28/04/2024 04:19Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Giao long ca
蛟龍歌

Tác giả: Hà Mộng Quế - 何夢桂

Thể thơ: Cổ phong (cổ thể); Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi tôn tiền tử vào 21/10/2018 06:55

 

Nguyên tác

生物具角齒,
每每與物抗。
蹈阱虎以剛,
觸籓羊以壯。
世間怪物有蛟龍,
三百六十蟲之長。
神靈出噓吸,
變化互來往。
布抓層雲興,
鼓鬐欻電放。
無欲不受劉纍馴,
假形豈被葉公誑。
時飛則飛潛則潛,
所以隨時知得喪。
莫道魚暇性不靈,
相依喣沫豈敢嗔。
江濆鱣鯨久失水,
聞此鼓舞鹹相親。
世無刑醢受,
時非法綱秦。
然匪藉餘蔭,
安能逃世人。
亡象齒與革,
亡猩血與脣。
有身即有患,
誰能無其身。
安得此身化為雲,
隨龍上下雲無心。

Phiên âm

Sinh vật cụ giác xỉ,
Mỗi mỗi dữ vật kháng.
Đạo tịnh hổ dĩ cương,
Xúc phiên dương dĩ tráng[1].
Thế gian quái vật hữu giao long,
Tam bách lục thập trùng chi trưởng.
Thần linh xuất hư khí,
Biến hoá hồ lai vãng.
Bố trảo tằng vân hưng,
Cổ kỳ soát điện phóng.
Vô dục bất thụ Lưu Luỹ[2] thuần,
Giả hình khởi bị Diệp công[3] cuống.
Thời phi tắc phi tiềm tắc tiềm,
Sở dĩ tuỳ thời chi đắc tang.[4]
Mạc đạo ngư hà tính bất linh,
Tương y húc mạt[5] khởi cảm sân.
Giang phần chiên kình cửu thất thuỷ,
Văn thử cổ vũ hàm tương thân.
Thế vô hình hải thụ,
Thời phi pháp võng Tần[6].
Nhiên phi tạ dư ấm,
An năng đào thế nhân.[7]
Vong tượng xỉ dữ cách,
Vong tinh huyết dữ thần.[8]
Hữu thân tức hữu hoạn[9],
Thuỳ năng vô kỳ thân?
An năng thử thân hoá vi vân,
Tuỳ long thượng hạ vân vô tâm.

Dịch nghĩa

Sinh vật có răng có sừng
Thường làm khổ sinh vật đó
Hổ vì mạnh nên sa hầm bẫy
Dê vì khoẻ nên vướng sừng vào giậu
Trên đời có quái vật giao long
Đứng đầu trong ba trăm sáu chục loài
Trổ thần linh phun khí
Biến hoá qua lại
Giương vuốt làm mấy tầng mây đùn lên
Dựng bờm điện phóng ra soàn soạt
Không có dục vọng nên không bị Lưu Luỹ thuần hoá
Vì là hình giả nên không bị Diệp công vẽ bày
Gặp thời bay thì bay, gặp buổi cần ẩn náu lại ẩn náu
Vì biết theo thời nên hay được lẽ còn mất
Đừng cho là giống tôm cá không linh
Dựa nhờ nhau chút nước bọt ẩm ướt đâu dám giận
Cá chiên cá kình bên sông mất nước lâu
Nghe câu này thêm phấn khởi càng thân nhau
Không chịu hình phạt băm nhỏ của đời
Không vướng vào lưới phép Tần đời giăng
Nếu không nhờ có chút phúc còn lại
Sao thành được người lánh đời
Voi chết vì ngà và da
Tinh tinh chết vì máu và môi
Có thân là có lo lắng
Ai có thể không có thân?
Ước gì thân này hoá thành mây
Theo rồng bay lên hạ xuống, mây vô tâm

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Mọi sinh vật sừng răng đều có
Lại thường là làm khổ cho thân
Hổ mạnh hầm bẫy sa chân
Dê cạy sức khoẻ rào ngăn vướng sừng
Trên đời chỉ thuồng luồng quái vật
Ba sáu mươi đứng nhất các loài
Trổ thần linh khí phun dài
Ẩn hiện biến hoá đó đây vô cùng
Giương móng vuốt đã từng mây cuộn
Bờm dựng lên phóng điện ùng oàng
Dục không, Lưu Luỹ ngoài vòng
Hình giả há để Diệp công vẽ bày
Gặp thời bay trái thời lại náu
Biết tuỳ thời nên thấu mất còn
Đừng thường tôm cá cỏn con
Dựa nhau chút nước bọt cần ẩm thân
Mất nước lâu kình chiên bên bãi
Nghe câu này càng thấy gần nhau
Hình đời băm chẳng mắc nào
Lưới Tần đời bủa có đâu vương vào
Nếu không nhờ chút sâu phúc đức
Có thể nào lánh được người đời
Da ngà làm hại thân voi
Tinh tinh vì có máu môi chẳng còn
Có thân ắt có buồn có khổ
Ai thể quên chẳng có thân mình?
Làm mây thân hoá được thành
Theo rồng lên xuống cho thanh thản lòng
Bài này tuyển từ Tiềm Trai tập quyển 1, bản Tứ khố toàn thư. Tác giả sinh vào cuối Tống, thấy quân Nguyên bức đến nam, ông cùng với Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt có chí chống Nguyên nhưng khác nhau. Hai ông Văn, Trương biết làm không nổi nhưng cứ làm, đem thân dâng cho nước nhà, còn tác giả biết làm không nổi nên không làm, riêng yêu tấm thân trong trắng của mình. Bài thơ này lấy giao long làm ví dụ, phát huy quan điểm của Lão Tử: “Ngoại kỳ thân nhi thân tồn” (Quên thân nên thân còn), nêu “Vô dục” (Không có ham muốn) để giữ chí tiết trong trắng, phản ánh một phần tư tưởng của di dân (người dân trung thành với triều đại cũ) cuối Tống đầu Nguyên.

[1] Kinh dịchĐại tráng: “Đê dương xúc phiên, bất năng thoái, bất năng thoái” (Sừng dê đực húc vào hàng rào, bị mắc lại tiến lui không được).
[2] Hậu duệ của họ Đào Đường, học được phép thuần hoá rồng.
[3] Tân tự - Tạp sự của Lưu Hướng chép: Diệp công tử Cao thích rồng, một cái móc cũng tả rồng, một vết đẽo cũng tả rồng, hoa văn chạm trổ trong nhà cũng toàn là hình rồng. Thế là rồng trên trời nghe tin hạ xuống, đầu ngó vào cửa sổ, đuôi vắt vào nhà. Diệp công trông thấy bỏ chạy, mất cả hồn vía.
[4] Theo DịchCàn: “Cửu ngũ: phi chi tại thiên. Lợi kiến đại nhân”. Rồng có thể tam thê: náu nơi vực sâu, đi lại trên cạn, cũng có thể bay lượn trên không, cho nên có thể tuỳ thời mà thay đổi, cùng với đạo trời và tiêu trưởng cùng âm dương.
[5] Trang Tử - Thiên vận: Nước suối cạn kiệt, mấy con cá cùng phơi trên cạn, rẩy cho chúng một ít nước, xì cho chùng bằng nước bọt, không bằng đem chúng về sông hồ.
[6] Tần sau khi thôn tính sáu nước dùng hình pháp nghiêm ngặt đối với thiên hạ, lưới pháp luật chặt chẽ, nên gọi là “Lưới pháp luật nhà Tần”.
[7] Nếu không có phúc của tổ tiên để lại, thì làm sao tìm được mảnh đất như Đào Nguyên mà lánh đời. Đã không thể tìm được Đào Nguyên, thì chỉ còn cách là “Vô dục”, “Vô thân” bắt chước giao long mà biến hoá.
[8] Voi vì có ngà và da nên bị chết, cũng như voi, tinh tinh vì có máu và môi dùng được, nên bị thiệt thân.
[9] Lão Tử - Thượng thiên: “Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, duy ngô hữu thân; cẩu ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?” (Ta sở dĩ có mối lo lớn, chỉ vì ta có thân; nếu ta không có thân, ta còn lo gì nữa?).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hà Mộng Quế » Giao long ca