19/04/2024 22:29Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Kính vãn Phan đình nguyên

Tác giả: Phan Trọng Mưu - 潘仲謀

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 04/09/2020 22:09

 

Phiên âm

Thánh triều tam thập khôi đa sĩ[1],
Nghĩa tích danh cao chí ngũ nhân[2].
Ư ngũ nhân trung công độc quán,
Tứ chân bất quý Tống Văn thần[3].

Dịch nghĩa

Triều Nguyễn có ba mươi người đậu đình nguyên,
Trong những người này, nổi tiếng nghĩa sĩ có năm vị.
Trong năm vị ấy, ông trội hơn hết,
Thật quả ông không thẹn với tiếng “Tứ chân” của Văn thần nhà Tống.

Bản dịch của Lê Thước

Triều Nguyễn, đình nguyên ba chục người,
Danh cao nghĩa liệt chỉ năm thôi.
Trong năm người ấy, ông hơn cả,
Cùng Tông Văn thần khá sánh đôi.
[1] Kể từ khoa thi hội đầu tiên của nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 3 (1821), đến khoa thứ ba mươi, năm Thành Thái thứ 4 (1892) là năm tác giả chép Bài ngoại liệt truyện.
[2] Tác giả muốn chỉ Phan Đình Phùng và bốn vị đình nguyên khác cùng chết vì việc nước là:
- Mai Anh Tuấn, người huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, đậu đình nguyên năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), làm án sát Lạng Sơn, đi dẹp loạn bị giết chết.
- Nguyễn Khắc Cần tức Nguyễn Lê, người huyện Quốc Oai, Hà Tây, đi quân thứ Lạng Bằng (Lạng Sơn, Cao Bằng) bị giết.
- Nguyễn Quang Bích, người Thái Bình, cầm đẩu nghĩa quân Cần Vương chống Pháp ở vùng Tây Bắc, chết trong quân năm 1889.
- Đỗ Huy Liệu, người Nam Định, bị giặc bắt giam, được tha về và bị quản thúc, ông tự sát.
[3] Văn Thiên Tường đời Tống bên Trung Quốc được người đương thời gọi là “Tứ chân”: chân trạng nguyên, chân hiếu tử, chân tể tướng, chân trung thần. Phan Đình Phùng được xem là: chân thái thú (tri phủ), chân gián đài (ngự sử), chân tiến sĩ (đình nguyên tiến sĩ) và chân trung thần (lãnh tụ Cần Vương giúp vua cứu nước).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Trọng Mưu » Kính vãn Phan đình nguyên