20/04/2024 10:19Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Dưỡng trúc ký
養竹記

Tác giả: Bạch Cư Dị - 白居易

Thể thơ: Tản văn; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Trung Đường
Đăng bởi Vanachi vào 18/12/2014 22:05

 

Nguyên tác

竹似賢,何哉?竹本固,固以樹德,君子見其本,則思善建不拔者。竹性直,直以立身;君子見其性,則思中立不倚者。竹心空,空以體道;君子見其心,則思應用虛受者。竹節貞,貞以立志;君子見其節,則思砥礪名行,夷險一致者。夫如是,故君子人多樹之為庭實焉。

貞元十九年春,居易以拔萃選及第,授校書郎,始於長安求假居處,得常樂里故關相國私第之東亭而處之。明日,履及于亭之東南隅,見叢竹於斯,枝葉殄瘁,無聲無色。詢于關氏之老,則曰:『此相國之手植者。自相國捐館,他人假居,由是筐篚者斬焉,篲帚者刈焉,刑餘之材,長無尋焉,數無百焉。又有凡草木雜生其中,菶茸薈郁,有無竹之心焉。』居易惜其嘗經長者之手,而見賤俗人之目,剪棄若是,本性猶存。乃芟翳薈,除糞壤,疏其間,封其下,不終日而畢。于是日出有清陰,風來有清聲。依依然,欣欣然,若有情於感遇也。

嗟乎!竹,植物也,於人何有哉?以其有似于賢而人愛惜之,封植之,況其真賢者乎?然則竹之於草木,猶賢之於眾庶。嗚呼!竹不能自異,唯人異之。賢不能自異,唯用賢者異之。故作《養竹記》,書于亭之壁,以貽其後之居斯者,亦欲以聞於今之用賢者雲。

Phiên âm

Trúc tự hiền, hà tai? Trúc bản cố, cố dĩ thụ đức, quân tử kiến kỳ bản, tắc tư thiện kiến bất bạt giả. Trúc tính trực, trực dĩ lập thân, quân tử kiến kỳ tính, tắc tư trung lập bất ỷ giả. Trúc tâm không, không dĩ thể đạo, quân tử kiến kỳ tâm, tắc tư ứng dụng hư thụ giả. Trúc tiết trinh, trinh dĩ lập chí, quân tử kiến kỳ tiết, tắc tư để lệ danh hạnh, di hiểm nhất trí giả. Phù như thị, cố quân tử nhân đa thụ chi vi đình thực yên.

Trinh Nguyên thập cửu niên xuân, Cư Dị dĩ bạt tuỵ tuyển cập đệ, thụ hiệu thư lang, thuỷ ư Trường An cầu giả cư xứ, đắc Thường Lạc lý cố Quan tướng quốc tư đệ chi Đông Đình xử chi. Minh nhật, lý cập vu đình chi đông nam ngung, kiến tùng trúc ư tư, chi diệp điễn tuỵ, vô thanh vô sắc. Tuần vu Quan thị chi lão, tắc viết: “Thử tướng quốc chi thủ thực dã. Tự tướng quốc quyên quán, tha nhân giả cư, do thị khuông phỉ giả trảm yên, tuệ trửu giả ngải yên, hình dư chi tài, trưởng vô tầm yên, sổ vô bách yên. Hựu hữu phàm thảo mộc tạp sinh kỳ trung, bổng nhung hội úc, hữu vô trúc chi tâm yên.” Cư Dị tích kỳ thường kinh trưởng giả chi thủ, nhi kiến tiện tục nhân chi mục, tiễn khí nhược thị, bản tính do tồn. Nãi sam ế hội, trừ phẩn nhưỡng, sơ kỳ gian, phong kỳ hạ, bất chung nhật nhi tất. Vu thị nhật xuất hữu thanh âm, phong lai hữu thanh thanh. Y y nhiên, hân hân nhiên, nhược hữu tình ư cảm ngộ dã.

Ta hồ! Trúc, thực vật dã, ư nhân hà hữu tai? Dĩ kỳ hữu tự vu hiền nhi nhân ái tích chi, phong thực chi, huống kỳ chân hiền giả hồ? Nhiên tắc trúc chi ư thảo mộc, do hiền chi ư chúng thứ. Ô hô! Trúc bất năng tự dị, duy nhân dị chi. Hiền bất năng tự dị, duy dụng hiền giả dị chi. Cố tác “Dưỡng trúc ký” thư vu đình chi bích, dĩ di kỳ hậu chi cư tư giả, diệc dục dĩ văn ư kim chi dụng hiền giả vân.

Bản dịch của Châu Hải Đường

Trúc cũng như bậc hiền nhân, vì sao vậy? Gốc trúc vững, vững để lập đức, người quân tử trông gốc trúc, thì nghĩ đến việc tạo lập cho mình cái ý chí kiên định không dời. Tính trúc thẳng, thẳng để lập thân, người quân tử thấy tính trúc, thì nghĩ đến sự trung lập thẳng thắn, không thiên lệch. Lòng trúc rỗng không, rỗng không để thể nghiệm lẽ đạo, người quân tử thấy tấm lòng của trúc, thì nghĩ đến việc dùng cái tâm hư không mà dung nạp người. Đốt trúc cứng cỏi, cứng cỏi để lập chí, người quân tử thấy tiết của trúc, thì nghĩ đển việc mài giũa danh hạnh, dù qua khó khăn nguy hiểm vẫn thuỷ chung như nhất. Chính vì như thế, mà bậc quân tử thường trồng trúc đầy quanh sân nhà mình vậy.

Mùa xuân năm Trinh Nguyên thứ 19, Cư Dị tôi được chọn trong đám anh tài mà đỗ tiến sĩ, và được ban chức hiệu thư lang, mới đi tìm nơi ở nhờ ở Trường An, rồi tìm được chỗ ở đình Đông trong tư dinh quan tướng quốc họ Quan khi xưa ở làng Thường Lạc. Hôm sau, tôi dạo bước tới góc đông nam đình, chợt thấy có khóm trúc ở đó, cành lá xác xơ, không thanh không sắc. Hỏi thăm các bậc già lão họ Quan, thấy bảo: “Trúc này là trúc do chính tay tướng quốc trồng khi xưa. Từ khi tướng quốc dời đi, người khác đến ở nhờ, thì trúc bị bọn đan gùi giỏ đến chặt, bọn làm chổi rễ đến cắt. Khóm bị chém còn lại, lớn không quá một sải, đếm không đến trăm cây. Lại có đám cỏ hoang cây dại mọc bừa trong đó, um tùm rậm rạp, toàn giống chẳng có tâm như trúc.” Cư Dị tôi tiếc khóm trúc vốn là cây được tay bậc trưởng giả vun trồng, nay lại chỉ có con mắt của bọn tục nhân ngó tới, chặt phá như vậy, mà bản tính vẫn giữ nguyên. Bèn cắt hết cỏ rậm, nhặt sạch rác rưới, tỉa thoáng khóm cành, vun rào gốc rễ, chưa hết ngày thì làm xong. Thế là khi mặt trời mọc lại có bóng mát râm, lúc gió thổi về lại có tiếng vi vút. Lá cành vui nhởn nhơ, xanh mơn mởn, như cũng có cái tình cảm ngộ vậy.

Than ôi! Trúc là loài thực vật, sao có thể sánh với con người? Chỉ vì có những điểm giống bậc hiền nhân mà được người đời yêu mến vun trồng, huống nữa là bậc hiền nhân thực sự? Vả trúc ở trong đám cỏ cây, cũng như bậc hiền nhân trong đám người phàm. Ôi, trúc chẳng tự cho mình là khác, chỉ là con người thấy sự khác biệt đó thôi. Bậc hiền nhân chẳng tự cho mình là khác, chỉ có người biết dùng người hiền thấy sự khác biệt đó thôi. Nên tôi bèn làm bài “Dưỡng trúc ký” này, viết lên vách đình, để để lại cho người sau lại đến ở nơi này, cũng là muốn cho những người dụng hiền đời nay nghe lấy vậy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Bạch Cư Dị » Dưỡng trúc ký