26/04/2024 05:27Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lý Triều bát phân tiểu triện ca
李潮八分小篆歌

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 01/03/2015 11:52

 

Nguyên tác

蒼頡鳥跡既茫昧,
字體變化如浮雲。
陳倉石鼓又已訛,
大小二篆生八分。
秦有李斯漢蔡邕,
中間作者寂不聞。
嶧山之碑野火焚,
棗木傳刻肥失真。
苦縣光和尚骨立,
書貴瘦硬方通神。
惜哉李蔡不復得,
吾甥李潮下筆親。
尚書韓擇木,
騎曹蔡有鄰。
開元已來數八分,
潮也奄有二子成三人。
況潮小篆逼秦相,
快劍長戟森相向。
八分一字直百金,
蛟龍盤拏肉屈強。
吳郡張顛誇草書,
草書非古空雄壯。
豈如吾甥不流宕,
丞相中郎丈人行。
巴東逢李潮,
逾月求我歌。
我今衰老才力薄,
潮乎潮乎奈汝何。

Phiên âm

Thương Hiệt[1] điểu tích ký mang muội,
Tự thể biến hoá như phù vân.
Trần Thương[2] thạch cổ hựu dĩ ngoa,
Đại tiểu nhị triện sinh bát phân.
Tần hữu Lý Tư[3], Hán Thái Ung[4],
Trung gian tác giả tịch bất văn.
Dịch sơn[5] chi bi dã hoả phàn,
Tảo mộc truyền khắc phì thất chân.
Khổ Huyền Quang hoà thượng cốt lập,
Thư quí sấu ngạnh phương thông thần.
Tích tai Lý, Thái bất phục đắc,
Ngô sanh Lý Triều hạ bút thân.
Thượng thư Hàn Trạch Mộc,
Kỵ tào Thái Hữu Lân.[6]
Khai Nguyên dĩ lai số bát phân,
Triều dã yểm hữu nhị tử thành tam nhân.
Huống Triều tiểu triện bức Tần tướng[7],
Khoái kiếm trường kích sâm tương hướng.
Bát phân nhất tự trị bách kim,
Giao long bàn noa nhụ quật cưỡng.
Ngô quận Trương Điên[8] khoa thảo thư,
Thảo thư phi cổ không hùng tráng.
Khởi như ngô sanh bất lưu đãng,
Thừa tướng[9], trung lang[10] trượng nhân hàng.
Ba Đông[11] phùng Lý Triều,
Thâu nguyệt cầu ngã ca.
Ngã kim suy lão tài lực bạc,
Triều hồ, Triều hồ nại nhữ hà!

Dịch nghĩa

Lối viết chữ như vết chân chim của Thương Hiệt đã mờ nhạt,
Hình chữ biến hoá như mây trôi.
Trống đá nơi Trần Thương lại đã sai,
Từ hai lối đại triện và tiểu triện phát sinh ra lối bát phân.
Đời Tần có Lý Tư, đời Hán có Thái Ung,
Các tác giả quãng giữa (Tần và Hán) không được nghe nói đến.
Bia đá ở núi Dịch bị lửa rừng thiêu mất rồi,
Truyền lấy gỗ táo khắc lại càng làm thêm tính mất chân thật.
Lối viết của Hoà thượng Huyền Quang có vẻ đau khổ, ốm yếu,
Viết chữ quý ở cứng cỏi mà thông được với ý.
Tiếc thay Lý Tư với Thái Ung không thể có lại được,
Cháu Lý Triều của ta cầm bút viết lại gần giống các ông ấy.
Quan thượng thư Hàn Trạch Mộc,
Kỵ tào Thái Hữu Lân.
Từ đời Khai Nguyên tới giờ có vài người theo lối bát phân,
Cháu Triều kia hợp với hai người này thành là ba.
Lại nữa, lối tiểu triện của cháu Triều gần được lối của thừa tướng,
Như gươm nhọn dáo dài cùng chĩa vào.
Một chữ kiểu bát phân giá cả trăm vàng,
Như con rồng bị trói tròn bắp thịt nổi cuộn.
Ông Trương Điên người Ngô quận khoe cái tài viết thảo của mình,
Lối thảo ngược với lối cổ, lại không có vẻ hùng tráng.
Giá như cháu ta không lang bang,
Thì cũng thành một người ngang với thừa tướng và quan trung lang.
Gặp Lý Triều ở Ba Đông,
Mong bài ca của ta cả tháng rồi.
Ta nay già yếu tài sức ít,
Cháu Triều ơi, cháu Triều ơi, biết làm sao!

Bản dịch của Phạm Doanh

Thương Hiệt thôi chân chim đã cũ,
Dáng chữ thay đổi như mây vần.
Trống đá Trần Thương lại càng bậy,
Hai kiểu chữ triện sinh bát phân.
Tần có Lý Tư, Hán Thái Ung,
Giữa quãng chẳng có ai để bàn.
Bi đá núi Dịch, lửa đồng đốt,
Gỗ tạp đem khắc càng lem nhem.
Hoà thượng Huyền Quang người mảnh khảnh,
Viết chữ cứng cỏi nhưng có thần.
Tiếc thay Lý, Thái chẳng sống lại,
Lý Triều, cháu ta kể cùng gần.
Thượng thư Hàn Trạch Mộc,
Kỵ tào Thái Hữu Lân.
Từ thời Khai Nguyên giỏi bát phân.
Hai ông có thêm Triều là ba, kế chân.
Lối triện của Triều gần tướng Tần,
Gươm nhọn dáo dài cùng đua đâm.
Một chữ bát phân giá rất đắt,
Thịt u rắn chắc như rồng nằm.
Trương Úc vùng Ngô khoe thảo thư,
Lối thảo quá mới, kém hùng tráng.
Gía như cháu ta không chểnh mảng,
Ắt cùng hàng thừa tướng, trung lang.
Ba Đông gặp Lý Triều,
Suốt tháng mong ta ca.
Ta nay già yếu tài sức ít,
Triều ơi, Triều ơi, biết sao giờ!
(Năm 766)

[1] Tương truyền là người đã giúp Hoàng Đế sáng tác lối ghi âm, hình như vết chân chim.
[2] Tên huyện, nay là Bảo Kê, Thiểm Tây.
[3] Lý Tư (? - 208 tr.CN) tự Thông Cổ, người nước Sở, học trò của Tuân Tử, là tể tướng cho Tần Thuỷ Hoàng. Chủ trương bỏ chế độ phong kiến, định quận huyện, trọng luật pháp, thống nhất văn tự, chấp thuận lối viết tiểu triện.
[4] Thái Ung (132-192) tự Bá Giai, người Trần Lưu, có tài văn chương, hội hoạ, âm nhạc. Thời Hán Linh Đế tâu vua xin định lại chữ viết trong lục kinh (Lỗ thi, Thượng thư, Chu dịch, Nghi lễ, Xuân Thu, Công Dương truyện, Luận ngữ). Dùng lối viết khải chép lại thành 46 bia đá dựng ở ngoài cửa thái học, được gọi là Hy Bình thạch kinh 熹平石經.
[5] Năm 219 tr.CN, Tần Thuỷ Hoàng lên núi Dịch cho dựng bia đá ghi công lao mình, do Lý Tư viết. Đời Đường bia này bị lửa đồng thiêu trụi.
[6] Hai nhà thư pháp nổi tiếng đầu đời Đường.
[7] Tức Lý Tư.
[8] Trương Húc nổi danh với lối viết thảo đời Đường.
[9] Tức Lý Tư.
[10] Tức Thái Ung.
[11] Thuộc Tứ Xuyên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Lý Triều bát phân tiểu triện ca