23/04/2024 14:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phỗng đá

Tác giả: Phan Văn Ái - 潘文愛

Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 16/09/2014 03:57

 

Mưỡu:
Non thiêng khéo đúc nên người,
Trông chừng sành sỏi khác người trần gian.
Trải bao gió núi mưa ngàn,
Đã già già sóc, lại gan gan lỳ.

Hát nói:
Gan lỳ, già sóc,
Há non chi, mà sợ cóc chi ai!
Người là người, tớ cũng là người,
Ngắm cho kỹ, vẫn chanh vanh đầu dốc.
Tương tri, tằng thức năng công ngọc,
Mạc luyện, như hà khả bổ thiên.[1]
Thôi mặc ai rằng trắng, rằng đen.
Thế như thế, cũng ngồi yên như thế vậy.
Còn trời đất, hãy còn tai mắt ấy,
Lặng mà coi, hoạ thấy lúc nào chăng?
Hẵng về giã gạo ba trăng[2].
Bài này hoạ bài Hỏi phỗng đá của Nguyễn Khuyến.

[1] Chữ Hán: 相知曽識能攻玉,莫鍊如何可補天. Nghĩa: Biết nhau, từng biết giũa được ngọc; Không luyện, làm sao vá được trời. Chữ “công ngọc” lấy ở câu trong Kinh thi: “Tha sơn chi thạch, khả dĩ công ngọc” 他山之石,可以攻玉 (Đá ở núi kia, có thể đem ra giũa được ngọc). Chữ “bổ thiên” lấy ở câu trong Sử ký: “Nữ Oa luyện thạch bổ thanh thiên” (Bà Nữ Oa luyện đá vá trời xanh). Tục ngữ ta cũng có câu “Bà Nữ Oa đội đá vá trời”. Theo sách Tam hoàng, xưa Cung Công húc đầu vào núi Bất Chu làm đổ, thành ra trời lệch về phía tây bắc, bà Nữ Oa là em trời phải luyện đá ngũ sắc để vá lại trời cho lành. Hai câu ý nói đá của ông phỗng đá, có thể giũa được ngọc, vá được trời, là thứ đá quý, nhưng phải có người biết dùng biết luyện mới được.
[2] Thứ thóc cấy trong ba tháng đã gặt được, người ta cấy thứ thóc ấy để ăn tạm trước khi có thóc mùa.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Văn Ái » Phỗng đá