25/04/2024 05:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Chính tại thuận dân tâm
政在順民心

Tác giả: Cao Bá Quát - 高伯适

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 02/04/2014 21:37

 

Nguyên tác

立政皇猷煥,
同民帝治欽。
懸書三代政,
潔矩一人心。
箕畢情兼好,
雲霓思倍深。
遊方歌夏諺,
望歲慰商霖。
棠蔭思仁化,
蕓生仰德音。
寬仁湯祝網,
解阜舜操琴。
鑑古嚴從己,
鋤奸絕孔壬。
如春欣世泰,
函夏頌君臨。

Phiên âm

Lập chính hoàng du hoán,
Đồng dân đế trị khâm.
Huyền thư[1] tam đại chính,
Khiết củ nhất nhân[2] tâm.
Cơ Tất[3] tình kiêm hảo,
Vân nghê[4] tứ bội thâm.
Du phương ca Hạ ngạn[5],
Vọng tuế[6] uý Thương lâm[7].
Đường ấm[8] tư nhân hoá,
Vân sinh[9] ngưỡng đức âm.
Khoan nhân Thang chúc võng[10],
Giải phụ[11] Thuấn thao cầm.
Giám cổ nghiêm tòng kỷ,
Sừ gian tuyệt khổng nhâm[12].
Như xuân hân thế thái,
Hàm hạ[13] tụng quân lâm[14].

Bản dịch của Đỗ Quang Liên

Sáng ngời kế sách trị nước
Đế vương thu phục chúng dân
Tam đại, tiếp treo văn bản
Thiên tử chấn chỉnh nhân tâm
Đông tây tâm tình đều tốt
Nặng trông mây với cầu vồng
Du hành đã vào ngạn ngữ
Mùa tốt nhờ được mưa dầm
Giáo hoá đầy tình nhân ái
Toàn dân ngưỡng mộ đức ân
Vua Thang khoan nhân khấn lưới
Vua Thuấn ưu ái tiếng cầm
Gương xưa, tự mình nghiêm khắc
Trừ gian, diệt hết nịnh thần
Như xuân, vui đời thịnh trị
Nước mừng vua đến với dân
[1] Treo văn bản, một cách công bố pháp lệnh ở nơi công sở để mọi người đến xem.
[2] Kinh thư (Thái giáp hạ): "Nhất nhân nguyên lương, vạn bang dĩ trinh" (Một người hoàn hảo, muôn nước được yên vui). Một người ở đây ý chỉ thiên tử, muôn nước tức các nước chư hầu.
[3] Tên hai ao trong nhị thập bát tú, chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm bảy ngôi trong ở bốn khu vực đông tây nam bắc của bầu trời. Sao Cơ thuộc phương đông, sao Tất thuộc phương tây.
[4] Mây được coi thuộc dương, cầu vồng thuộc âm, âm dương hoà hợp tạo thành mưa. Ở đây ý nói tâm tư của dân và cũng là của vua.
[5] Tức ngạn ngữ đời nhà Hạ (2205 tr.CN - 1766 tr.CN). Sách "Mạnh tử" (Lương Huệ Vương hạ): "Hạ ngạn vân: Ngô vương bất du, ngô hà dĩ hưu" (Ngạn ngữ nhà Hạ nói: vua ta không du hành, ta sao được hạnh phúc).
[6] Mong đợi mùa màng tốt. "Tả truyện": "Quốc nhân vọng quân như vọng tuế" (Người trong nước mong vua như mong năm được mùa).
[7] "Kinh thư" chép lời vua Cao Tông (Vũ Đinh) nhà Thương Ân nói với Phó Duyệt là vị tể tướng mới được chọn: "Nhược tuế đại hạn, dụng nhữ tác lâm vũ" (Nếu năm gặp đại hạn, dùng người làm ra mưa dầm).
[8] Bóng mát của cây cam đường. Bài "Cam đường" trong "Kinh thi" tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn của dân chúng với Thiệu bá, người được Chu Văn Vương phái tới giáo hoá phương nam (bảo vệ cây cam đường, không phải chặt phá vì Thiệu Bá từng dừng lại, ngừng nghỉ dưới bóng tán lá cây này).
[9] Có thể do chữ "thương sinh" 蒼生 viết nhầm. "Thương sinh" là chữ từ thiên "Ích tắc" trong "Kinh thi": "Đế quang thiên hạ, chí hải ngung thương sinh" (Đức của vua sáng khắp thiên hạ, đến cả người sống trong nơi rậm rạp).
[10] Vua Thang khấn lưới. Theo "Sử ký", vua Thang ra đồng nội, thấy có người căng lưới bốn mặt và khấn "từ bốn phương đất trời hãy lọt vào lưới của ta". Vua nói "Ôi, thế thì mất hết", bèn bỏ ba mặt, chỉ trừ một mặt và khấn "Dục tả, tả. Dục hữu, hữu. Bất dụng mệnh, nãi nhập ngô võng." (Muốn sáng trái hãy cứ sang trái. Muốn sang phải hãy cứ sang phải. Muốn bỏ mạng, hãy vào lưới ta.) Chư hầu biết chuyện khen: "Đức vua Thang thật lớn, đến cả chim muông".
[11] Giải bực dọc, tăng tài sản. Chữ trong bài "Nam hong" tương truyền là của vua Thuấn: "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. Nam phong chi thì hề, khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề." (Gió nam ấm áp chừ, có thể giải nỗi bực dọc của dân ta. Gió nam đúng thời chừ, có thể tăng của cải dân ta.)
[12] Đại gian nịnh, chữ trong "Kinh thư": "Hà uý hồ sảo ngôn lệnh sắc, khổng nhâm" (Sợ gì bọn khéo nói, có sắc đẹp, đại gian nịnh).
[13] Cả nước. "Tấn thư": "Quần lê hân đới, Hàm hạ đồng khương" (Dân chúng vui mừng cảm động, Cả nước đều phồn vinh).
[14] Vua đến với dân. Chữ trong "Tả truyện" ca ngợi cung vương nước Sở: "Hách hách Sở quốc chi quân lâm chi" (Nước Sở cường thịnh, vua đến với dân).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Cao Bá Quát » Chính tại thuận dân tâm