19/04/2024 14:03Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ngọc đới sinh ca
玉帶生歌

Tác giả: Chu Di Tôn - 朱彝尊

Thể thơ: Cổ phong (cổ thể); Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thanh
Đăng bởi tôn tiền tử vào 04/04/2019 23:44

 

Nguyên tác

玉帶生,吾語汝:
汝產自端州,
汝來自橫浦。
幸免事降表僉名謝道清。
亦不識大都承旨趙孟頫。
能令信公喜,
辟汝置幕府。
當年文墨賓,
代汝一一數:
參軍誰?謝皋羽。
寮佐誰?鄧中甫。
弟子誰?王炎午。
獨汝形軀短小,
風貌朴古。
步不能趨,
口不能語。
既無鴝之鵒之活眼睛,
兼少犀紋彪紋好眉嫵。
賴有忠信存,
波濤孰敢侮?
是時丞相氣尚豪,
可憐一舟之外無尺土。
共汝草檄飛書意良苦。
四十四字銘厥背,
愛汝心堅剛不吐。
自從轉戰屢喪師,
天之所壞不可支。
驚心柴市日,
慷慨且誦臨終詩,
疾風蓬勃揚沙時。
傳有十義士,
表以石塔藏公屍。
生也亡命何所之?
或云西臺上,
晞發一叟涕漣洏。
手擊竹如意,
生時亦相隨。
冬青成陰陵骨朽,
百年蹤跡人莫知。
會稽張思廉,
逢生賦長句。
抱遺老人閣筆看,
七客寮中敢㕭怒?
吾今遇汝滄浪亭,
漆匣初開紫衣露。
海桑陵谷又經三百秋,
以手摩挲尚如故。
洗汝池上之寒泉,
漂汝林端之霏霧。
俾汝留傳天地間,
墨花恣灑鵝毛素。

Phiên âm

Ngọc đới sinh, ngô ngữ nhữ:
Nhữ sản tự Đoan Châu[1],
Nhữ lai tự Hoành Phố[2].
Hạnh miễn sự hàng biểu thiêm danh Tạ Đao Thanh[3],
Diệc bất thức Đại Đô[4] thừa chỉ Triệu Mạnh Phủ[5].
Năng linh Tín Công[6] hỷ,
Tịch nhữ trí mạc phủ.
Đương niên văn mặc tân,
Đại nhữ nhất nhất sổ.
Tham quân thuỳ? Tạ Cao Vũ[7].
Liêu tá[8] thuỳ? Đặng Trung Phủ[9].
Đệ tử thuỳ? Vương Viêm Ngọ[10].
Độc nhữ hình khu đoản tiểu,
Phong mạo phác cổ.
Bộ bất năng xu,
Khẩu bất năng ngữ.
Ký vô cù chi dục chi hoạt nhãn tình,
Kiên thiểu tê văn bưu văn[11] hảo mi vũ.
Lại hữu trung tín tồn,
Ba đào thục cảm vũ[12]?
Thị thời thừa tướng khí thượng hào,
Khả liên nhất chu chi ngoại vô xích thổ[13].
Cộng nhữ thảo hịch phi thư ý lương khổ.
Tứ thập tứ tự[14] minh quyết bối,
Ái nhữ tâm kiên cương bất thổ[15].
Tự tòng chuyển chiến lũ táng sư,
Thiên chi[16] sở hoại bất khả chi.
Kinh tâm Sài Thị[17] nhật,
Khảng khái tự tụng lâm chung thi,
Tật phong bồng bột dương sa thì[18].
Truyền hữu thập nghĩa sĩ[19],
Biểu dĩ thạch tháp tàng công thi.
Sinh dã vong mệnh hà sở chi?
Hoặc vân Tây Đài[20] thượng,
Hy Phát[21] nhất tẩu thế liên nhi.
Thủ kích trúc như ý[22],
Sinh thời diệc tương tuỳ.
Đông thanh[23] thành âm lăng cốt hủ,
Bách niên tung tích nhân mạc tri.
Cối Kê Trương Tư Liêm[24],
Phùng Sinh phú trường cú.
Bão Di[25] lão nhân các bút khan,
Thất khách liêu[26] trung cảm áo nộ.
Ngộ kim ngộ nhữ Thương Lang[27] đình,
Tất hạp sơ khai tử y lộ.
Hải tang lăng cốc[28] hựu kinh tam bách dư thu[29],
Dĩ thủ ma sa thượng như cố.
Tẩy nhữ trì thượng chi hàn tuyền,
Phiếu nhữ lâm đoan chi phi vụ[30].
Tỷ nhữ lưu truyền thiên địa gian,
Mặc hoa tứ sái nga mao tố.

Dịch nghĩa

Ngọc đới sinh, ngươi nghe ta nói:
Người sinh ra từ Đoan Châu
Rồi lại từ Hoành Phố đến
May không dính vào việc biểu hàng do Tạ Đạo Thanh ký tên
Cũng không biết thừa chỉ Triệu Mạnh Phủ ở Đại Đô
Việc này khiến Tín Công
Rất mừng mời ngươi vào mạc phủ
Khách bút mực năm đó,
Ta thay ngươi kể:
Tham quân là ai? Tạ Cao Vũ
Quan giúp việc là ai? Đặng Trung Phủ
Học trò là ai? Vương Viêm Ngọ
Riêng ngươi thân hình ngắn ngủi
Dáng vẻ cổ lỗ
Đi không được
Nói không nên
Đã không có mắt nhanh nhẩu như chim cù dục
Lại không có đôi mày đẹp vằn hổ vằn tê
May nhờ có lòng trung tín còn lại
Gặp sóng gió không gì dám phạm
Bấy giờ chí khí thừa tướng còn cao ngất
Thương thay một con thuyền không còn một tấc đất
Cùng ngươi thảo hịch truyền thư bao gian khổ
Khắc đàng sau bốn mươi tư chữ
Yêu ngươi vững lòng gặp cứng không nhả
Từ khi đánh nhau chuyển sang luôn thua
Trời đã làm mất tránh không nổi
Lòng kinh sợ ngày Sài Thị
Khảng khái đọc thơ lúc lâm chung
Ngày đó cát bay gió nổi
Truyền lại có mười nghĩa sĩ
Đêm giấu thi thể người vào tháp đá để tỏ lòng
Sinh cũng trốn chạy về nơi đâu?
Hoặc bảo ở trên Tây Đài
Ông già Hy Phát tuôn mãi lệ
Tay gõ như ý bằng trúc
Sinh bấy giờ cũng theo ông
Cây đông thanh trồng thành lăng mộ xương nay đã mục
Trăm năm dấu vết chẳng ai hay
Trương Tư Liêm ở Cối Kê
Gặp Sinh làm bài phú dài
Ông già Bão Di gác bút xem
Trong thất khách liêu chẳng dám nói to
Ta nay gặp ngươi ở đình Thương Lang
Hợp sơn vừa mới lộ áo đỏ
Bể dâu gò động lại ba trăm năm
Đưa tay vuốt nhẹ vẫn như xưa
Đem rửa ngươi ở suối lạnh trong ao
Phơi ngươi giữa nơi mù giăng trong cây rừng
Để ngươi còn mãi trong trời đất
Để hoa mực lại tha hồ vảy lên lụa trắng

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Ngọc đới sinh, ngươi nghe cho rõ:
Từ Đoan Châu Hoành Phố đến đây
Biểu hàng thoát viết cũng may
Đạo Thanh họ Tạ ký tay hàng thù
Triệu Mạnh Phủ Đại Đô chẳng biết
Khiến Tín Công thấy rất vui lòng
Đón về mạc phủ đàng hoàng
Thay ngươi năm đó kể hàng mực văn
Tạ Cao Vũ tham quân thừa tướng
Trung Phủ tên họ Đặng giúp cùng
Vương Viêm Ngọ “Học trò làng”
Riêng ngươi ngắn nhỏ hình dung cổ kỳ
Lại còn thêm bước đi chẳng được
Nói cũng không một mực lặng thinh
Đã không cù dục mắt tinh
Không văn tê hổ không xinh xẻo mày
Nhờ trung tín lòng này nguyên vẹn
Gặp ba đào ai dám phạm vào
Khí Thừa tướng bấy còn cao
Ngoài thuyền không tấc đất nào thương thay
Đã cùng ngươi chung tay thư thảo
Truyền hịch thư gian khổ biết bao
Bốn tư chữ khắc đàng sau
Yêu ngươi lòng dạ chẳng nao núng nào
Từ chuyển chiến xẩy nhiều thất bại
Phá bởi trời chống lại làm sao
Cái ngày Sài Thị lòng đau
Lâm chung vẫn đọc câu thơ cuối cùng
Cát ngày đó bốc tung gió nổi
Bậc nghĩa trung nghe nói có mười
Tháp đá đem giấu xác người
Sinh bấy lận đận theo đời lắt hay
Có người nói trên Tây Đài đó
Hy Phát già lệ nhỏ chứa chan
Gõ trúc như ý khóc than
Bấy giờ Sinh cũng nương thân bên già
Cây đông thanh lăng mồ xương mục
Dấu trăm năm bỏ mặc ai hay
Trương Tư Liêm Cối Kê này
Gặp Sinh cũng viết bài dài phú ngâm
Bão Di lão khi xem gác bút
“Thất khách liêu” nói quát cũng không
Thương Lang nay lại tương phùng
Nắp sơn mới mở áo hồng lộ mau
Ba trăm năm bể dâu gò động
Tay vuốt ve vẫn giống như xưa
Rửa ngươi suối lạnh ao nhà
Rừng cây nơi giữa sương mù phơi ngươi
Để ngươi vẫn trong trời đất mãi
Hoa mực trên lụa vẩy tha hồ
Lời dẫn: “Ngọc đới sinh, cái nghiên, là di vật của Văn Tín quốc công, ta thấy ở Ngô Hạ, sau khi sờ vào chữ khắc rồi đem rửa ngoài ao, nên làm bài ca này”.

Bài ca làm vào năm Khang Hy thứ 44.

[1] Nay là Cao Yêu, Quảng Đông. Đông nam châu có Đoan Khê, sản xuất nghiên đá, đời gọi là Nghiên Đoan.
[2] Tên cửa quan, nay ở tây bắc Hùng Nam, Quảng Đông, là giao giới xung yếu giữa Quảng Đông và Giang Tây.
[3] Hoàng hậu của Tống Lý Tôn, thời Cung đế là thái hoàng thái hậu. Năm Đức Hựu thứ 2, quân Nguyên tấn công Lâm An, bà ký tên vào biểu hàng.
[4] Kinh đô triều Nguyên, dấu cũ là thành Bắc Kinh.
[5] Tự Tử Ngang, hiệu Tùng Tuyết đạo nhân, nhà thư hoạ nổi tiếng. Sau khi Tống mất, làm quan nhà Nguyên với tư cách là hậu duệ nhà Tống, quan đến Hàn lâm viện học sĩ thừa chỉ, bị người đời sau chê bai.
[6] Thời Tống Đoan Tông, Văn Thiên Tường làm hữu thừa tướng, phong Tín quốc công.
[7] Tạ Cao, tự Cao Vũ, từng làm tham quân tư nghị cho Văn Thiên Tường. Sau khi Tống mất, tiếp tục chống Nguyên.
[8] Quan lại dưới quyền.
[9] Tên là Diễm, tự Trung Phủ, người Lư Lăng (nay là Cát An, Giang Tây), đỗ tiến sĩ cuối đời Tống, từng giúp Văn Thiên Tường trù hoạch việc quân. Tống mất, nhảy xuống biển không chết, bị giải lên bắc cùng Văn Thiên Tường, vì ốm được tha.
[10] Tự Đỉnh Ông, người huyện An Phúc (nay thuộc Giang Tây). Cuối đời Tống, là thái học sinh. Khi Văn Thiên Tường bị bắt đến Lư Lăng, ông làm văn tế sống, tự xưng là “Lý học sinh” (học sinh làng).
[11] Hai loại hoa van trên viền nghiên đá.
[12] Khổng Tử gia ngữ: Khổng Tử từ Vệ về Lỗ, thấy một dòng sông lớn nước chảy xiết, kể cả cá và ba ba cũng khó mà qua được, nhưng lại có một chàng trai qua được sông. Khổng Tử hỏi chàng trai có bí quyết gì? Chàng trai đáp: khi tôi vượt sông mang theo tấm lòng trung tín, cho nên có thể nhảy xuống sông lại vượt qua được. Ở đây chỉ Văn Thiên Tường đi sứ Nguyên bị bắt, khi trốn về qua biển Linh Đinh gặp gió to nhưng thuyền không chìm.
[13] Chỉ hoàng đế cuối cùng Nam Tống bị quân Nguyên từ Nhai Sơn ép xuống thuyền trên biển.
[14] Văn Thiên Tường có bốn mươi tư chữ Ngọc đới sinh minh, lời văn như sau: “Tử chi y hề miên miên, ngọc chi đái hề lân lân, trung chi tàng hề uyên uyên, ngoại chi trạch hề nhật tuyên. Ư hồ! Ma nhĩ tâm chi kiên hề, thọ ngô văn chi truyền hề. Lư Lăng Văn Thiên Tường tạo.” (Màu áo tía bền lâu, đai ngọc trong long lanh, điều chứa đựng sâu thẳm, ơn đối với bên ngoài ngày một rộng. Nơi đây! Mài tấm lòng ngươi sao mà rắn chắc, để giữ văn của ta truyền được lâu dài. Văn Thiên Tường Lư Lăng khắc.)
[15] Chữ từ Kinh thi - Chủng dân: “Nhu giã bất như, cương giã bất thổ” (Gặp cái mềm cũng không ăn không nuốt, gặp cái cứng cũng không nhả ra). Ý là không hiếp đáp người yếu đuối, không sợ cường quyền.
[16] Chữ từ Quốc ngữ - Chu ngữ, dẫn thơ Chu: “Thiên chi sở chi, bất khả hoại giã; kỳ sở hoại, diệc bất khả chi giã” (Trời giúp, không thể làm mất được; trời mà làm mất, thì cũng không thể giữ được). Ý là Nam Tống mất là ý trời, người không thể nào chống lại được.
[17] Tên đường cũ ở Bắc Kinh. Năm Chí Nguyên thứ 19 nhà Nguyên, Văn Thiên Tường tựu nghĩa ở đây. Hai câu này thuật lại cảnh Văn Thiên Tường tựu nghĩa, bấy giờ có hàng vạn người xem, Văn Thiên Tường hỏi đâu là Phương Nam, có người nói cho ông biết, ông liền quay về nam lậy hai lậy, viết một bài thơ thất luật lúc lâm chung.
[18] Văn Tín Công truyện của Triệu Bật và Thừa tướng truyện của Hồ Quảng có ghi về ngày Văn Thiên Tường tựu nghĩa: “Cát bay gió nổi, ban ngày trời đất tối sầm”.
[19] Sau khi Văn Thiên Tường tuẫn nạn, có mười nghĩa sĩ thu thi hài, chôn ở bên đường ngoài thành năm dặm, và dựng tháp đá làm dấu.
[20] Nay ở trên núi Phú Xuân, Đồng Lư, Chiết Giang. Văn Thiên Tường sau khi tuẫn nạn, mấy người Tạ Cao đặt lễ tế ở Tây Đài, và có làm bài Đăng Tây Đài đỗng khốc ký.
[21] Tạ Cao có hiệu là Hy Phát tử.
[22] Nguyên là vật dùng để gãi lưng, sau dần đổi thành vật ngắm chơi. Trong Đăng Tây Đài đỗng khốc ký của Tạ Cao có câu: “Cầm như ý bằng tre, gõ vào nghiên đá hát Sở ca”. Hai câu này chứng tỏ sau khi Văn Thiên Tường mất, ngọc đới sinh do Tạ Cao giữ.
[23] Đầu đời Nguyên, phần mộ của các vua Nam Tống đều bị phủ quan ở Thiệu Hưng phát quật, hài cốt phần nhiều bị vứt trên cỏ. Nhóm Lâm Cảnh Hy thu nhặt xương tàn, đựng vào hộp chôn ở núi Lan Đình, Cối Kê, trồng cây đông thanh lên trên làm dấu.
[24] Trương Hiến, tự Tư Liêm, người Sơn Âm, cuối đời Nguyên từng làm Ngọc đới sinh ca.
[25] Dương Hùng Trinh, tự Liêm Phú, hiệu Bão Di lão nhân, người Chư Ký, Chiết Giang, nhà thư pháp, nhà thơ đời Nguyên.
[26] Dương Hùng Trinh từng có nghiên ngọc đới của Văn Thiên Tường và cây đàn cổ của Giả Tự Đạo, gồm sáu loại cổ vật để riêng ra một nhà, tự ông ở trong đó, gọi là “Thất khách giả chi liêu”.
[27] Vườn nổi tiếng ở Tô Châu, Giang Tô.
[28] Biển biến thành bãi dâu, gò đống biến thành hang động.
[29] Từ Dương Hùng Trinh cuối đời Nguyên đến khi tác giả làm bài thơ này ước đã ba trăm năm.
[30] Khí mây mù. Hai câu này ý là dùng nước trong của ao và mây mù trong rừng để rửa và phơi nghiên, nhằm tôn chất thanh cao của nghiên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Chu Di Tôn » Ngọc đới sinh ca