29/03/2024 22:47Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Văn tế Phan Bội Châu

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Phú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 28/08/2020 22:33

 

Than ôi!
Thiên diễn chẳng qua trường múa rối, bày ra cái hay hay dở dở, phỉnh người đời cho đến bạc đầu đi;
Anh lúc chỉ lấy nước làm nhà trải bao phen được được thua thua, đến lúc chết vẫn chưa quay cổ lại.

Xóc thẻ tính từng cơn dâu bể, xưa qua nay lại, bao cuộc buồn vui;
Hú hồn kêu mấy bạn non sông, kẻ khuất người còn, thêm chiều ái ngại.

Nhớ cụ xưa:
Học rộng tài cao;
Khí hăng chí giỏi.

Đầu xứ Nghệ tiếng đà từ thủa, một ngòi lông rung động cả ba kỳ;
Thánh Nam Đàn[1] sấm hẳn từ đây, đôi con mắt nhìn thâu tám cõi.

Thời chưa đến anh hùng giấu mặt, thong thả câu thơ phú, vận thanh tâm ngồi lắc thầy đồ;
Việc khi nên thân sĩ đứng đầu, ngâm nga bài biểu bài văn, trường bách chiếu tạm vắt vai ông Giải.

Kinh, Quảng đòi phen xuôi ngược, chí sẵn rắp ranh;
Mão, Thìn mấy độ xông pha, lòng thêm hăng hái.

Liếc nhìn thấy trào lưu thế giới, ba dồn bảy dập, nước đến chân há lẽ đứng chờ ai?
Đoái trông về cảnh tượng giang sơn, bảy xé ba chia, tức ứ tiết lẽ đành cam chịu lỗi.

Nào bác Thần Sơn;
Nào ông Ngư Hải.

Nào lập quân cơ;
Nào bày san trại.

Khói đạn trải bao phen nung nấu, khi Tịnh Bảo, khi Hoan Đần, khi Tuyên, Hưng lui tới, ngọn lửa tàn càng dập lại càng bung;
Tuyết sương ngoài muôn dặm xông pha, nào Đông Kinh, nào Thượng Hải, nào Quế, Việt đi về, gót chân dạn chẳng mòn cũng chẳng mỏi.

Hăm lăm triệu đồng bào, thù nọ đã quên hay chửa, chan chứa trăm dòng huyết lệ, lập Lưu Cầu trao lại bác Phan Chu[2];
Bốn nghìn năm tổ quốc, hồn xưa nay biết về đâu, âm thầm đòi đoạn can trường, sử vong quốc viết cùng ông Lương Khải[3].

Trời đà lắt léo, khuất kẻ trung trinh;
Đất khách xa xăm, đau lòng quan tái.

Khách giang hồ chỉ quản bước lưu ly;
Thư trong ngục[4] viết bao lời cảm khái.

Thế dù vậy thời kia đù vậy, tấm lòng son cùng với nước non thề;
Thân đang còn nước hãy đang còn, bàn lay trắng quyết cùng trời đất chọi.

Hội Việt Nam[5] cùng nhau lại lập, toan xoay cuộc khác, phận bồ đào chỉ quản nỗi gian truân;
Đất Quảng Đông tạm lúc nương nhờ, mong đợi ngày sau, sự quang phục biết còn chăng cơ hội?

Nát gan Ngũ Tử[6], nước cờ Ngô khó tính lúc hầu tàn;
Mệt dạ Vũ Hầu[7], lửa tro Hán khôn nhen khi đã nguội.

Sự thế đã vầy;
Cuộc đời hết nói.

Giang san trong những lúc tồn vong;
Anh hùng sá kể chi thành bại.

Mấy thiên hải ngoại[8] tỏ tâm can cho hả dạ bất bình;
Một tập đề huề[9], với quốc dân mong cáo rằng vô tội.

Nùng, Nhĩ lúc về quê, ngao ngán lâu đài, ngõ cũ đau lòng cố quốc, nước non chan chứa lệ tang thương;
Hương, Bình khi trở lại, lạnh lùng trăng gió, thuyền ai ngán buổi tân trào, sông núi ai hoài thân lão đại.

Từ đây:
Tên để năm châu;
Người về chín suối.

Lam, Hồng đã vắng tiếng đi về;
Âu, Mỹ biết tìm đâu thăm hỏi.

Chuông Thiên Mụ đánh tan luồng gió mới, văng vẳng nghe như cụ còn tay dùi tay mõ, giữa đám trường danh ngõ lợi, lớn tiếng kêu gào;
Gà Thọ Xương gáy giục bóng trăng khuya, xa xa như thấy cụ còn chân bắc chân nam, tận nơi góc bể chân trời, một mình thui thủi.

Sống vì nước hẳn thác đành vì nước, luồng khí tinh anh khôn dứt, phá Tam Giang muôn trượng thét ầm ầm;
Đá thành bia mà miệng cũng thành bia, trăm năm ảnh hưởng còn truyền, đỉnh Thiên Nhận nghìn trùng trông vòi vọi.

Hỡi ôi!
Dịp tốt dễ mua;
Người khôn khó bói.

Tưởng âm dung thêm nhớ bậc tiên tri;
Trông thời cuộc luống đau lòng hậu bối.

Nay cầm bút chép thiên tiểu sử, tôi xin viết một hàng đại tự: Nhà cách mạng Việt Nam;
Khi qua mồ trông tấm tàn bi, ai mà không ba tiếng ô hô: Cụ giải nguyên Phan Bội!

Ô hô! Thương thay!
Phan Bội Châu mất ở Huế ngày 29-10-1940. Rút kinh nghiệm từ các cuộc biểu tình khi truy điệu Phan Chu Trinh năm 1926, chính quyền Pháp lần này ngăn cấm tổ chức truy điệu. Vì vậy, đây là một trong số ít văn thơ làm để khóc ông còn được ghi chép lại.

[1] Trong dân gian đầu thế kỷ XX có truyền nhau mấy câu “Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh; Thuỷ đáo Lam thành, Nam Đàn sinh thánh” (Núi Đụn phân đôi, Khe Bò Đái mất tiếng; Nước sông Lam khoét vào núi Lam Thành, Đất Nam Đàn sinh thánh) và cho là lời sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tục cũng truyền rằng nhiều người cho rằng “Thánh Nam Đàn” trong đó chỉ Phan Bội Châu, nhưng khi hỏi thì cụ trả lời dứt khoát đó là Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, mấy câu nêu trên không tìm được trong các bản sấm ký còn truyền lại của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều khả năng là do người cùng thời nghĩ ra.
[2] Phan Chu Trinh.
[3] Lương Khải Siêu.
[4] Tức Ngục trung thư.
[5] Việt Nam quang phục hội.
[6] Ngũ Tử Tư.
[7] Gia Cát Lượng.
[8] Hải ngoại huyết thư.
[9] Pháp Việt đề huề chính kiến thư.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Văn tế Phan Bội Châu