỗi túng,
Đời tang thương, lòng cũng tang thương!
Đành vào tĩnh dưỡng Phúc đường,
Thuốc men săn sóc Nhà thương, nhờ người.
Mười lăm ngày Cha ơi, thấm thoắt,
Thuốc Nhà thương chẳng mát bệnh già,
Con đi, em Yến vừa xa,
Kịp đâu ngờ tới phút Cha qua đời.
Bẩy mươi tám tuổi trời chua xót,
Lúc lâm chung thảng thốt không ai;
Rể, dâu, thăm thắm phương trời,
Gái, trai, nội, ngoại, nào ai bên màn?

Thôi, Cha ơi, giang san nghiêng ngửa,
Buổi loạn li than thở thêm buồn!
Từ đây mặc cảnh nước non,
Chèo lan, Cha nhẹ cánh buồm chơi mây.
Riêng con, khoảng tháng ngày ngơ ngẩn,
Lòng nhớ Cha, vơ vẩn, vẩn vơ;
Ảm thầm mong phút chẳng ngờ,
Bên kia thế giới Cha chờ đợi con!

Đời suông tẻ lòng con cũng chán,
Cảnh cô đơn vô hạn thê lương!
Lại nghèo nữa, mới dở dang,
Một nhìn thấu hết viêm lương tình đời!
Cha thương con những lời than thở,
Còn nhớ đêm ngồi ở đầu hiên;
Giờ đây, dưới bóng bên thềm,
Ứa bao nhiêu lệ, giữa đêm thu tàn.
Song Khê[2] vẫn quan san cách trở
Biết còn không[3]? Biết ở phương nao?
Mấy năm xa vắng âm hao,
Gặp Cha, còn giấc chiêm bao hoạ là!

Con nhớ Cha năm qua càng nhớ,
Tủ sách xưa, lần giở lại buồn!
Không Cha, sách cũng vô hồn,
Mặc dầu phơi phóng, đâu còn duyên xưa!
Chủ nhân ông phơ phơ râu tóc,
Dưới đèn khuya, say đọc cổ văn;
Một đi về cõi xa xăm,
Non Bồng nước Nhược âm thầm bút nghiên.

Còn phảng phất bên đèn dưới trướng,
Những đêm thanh sung sướng hầu Cha:
Quây quần đông đủ một nhà,
Các con chầu chực mong Cha cất lời.
Nghe Liêu trai, quên đời, say truyện,
Cảm tình ma, lưu luyến mơ tiên;
Giọng Cha đầm ấm có duyên,
Văn hay, tích lạ, càng thêm đậm đà.
Câu nghĩa lí thiết tha giảng giải,
Đoạn thế tình phải trái khuyên răn;
Có đêm cao hứng bình văn,
Câu thơ cảm khái, giọng ngâm tiêu hồn!
Bao kỉ niệm lòng con cảm nhớ,
Anh hồn Cha nay ở phương nao?
Ngất trời khói lửa binh đao.
Bể dâu một cuộc biết bao đau lòng!

Con nhớ Cha, bên song ngồi ngẩn,
Nhìn trăng tà, bóng lẩn về Tây;
Cha ơi! Há một đêm nay,
Mất Cha, muôn kiếp chưa khuây hận lòng!
Thăng Long, một đêm thu tàn.
31-10-1949

[1] Lá mơ tam thể giã nhỏ đúc với trứng gà, ăn thơm ngon, lại trị được bệnh kiết lị lúc mới phát.
[2] Song Khê em gái đồng bào với T.P., tác giả bài Rau sắng chùa Hương gởi cho Tản Đà xưa, kí biệt hiệu Đỗ Tang nữ.
[3] Từ năm tác chiến, cha con, chị em mất Ịiên lạc. Nghĩ đến nhau, mất hay còn, cũng không biết nữa.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tương Phố » Âm thầm