25/04/2024 17:15Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Chân nương mộ
真娘墓

Tác giả: Bạch Cư Dị - 白居易

Thể thơ: Cổ phong (cổ thể); Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Trung Đường
Đăng bởi Vanachi vào 04/10/2008 00:12

 

Nguyên tác

真娘墓,虎丘道。
不識真娘鏡中面,
唯見真娘墓頭草。
霜摧桃李風折蓮,
真娘死時猶少年。
脂膚荑手不牢固,
世間尤物難留連。
難留連,易銷歇。
塞北花,江南雪。

Phiên âm

Chân nương mộ, Hổ Khâu đạo.
Bất thức Chân nương kính trung diện,
Duy kiến Chân nương mộ đầu thảo.
Sương tồi đào lý phong chiết liên,
Chân nương tử thì do thiếu niên.
Chỉ phu di thủ bất lao cố,
Thế gian vưu vật nan lưu liên.
Nan lưu liên, dị tiêu yết.
Tái bắc hoa, Giang Nam tuyết.

Bản dịch của Ngô Văn Phú

Đường Hổ Khâu, mộ Chân nương,
Mặt hoa đâu thấy trên gương nữa mà.
Cỏ trên đầu mộ còn kia,
Sương phong đào mận, gió đùa gãy sen.
Chân nương mất tuổi thiếu niên,
Tay mềm chân yếu lâu bền được chăng?
Bền đâu vật báu trần gian,
Lưu đời hẳn khó mất tan lẽ thường.
Hoa ải bắc, tuyết Giang Nam.
Chân nương tên thật là Hồ Thuỵ Trân 胡瑞珍, là một danh kỹ ở Tô Châu đất Ngô Trung đời Đường. Nàng vốn xuất thân tại kinh đô Trường An, dung mạo kiều diễm, giỏi cầm kỳ thi hoạ. Khi xảy ra loạn An Lộc Sơn, nàng cùng cha mẹ lánh nạn về phương nam, trên đường thất lạc gia nhân rồi lưu lạc đến Tô Châu, rơi vào kỹ viện Đông Vân lâu.

Vì tài mạo song toàn nên tiếng tăm nhanh chóng bay khắp, nhưng nàng chỉ bán nghề, không bán thân. Thời đó ở thành Tô Châu có một công tử phú gia tên Vương Âm Tường 王蔭祥, nhân phẩm đoan chính, lại là người có nghĩa khí, muốn lấy nàng làm vợ. Tuy nhiên, Chân nương vốn đã có hôn ước do cha mẹ định từ nhỏ nên phải cự tuyệt. Vương Âm Tường không thôi, bỏ nhiều tiền mua chuộc tú bà và trú lại phía ngoài nơi ở của nàng. Chân nương biết khó thoái thác, nên đã tự tận để giữ trinh tiết.

Vương Âm Tường sau khi biết chuyện đau khổ và hối hận khôn cùng, mai táng cho nàng tại Hổ Khâu rồi đem của cải xây dựng nơi này thành một danh thắng, khắc bia và trồng hoa trồng cây khắp nơi mộ, người đời gọi nơi này là Mộ hoa (Hoa trủng). Chàng còn thề suốt đời sẽ không lấy vợ. Các văn nhân nhã sĩ đời sau khi qua đây đều thương hoa tiếc ngọc, đề thơ lên mộ rất nhiều. Mộ nay vẫn còn tại tây Hổ Khâu, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô.

Người Trung Quốc còn có truyền thuyết rằng hoa nhài trước đây vốn không có hương vị. Chân nương sau khi chết, hồn phách đã bám vào cây hoa nhài nên mới mang hương vị như vậy. Vì thế hoa nhài còn có tên là "hương phách", trà hoa nhài còn còn được gọi là "hương phách trà".

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Bạch Cư Dị » Chân nương mộ