07/05/2024 22:42Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hành Dương dữ Mộng Đắc phân lộ tặng biệt
衡陽與夢得分路贈別

Tác giả: Liễu Tông Nguyên - 柳宗元

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Trung Đường
Đăng bởi Vanachi vào 02/07/2005 00:09

 

Nguyên tác

十年憔悴到秦京,
誰料翻為嶺外行。
伏波故道風煙在,
翁仲遺墟草樹平。
直以慵疏招物議,
休將文字占時名。
今朝不用臨河別,
垂淚千行便濯纓。

Phiên âm

Thập niên tiều tuỵ đáo Tần kinh[1],
Thuỳ liệu phiên vi lĩnh ngoại hành.
Phục Ba[2] cố đạo phong yên tại,
Ông Trọng[3] di khư thảo thụ bình.
Trực dĩ dung sơ chiêu vật nghị,
Hưu tương văn tự chiếm thì danh.
Kim triêu bất dụng lâm hà biệt,
Thuỳ lệ thiên hàng tiện trạc anh[4].

Dịch nghĩa

Mười năm tiều tuỵ mới trở về được kinh đô nhà Tần,
Ngờ đâu lại phải đi ra vùng phiên ngoại Ngũ Lĩnh.
Đường cũ Phục Ba đã đi qua gió khói vẫn còn đó,
Di tích của Lý Ông Trọng ngày xưa nay cỏ cây bằng phẳng.
Chỉ vì tính tình xuề xoà nên chuốc lấy những lời dị nghị,
Thôi đừng dùng chữ nghĩa chiếm lấy danh tiếng một thời nữa.
Sáng nay chẳng cần đến bến sông từ biệt nhau,
Ngàn hàng nước mắt rơi tiện cho việc giặt giải mũ.

Bản dịch của Lý Tứ

Mười năm tiều tụy mới về kinh
Ngũ Lĩnh ngờ đâu phải khởi trình
Nẻo cũ Phục Ba mây gió lộng
Chốn xưa Ông Trọng cỏ cây lành
Bị dèm bởi tính ưa dung dị
Chớ nghĩ dùng văn lập đại danh
Bên bến sáng nay đừng tiễn biệt
Lệ rơi giặt mũ bãi sông xanh
Mộng Đắc là tên tự của Lưu Vũ Tích. Năm 805, đang làm quan tại triếu, tác giả cùng Mộng Đắc bị biếm đi xa. Mười năm sau được gọi về kinh, rồi lại bị biếm đi xa hơn, tác giả đi Liễu Châu (Quảng Tây) còn Mộng Đắc đi Liên Châu (Tứ Xuyên). Hai ông cùng đi ngựa tới Hành Dương thì tác giả chia tay đặng xuống thuyền đi tiếp.

[1] Sau khi thất bại vì những biện pháp cải cách về chính trị, kinh tế, và quân sự của mình bị phản đối kịch liệt, Liễu Tông Nguyên và một số bè bạn trong nhóm cải cách của ông, trong đó có Lưu Vũ Tích, bị Đường Thuận Tông biếm đi làm quan ở xa. Liễu bị biếm đi Vĩnh Châu, thuộc Hồ Nam ngày naỵ Ông ở đây mười năm rồi bất thần được triệu về kinh cùng một lúc với Lưu Vũ Tích. Trong lúc ở kinh, Lưu Vũ Tích có lần đi ngắm hoa đào ở Huyền Đô quán rồi làm bài tứ tuyệt Đề Huyền Đô quán, mỉa mai quyền thần trong triều, khiến Đường Hiến Tông nổi giận. Liễu cũng có phần can gián Hiến Tông trong vụ án này nên có lẽ vì vậy mà cũng bị biếm đi cùng một lúc với Lưu thêm một lần nữa. Liễu bị biếm đi Liễu Châu, Quảng Tây, Lưu phải đi Liên Châu, Tứ Xuyên. (Ấy vậy mà Lưu cũng chẳng hề khuất phục, mười lăm năm sau về lại kinh đô, ông lại có bài Tái du Huyền Đô quán, lời lẽ chẳng kém năm xưa). Hai ông ngồi thuyền xuống Hành Dương, thuộc Hồ Nam ngày nay, rồi chia tay ở đây.
[2] Phục Ba có thể là Lộ Bác Đức (Tiền Hán) hoặc Mã Viện (Hậu Hán).
[3] Lý Ông Trọng là người nước Nam ta đầu quân nhà Tần chống Hung Nô. Tương truyền ông là một vị tướng rất dũng mãnh, thiện chiến, quân Hung Nô rất sợ ông. Khi ông chết, Tần Thuỷ Hoàng cho đúc tượng ông đặt trước quan ải để cảnh cáo Hung Nô. Chữ “khư” trong câu này có thể là cái gò, cũng có thể là di tích của một thành luỹ, hay một công trình xây dựng nào đó.
[4] Trạc anh là giặt giải mũ. Từ câu “Thương Lương chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh; Thương Lương chi thuỷ trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc” - nước sông Thương Lương mà trong xanh thì ta giặt giải mũ ta, nước sông Thương Lương mà bẩn đục thì ta rửa chân ta. “Trạc anh trạc túc” trở thành thành ngữ với nghĩa được người quý trọng hay khinh rẻ đều do nơi mình.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Liễu Tông Nguyên » Hành Dương dữ Mộng Đắc phân lộ tặng biệt