20/04/2024 09:17Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Mê ngộ bất dị
迷悟不異

Tác giả: Tuệ Trung thượng sĩ - 慧中上士

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi Vanachi vào 30/09/2008 04:48

 

Nguyên tác

迷去生空色,
悟來無色空。
色空迷悟者,
一理古今同。

妄起三途起,
真通五眼通。
涅槃心寂寞,
生死海重重。

不生還不滅,
無始亦無終。
但能忘二見,
法界盡包融。

Phiên âm

Mê khứ sinh không sắc,
Ngộ lai vô sắc không.
Sắc không mê ngộ giả,
Nhất lý cổ kim đồng.

Vọng khởi tam đồ khởi,
Chân thông ngũ nhãn thông.
Niết-bàn tâm tịch mịch,
Sinh tử hải trùng trùng.

Bất sinh hoàn bất diệt,
Vô thuỷ diệc vô chung.
Đãn năng vong nhị kiến[1],
Pháp giới[2] tận bao dung.

Dịch nghĩa

Lúc mê sinh ra “không” và “sắc”,
Khi ngộ không còn “sắc”, không, mê, ngộ.
“Sắc”, “không”, với “mê”, “ngộ”,
Xưa nay vẫn chung nhau ở một lẽ.

Mê vọng nổi dậy thì ba đường nổi dậy,
Cứ chân thông suốt thì năm mắt đều thông suốt.
Tâm niết-bàn lặng lẽ,
Biển sống chết trùng trùng.

Không sinh mà không diệt,
Không trước cũng không sau.
Nếu quên được cả ngã kiến và pháp kiến,
Thì bao hàm được cả pháp giới.

Bản dịch của Huệ Chi

Mê lầm, sinh “không”, “sắc”,
Giác ngộ, hết “sắc”, “không”.
“Sắc”, “không”, với “mê”, “ngộ”,
Xưa nay một lẽ đồng.

“Tà” dấy, ba đường dấy,
“Chân” thông, năm mắt thông.
Tâm niết-bàn tịch mịch,
Biển sinh tử trùng trùng.

Không sinh, mà không diệt,
Vô thuỷ, lại vô chung.
Vì bằng quên “nhị kiến”,
Pháp giới thảy bao dung.
[1] Từ của Phật giáo là Tát ca da kiến, hay Thân kiến, Ngũ kiến, cho rằng “ngã” và “ngã sở” đều là quan điểm tồn tại một cách chân thực. Phật giáo cho rằng hễ còn phiền não thì ắt sinh ra kiến này, mọi quan điểm sai lầm khác cũng từ đó nảy sinh.
[2] Thuật ngữ Phật giáo chỉ nguồn gốc và bản chất của hiện tượng, nhất là chỉ nguyên nhân thành Phật, giống với tính chất của khái niệm Chân như, Không tính.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tuệ Trung thượng sĩ » Mê ngộ bất dị