28/03/2024 22:59Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thạch thượng kệ
石上偈

Tác giả: Tào Tuyết Cần - 曹雪芹

Thể thơ: Ngũ ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thanh
Đăng bởi Vanachi vào 02/08/2005 01:47

 

Nguyên tác

無才可去補蒼天,
枉入紅塵若許年;
此係身前身後事,
倩誰記去作奇傳?

Phiên âm

Vô tài khả khứ bổ thương thiên[1],
Uổng nhập hồng trần nhược hứa niên;
Thử hệ thân tiền thân hậu sự,
Sảnh thuỳ ký khứ tác kỳ truyền[2]?

Dịch nghĩa

Không có tài để được đi vá trời xanh,
Uổng công đày xuống chốn nhân gian đã bao năm nay.
Đây là câu chuyện hòn đá trải qua trước và sau khi xuống trần gian,
Biết nhờ ai chép lại để lưu truyền trong thế gian?

Bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng

Tài đâu toan những vá trời,
Uổng công đày xuống cõi đời bấy lâu.
Từ kiếp trước đến kiếp sau.
Biết nhờ ai chép mấy câu truyền kỳ?
Đây là bài thơ đề trên tấm đá, trong hồi 1 của Hồng lâu mộng.

Hồi 1 viết, khi Nữ Oa luyện đá vá trời, còn thừa một viên bỏ lại ở chân núi Thanh Ngạnh đỉnh Vô Kê. Ngờ đâu hòn đá này từ khi được luyện đã có linh tính, thấy mình bất tài bị loại, rất tủi hận, “ngày đêm khóc lóc buồn rầu”, về sau được hai vị Mang Mang đạo sĩ và Diểu Diểu chân nhân đưa xuống trần gian, nêm đủ mùi đời lạnh nhạt, tan hợp bi hoan, cuối cùng lại trở về chân núi Thanh Ngạnh, trở lại là hòn đá. Trải qua không biết bao nhiêu đời, có vị Không Không đạo nhân đi cầu tiên học đạo, đi qua chân núi Thanh Ngạnh thì thấy một hòn đá lớn, trên mặt có khắc chữ kể rõ lai lịch và những điều nếm trải sau khi đầu thai. Hòn đá thỉnh cầu Không Không đạo nhân chép lại từ đầu đến cuối, đưa xuống lưu truyền dưới nhân gian, chính là bộ sách Hồng lâu mộng này. Bài kệ trên chính là bài thất ngôn tuyệt cú được khắc ở mặt sau hòn đá. Kệ vốn là chỉ lời hát trong kinh Phật, cũng phiếm chỉ thơ ca nhà Phật.

[1] Vá trời xanh. Theo thần thoại cổ đại Trung Quốc, “Thuở xưa trời sụp đất lở, lửa cháy ngút trời, lũ lụt lan tràn không dứt, mãnh thú ăn thịt dân lành. Nữ Oa luyện đá ngũ sắc vá trời xanh, chặt chân rùa lớn làm cột chống trời, giết chết giao long cứu trung nguyên, tích lau sậy để ngăn lũ lụt. Cuối cùng dẹp yên mọi tai hoạ, bách tính nhờ đó được yên ổn.” (Hoài Nam Tử). Ở đây tác giả mượn câu chuyện thần thoại để nói rằng cái kỷ cương nhằm duy trì trật tự phong kiến đã bại hoại, bản thân ông lại không có khả năng cứu vãn. Trong tác phẩm, nhân vật Giả Bảo Ngọc chính là hòn đá Nữ Oa luyện vá trời thừa ra được đưa xuống nhân gian.
[2] Câu này có ngụ ý riêng, tác giả mượn đó để nói rằng những điều tiểu thuyết viết không chỉ là sự trải nghiệm cuộc sống của cá nhân ông, mà là sự khái quát nghệ thuật mang tính phổ quát về hiện thực cuối thời phong kiến và tương lai của nó mà ông có thể dự cảm được.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tào Tuyết Cần » Thạch thượng kệ