23/04/2024 14:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bài 101

Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm - 阮秉謙

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 04/04/2020 21:47

 

Từ thuở hai dê[1] sinh đặt ra,
Thương ôi tuổi tác kẻ ban già.
Lửa vô tình[2] nọ bừng bừng cháy,
Của bất nhân kia rối rối qua.
Cơm cháo bỗng xui người hoá quý,
Oản xôi dễ khiến bụi nên ma.
Hà Đông có kẻ về Hà Nội[3],
Chỗ nước non thiên ấy thực nhà.
Theo Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập (AB.635).

[1] Đây là một từ ẩn dụ có tính sấm ký, nên có nhiều giải thích khác nhau. Có ý cho rằng “hai dê” là “nhị dương” ám chỉ quẻ Lâm (nhị dương sinh) trong Kinh Dịch, nhưng có vẻ khiên cưỡng. Lại có ý cho rằng “hai dê” chỉ năm Ất Mùi (1535) khi tác giả ra thi thời Mạc Đăng Doanh đỗ trạng nguyên và làm quan. Hoặc “hai dê” là hai năm Mùi, chỉ 12 năm từ năm Ất Mùi (1535) khi tác giả bắt đầu làm quan tới năm Đinh Mùi (1547) khi ông đã nghỉ về quê, nhưng là năm Mạc Phúc Hải vừa chết, Mạc Phúc Nguyên nối ngôi thì tướng Phạm Tử Nghi muốn đưa Mạc Chính Trung lên thay và gây ra cuộc cốt nhục tương tàn, có thể là chuyện khổ tâm mà tác giả muốn ẩn trong bài.
[2] Chỉ việc nội chiến liên miên giữa Mạc và Mạc, Mạc và Trịnh.
[3] Hà Đông, Hà Nội là hai địa danh của Trung Quốc được nhắc tới trong sách Mạnh Tử. Mạnh Tử trả lời Lương Huệ Vương: Nếu Hà Nội mất mùa thì dân rời Hà Nội đến Hà Đông đồng thời chuyển thóc từ Hà Đông đến Hà Nội; nếu Hà Đông mất mùa thì cũng theo cách đó. Không rõ có phải tác giả muốn ám chỉ Mnhaf Mạc ở Hải Đông (Sơn Nam hạ), nơi có Dương Kinh và cũng chính Hải Đông là nơi quê hương của ông.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bỉnh Khiêm » Bài 101