27/04/2024 08:29Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bách bộ hồng
百步洪

Tác giả: Tô Thức - 蘇軾

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Bắc Tống, Liêu
Đăng bởi Hà Như vào 12/04/2013 17:25

 

Nguyên tác

長洪斗落生跳波,
輕舟南下如投梭。
水師絕叫鳧雁起,
亂石一線爭磋磨。
有如兔走鷹隼落,
駿馬下注千丈坡。
斷絃離柱箭脫手,
飛電過隙珠翻荷。
四山眩轉風掠耳,
但見流沫生千渦。
嶮中得樂雖一快,
何意水伯誇秋河。
我生乘化日夜逝,
坐覺一念逾新羅。
紛紛爭奪醉夢裏,
豈信荊棘埋銅駝。
覺來俯仰失千劫,
回視此水殊委蛇。
君看岸邊蒼石上,
古來篙眼如蜂窠。
但應此心無所住,
造物雖駛如吾何。
回船上馬各歸去,
多言譊譊師所呵。

Phiên âm

Trường hồng đẩu lạc[1] sinh khiêu ba,
Khinh chu nam hạ như đầu thoa.
Thuỷ sư tuyệt khiếu phù nhạn khởi,
Loạn thạch nhất tuyến tranh tha ma.
Hữu như thố tẩu ưng chuẩn lạc,
Tuấn mã hạ chú thiên trượng pha.
Đoạn huyền ly trụ tiễn thoát thủ,
Phi điện quá khích châu phiên hà.
Tứ san huyễn chuyển phong lược nhĩ,
Đãn kiến lưu mạt sinh thiên qua.
Hiểm trung đắc lạc tuy nhất khoái,
Hà ý thuỷ bá[2] khoa thu hà.
Ngã sinh thừa hoá[3] nhật dạ thệ[4],
Toạ giác nhất niệm du Tân La[5].
Phân phân tranh đoạt tuý mộng lý,
Khởi tín kinh cức mai đồng đà[6].
Giác lai phủ ngưỡng[7] thất thiên kiếp,
Hồi thị thử thuỷ thù uỷ xà.
Quân khán ngạn biên thương thạch thượng,
Cổ lai cao nhãn như phong khoa.
Đãn ưng thử tâm vô sở trụ[8],
Tạo vật tuy sử như ngô hà.
Hồi thuyền thướng mã các quy khứ,
Đa ngôn nao nao sư[9] sở a.

Dịch nghĩa

Trường hồng trút xuống, song nước vọt lên
Thuyền nhẹ lướt về xuôi như thoi đưa
Phu thuyên hò reo, khiến vịt trời bay lên
Nước như đua xối vào giải đá nhấp nhô
Có lúc như ưng nhào thỏ chạy.
Tuấn mã từ trên gò cao nghìn tượng ruổi xuống
Như mũi tên dứt dây, rời trụ lao đi
Như tia chớp qua khe, nước bắn lên lá sen như hạt ngọc
Bốn quả núi di chuyển mờ ảo, gió bạt cả tai
Bọt tung trắng xoá nghìn mắt nước xoáy
Trong nguy hiểm có được niềm vui thú
Sao mà Hà bá cứ khoe mãi nước sông thu
Đời người tựa như dòng sông trôi, trôi mãi
Ngồi nghĩ một loáng đến tận Tân La
Say tranh cướp rối ren trong mơ
Há lại tin gai góc phủ lên lạc đà bằng đồng
Lúc tỉnh ra, cúi ngẩng một lần mất đi nghìn kiếp
Quay lại nhìn sông đây vẫn uốn lượn
Bác hãy nhìn đôi bờ lá biếc
Lỗ sào từ xưa đến nay lỗ chỗ như tổ ong
Chỉ cần tấm lòng lòng này không dừng lại
Tạo vật tuy điều khiển cũng chẳng làm gì được
Quay thuyền lên ngựa, mọi người đều ra về
Còn nhiều tranh cãi đến lời thầy.

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Sóng vọt cao trường hồng như trút
Suối về nam thuyền lướt tựa thoi
Chèo khuya vút cánh vịt trời
Nhấp nhô một dải nước dồi đá reo
Có lúc như ưng nhào, thỏ chạy
Nghìn trượng buông ngưa ruổi gò cao
Rời dây, lìa trụ tên lao
Chớp nhanh châu bắn tung vào lá sen
Mờ bốn núi gió bên tai thổi
Bọt trắng tung mắt xoáy hang nghìn
Trong nguy hiểm thú vui nhen
Sông Thu Hà Bá sao khen khoe hoài
Ta thừa hóa, sông trôi, trôi mãi
Ngồi thoáng mà đã tới Tân La
Rối ren tranh cướp say sưa
Ai hay gai góc phủ đà đồng quanh
Một núi ngẩng mất nhanh nghìn kiếp
Nghoảnh nhìn sông vẫn tiếp quanh co
Thấy  chăng đá biếc đôi bờ
Xưa nay lỗ chỗ mắt sào tổ ong
Chỉ cần mỗi lòng không dừng bến
Tạo vật đâu điều khiển được ta
Quay thuyền lên ngựa về nhà
Lời thầy nhắc mãi để mà nhớ ghi
Bài này tuyển từ Tô Thức thi tập quyển 17 do Trung Hoa thư cục xuất bản. Bách Bộ hồng còn gọi là Từ Châu hồng, cách núi Đồng san hai dặm về phía đông. Khi tác giả làm phán quan ở Từ Châu, cùng với bạn là Đạo Tiềm dong thuyền đến chơi nơi này.

[1] Hình dung thế nước chảy xiết.
[2] Tức Hà Bá, thuỷ thần. Trang Tử, Thu thuỷ viết: “Vào mùa nước thu, trăm sông nhỏ đổ vào Hoàng Hà, sông rộng mênh mang, bờ bên này nhìn sang bờ bên kia không phân biệt trâu hay ngựa. Thế là Hà Bá hớn hở tự lấy làm vui, cho là vẻ đẹp trong thiên hạ đều ở chỗ mình”.
[3] Đào Tiềm trong bài Quy khứ lai từ có câu “Liêu thừa hoá dĩ quy tận” (Mặc theo tiến hoá của tự nhiên).
[4] Luận ngữ, Tử hãn chép “Tử tại xuyên thượng viết: Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ?” (Khổng Tử trên sông nói: Sông trôi như thế này ư, không quản ngày đêm?).
[5] Tân La thời Đường Tống là một bộ phận Triều Tiên ngày nay. Truyền đăng lục chép “Có sư hỏi thiền sư tòng thịnh: Thế nào là việc mắt thấy? Sư rằng: Đến nước Tân La, Tân La ở ngoài biển, cứ nghĩ là đến” ý nói suy nghĩ có thể mặc sức ruổi rong.
[6] Tấn thư, Sách Tĩnh truyện chép “Sách Tĩnh có thể lường trước sự việc, biết thiên hạ sắp có loạn, ông chỉ con lạc đà bằng đồng ở cửa cung Lạc Dương nói: Sẽ thấy mày đứng trong gai góc”.
[7] Cúi và ngẩng lên, ý nói trong phút chốc.
[8] Kinh Kim cương có câu “Úng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Lòng không nên cứng đờ để được mở rộng). Hai câu này ý nói chỉ cần mình thông thoát khoáng đạt, lòng không cứng đờ, thế thì sự vận động của thế giới tự nhiên cũng không làm gì được mình.
[9] Chỉ Đạo Tiềm.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tô Thức » Bách bộ hồng