23/04/2024 21:57Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đệ lục cảnh - Cao các sinh lương
第六景-高閣生涼

Tác giả: Thiệu Trị hoàng đế - 紹治皇帝

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi YensidTim vào 07/11/2020 08:21

 

Nguyên tác

蓬洲高閣矗雲霾,
無限湖山眾妙該。
翠浥䈏𥭠時雨過,
芳聞荷芰惠風來。
輕敲細練浮紋綺,
乍點新痕滑綠苔。
時若足徵光景好,
年豐海靜吉祥開。

Phiên âm

Bồng Châu[1] cao các súc vân mai,
Vô hạn hồ sơn chúng diệu cai.
Thuý ấp phúc ngô thời vũ quá,
Phương văn hà kỵ huệ phong lai.
Khinh xao tế luyện phù văn khỉ,
Tác điểm tân ngân hoạt lục đài.
Thời nhược túc trưng quang cảnh hảo,
Niên phong hải tĩnh cát tường khai.

Dịch nghĩa

Gác cao ở Bồng Châu đâm thẳng lên mây,
Ở đây rất nhiều núi và hồ, tất cả đều đẹp đẽ.
Tre xanh thấm ướt lúc trải qua trận mưa đêm,
Sen ẩu truyền hương mỗi khi gió thoảng đến.
Gió lướt qua trên mặt hồ làm gợn sóng lăn tăn,
Nắng điểm nhẹ trên mặt rêu tạo nếp lượn mới.
Thời tiết thích hợp đủ tạo nên quang cảnh đẹp,
Năm được mùa cùng bốn bể bình yên đã mở ra điềm lành.

Bản dịch của Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung

Gác ở Bồng Châu vời vợi mây,
Non xanh hồ biếc đẹp xinh thay.
Tre còn đẫm ướt khi mưa xuống,
Sen mãi truyền hương lúc gió lay.
Gió thoảng, lăn tăn hồ gợn sóng,
Nắng xao, óng ả đất rêu bày.
Tiết trời hoà thuận thiên nhiên đẹp,
Bốn bể được mùa, điềm tốt khai.
Lời dẫn: “Doanh Châu[2] Viên Kiệu[3]: Kiệt các sầm lâu, danh vi Hải Tĩnh Niên Phong, đãn vọng thời hoà tuế mĩ, bình hồ phô luyện khả trưng hải bất dương ba, cung thụ hàn thanh dĩ nghiệm hoà kham vọng tuế, bất đãn bồ quỳ thanh sảng di tình, tự hữu sinh lương tĩnh quan thiên địa, văn chương trị thế, thành vi lạc thú.” 瀛洲圓嶠:傑閣岑樓,名為海靜年豐,但望時和歲美,平湖鋪鍊可徵海不揚波,宮樹含青以驗禾堪望歲,不但蒲葵清爽怡情,自有生涼靜觀天地,文章治世,誠為樂趣。(Doanh Châu Viên Kiệu: Gác đẹp lầu cao, tên gọi Hải Tĩnh Niên Phong, vì mong thì hoà tuế mĩ. Mặt nước hồ phẳng lặng tỏ ra biển không dậy sóng, cây trong cung xanh tốt nghiệm là lúa đã được mùa. Không chí quạt bò quỳ làm khoan khoái tươi vui, mà lặng ngắm đất trời đã tự tràn gió mát. Thời bình sáng tác văn chương, cho hay cũng là lạc thú.)

Hải Tĩnh Niên Phong là ngôi gác dựng trên đảo Doanh Châu. “Hải tĩnh” từ thành ngữ “tứ hải an tĩnh” có nghĩa bốn bề lặng sóng, ý nói đất nước thanh bình yên ổn. “Niên phong” có nghĩa là năm được mùa dồi dào. Vậy nên tên gác có hàm nghĩa thanh bình no ấm. Đây là bài thơ vịnh cảnh thứ sáu với quang cảnh trên hồ Nội Kim Thuỷ trong đó gác Hải Tĩnh Niên Phong là chủ thể. Đây là một cái gác cao, xây dựng từ năm 1821 dưới thời Minh Mạng, trên đảo Doanh Châu bên trong Hoàng Thành. Dưới thời các vị vua đầu triều Nguyễn, toàn bộ khu vực phía đông bắc và phía bắc Hoàng Thành, từ vườn Cơ Hạ đến hết hồ Nội Kim Thuỷ, các công trình kiến trúc được xây dựng khá dày đặc và cầu kỳ. Đây chính là khu vực mà các vua Nguyễn thường ra dạo chơi, hóng mát, làm thơ. Để hiểu được phần nào về gác Hải Tĩnh Niên Phong có lẽ người ta cần hình dung được tổng thể kiến trúc của khu vực này.

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ mô tả như sau: Hồ sau tức là hồ Nội Kim Thuỷ, ở mặt sau Hoàng Thành. Cửa sau là cửa Đại Bình, 3 gian 3 cửa, lợp ngói hoàng lưu ly, góc cửa có đeo nhạc (nguyên trước có làm lều chõng ở gian giữa, năm Minh Mạng thứ 20 làm lại đã bỏ đi). Bên trong cửa là cầu Kim Thuỷ 12 nhịp, ở trên làm 7 gian, kiểu hành lang dài, mái lợp ngói ván. Phía đông cầu Nội Kim Thuỷ, ở bờ nam có đình Thất Doanh. Cũng ở phía đông, đoạn góc Tử Cấm Thành, hai bên đều có đình. Đình ở hướng tây có biển ngạch đề Doanh Châu Tại Nhĩ. Về bên bờ bắc có nhà Tư Ấm, phía đông nó có lầu Nhật Thành. Hai công trình này đều xoay về phía bắc. Ở phía nam lầu Nhật Thành có nhà thuỷ tạ Thanh Khả Cư xoay mặt về hướng nam. Ở phía đông lại có hiên Ấm Lục xoay về hướng bắc. Phía nam hiện có hành lang chạy sát mặt nước, gọi là tạ Trừng Tâm. Về phía nam, chỗ chiết góc có Cát Vân đường. Phía đông nam là dinh Quảng Đức xoay về hướng bắc. Ở giữa hồ, ngang với nhà Tư Ấm ở phía nam và đình Thất Doanh, ở phía bắc là lầu Vô Hạn Ý xoay về hướng nam, 3 gian, 2 tầng, mái lợp ngói ván. Thông với nhà Tư Ấm ở phía bắc trước lầu Vô Hạn Ý có chiếc cầu nối bằng gỗ sam, nối liền với đình Thất Doanh. Ở phía đông, đối diện với tạ Trừng Tâm ở phía nam là đảo Doanh Châu. Ở đây có cầu Bình Kiều nối liền nhà Trừng Tâm với đảo. Trên đảo là gác Hải Tĩnh Niên Phong xoay mặt về phía nam, phía trước có cửa phường môn. Ở phía tây đảo, sát mặt nước có tạ Trừng Phương, đối diện với đình Doanh Châu Tại Nhĩ. Phía đông đảo có xưởng Thanh Tước, nơi đậu thuyền của vua. Ngoài ra, ở giữa hồ còn có đảo Trấn Bắc, phía bắc đảo có đình Dịch Hương thờ tượng Chân Võ Đế Quân bằng đồng, ở phía tây đảo có bãi đất gọi là bãi Như Ý. Phía bắc và phía nam cũng có các bãi. Bãi phía nam có hình bát giác, biển đề Bát Phong Tòng Luật. Bãi phía bắc có nhà tạ vuông, biển đề Tu Phong Bình Định.

Tuy nhiên, tất cả những cảnh sắc và kiến trúc hoa lệ được miêu tả ở trên đến nay đã thay đổi rất nhiều. Tại khu vực hồ Nội Kim Thuỷ bây giờ chỉ còn lại các đảo mọc đầy cây cối và cỏ dại cùng một số dấu tích mờ nhạt của nền móng kiến trúc xưa. Ở trên đảo Doanh Châu, người ta cũng rất khó xác định được dấu vết của gác Hải Tĩnh Niên Phong trước đây. Thật may man là vẫn còn bài thơ này để giúp hậu thế hình dung được phần nào về “đệ lục thắng cảnh” của đất thần kinh.

[2] Vốn là tên một ngọn núi thần, sau tên này đặt cho hòn đảo ở hồ Kim Thuỷ phía góc đông bắc trong cửa Hoà Bình của Hoàng Thành. Ở đây xây dựng các đình, đài, miếu, vũ, kiều, đê,... tạo thành các thắng cảnh.
[3] Cũng là tên một ngọn núi thần. Thiên Thang vấn trong sách Liệt tử có chép: “Phía đông biển Bột Hải có vực lớn, bên trong có năm ngọn núi, thứ nhất là Đại Dư, thứ hai là Viên Kiệu, thứ ba là Phương Hồ, thứ năm là Doanh Châu, thứ sáu là Bồng Lai”.
[1] Chỉ Bồng Lai, một đảo tiên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Thiệu Trị hoàng đế » Đệ lục cảnh - Cao các sinh lương