26/04/2024 12:45Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ngụ Dinh Cầu muộn thuật
寓營梂悶述

Tác giả: Ngô Thì Nhậm - 吳時任

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Tây Sơn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 04/06/2020 08:53

 

Nguyên tác

雪擁藍關馬不前,
昔人曾此恨遷延。
柳楊景況他鄉地,
枌梓情懷故國天。
屈指海門三十六,
抬頭嶺嶠萬餘千。
夢殘玄鶴迷還醒,
浮世風蛇尚百年。

Phiên âm

Tuyết ủng Lam quan[1] mã bất tiền,
Tích nhân tăng thử hận thiên diên.
Liễu dương[2] cảnh huống tha hương địa,
Phần tử[3] tình hoài cố quốc thiên.
Khuất chỉ hải môn tam thập lục,
Đài đầu lĩnh kiệu vạn dư thiên.
Mộng tàn huyền hạc[4] mê hoàn tỉnh,
Phù thế phong xà[5] thượng bách niên.

Dịch nghĩa

Tuyết phủ kín ải Lam, ngựa không tiến lên được,
Người xưa từng hận phải dùng dằng như vậy.
Ở nơi tha hương, vốn là tình cảnh liễu dương,
Trời cố quốc, là nỗi lòng phần tử.
Bấm đốt ngón tay, đã qua ba mươi sáu cửa biển,
Ngẩng đầu thấy muôn ngàn núi non.
Giấc mơ huyền hạc đã tan, mê rồi lại tỉnh,
Kiếp phù thế như con trăn gió, mà còn được trăm năm.

Bản dịch của Đào Phương Bình

Tuyết phủ Lam quan ngựa mỏi chân,
Dùng dằng từng để hận tiền nhân.
Tha hương cảnh huống nhìn dương liễu,
Cố quốc tâm tư đoái tử phần.
Khơi lộng tính ra băm sáu cửa,
Núi non ngước thấy vạn hơn lần.
Chiêm bao huyền hạc mê rồi tỉnh,
Thấm thoắt trăm năm với cõi trần.
Dinh Cầu thuộc đất Hà Trung, phía bắc sông Gianh, nay thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

[1] Cửa ải Lam Điền ở Thiểm Tây, Trung Quốc. Thơ Hàn Dũ đời Đường có câu “Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại? Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền” (Mây vắt ngang núi Tần, biết nhà ở đâu? Tuyết đọng ải Lam, ngựa không tiến được). Mở đầu bài thơ này dùng trọn vẹn câu thơ Hàn Dũ.
[2] Kinh thi có câu “Tích ngã vãng hĩ, Dương liễu y y” (Trước đây ta ra đi, Dương liễu xanh rườm rà). Ở đây mượn để chỉ quê hương.
[3] Loại cây hay trồng ở làng quê xưa, sau mượn để chỉ nơi quê hương.
[4] Chim hạc sống lâu năm trở thành màu đen. Đạo giáo nhận chim hạc là vật tiên. Ở đây chỉ giấc mơ lên cõi tiên.
[5] Đây mượn để nói cõi phù thế thấm thoắt chẳng được là bao.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Thì Nhậm » Ngụ Dinh Cầu muộn thuật