20/04/2024 08:14Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ

Tác giả: Trần Trùng Quang Đế - 陳重光帝

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi Vanachi vào 17/06/2007 19:38

 

Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa[1],
Trịnh trọng rày nhân vẳng[2] khúc ca.
Chiếu phượng[3] mười hàng tơ cặn kẽ,
Vó câu nghìn dặm tuyết xông pha.
Tang bồng[4] đã bấm lòng khi trẻ,
Khương quế[5] thêm cay tính tuổi già.
Việc nước một mai công ngõ vẹn,
Gác Lân danh tiếng dõi lâu xa[6].
Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép: Tháng tư năm 1413, Trương Phụ đem quân đánh Nghệ An, quân Quý Khoáng bấy giờ mười phần chỉ còn ba bốn, lương thực lại không có, phải bỏ chạy vào Hoá Châu. Trước Quý Khoáng đã mấy lần cho người sang Tầu cầu phong, Minh Đế không cho, đem giết sứ thần đi. Nay Quý Khoáng lại sai Nguyễn Biểu ra cầu phong với Trương Phụ. Trương Phụ bắt giữ không cho về. Nguyễn Biểu giận mắng Trương Phụ rằng: “Chúng bay trong bụng thì chỉ lo đường chiếm giữ, ngoài mặt lại giương tiếng đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp; trước thì nói sáng lập họ Trần, sau lại đặt quận, huyện để cai trị, rồi tìm kế để vơ vét của cải, ức hiếp sinh dân, chúng bay thật là đồ ăn cướp hung ngược!” Trương Phụ tức giận đem giết đi.

Cũng sách nói trên viết: Năm Trùng Quang thứ 5 (1413), mùa hạ, tháng tư, tướng nhà Minh là Trương Phụ đánh Nghệ An, vua Quý Khoáng chạy vào Hoá Châu... sai người bầy tôi là Nguyễn Biểu đi cầu phong, đem hương vật đến Nghệ An để tặng. Phụ giữ ông lại, ông giận mắng rằng: “Trong thì mưu kế đánh lấy nước người, ngoài thì phô trương là quân nhân nghĩa, trước nói rằng lập con cháu nhà Trần, nay lại chia đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải, lại còn tàn hại sinh dân, thật là đồ ngược tặc.” Phụ giận đem giết đi.

Ở phần ghi chú sách này, Dương Quảng Hàm có giới thiệu tiểu sử Nguyễn Biểu như sau: Nguyễn Biểu người xã Bình Hồ, huyện Chi La, Nghệ An (nay là xã Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), đậu thái học sinh đời nhà Trần, sung chức Điện tiền thị ngự sử. Trương Phụ cho cột Nguyễn Biểu vào cây cột cầu ở chùa Yên Quốc. Nguyễn Biểu không ngớt chửi mắng Trương Phụ. Đến khi nước thuỷ triều lên, Nguyễn Biểu chết ngộp vì nước lớn. Do sự kiện nầy nên vị sư chùa Yên Quốc có làm bài kệ khi làm lễ tế Nguyễn Biểu.

Nguyễn Biểu có hoạ lại bài thơ này, xin xem thêm phần tác giả Nguyễn Biểu.

[1] Do chữ 皇華, tức Hoàng hoàng giả hoa 皇皇者華 (những bông hoa rực rỡ khắp nơi), tên một thiên trong thơ Kinh thi - Tiểu nhã kể việc vua tiễn biệt dặn dò sứ thần sắp lên đường, sau thường dùng để chỉ việc đi sứ. “Hoàng hoa” nếu viết 黃花 là hoa cúc, cũng được dùng chỉ nơi đồn thú xa xôi. Hoa cúc nở vào mùa thu, tháng chín. Quân lính thời xưa ra đi phòng thủ ở các đồn ải xa vào mùa thu năm trước thì đến mùa thu năm sau lại được về. Như vậy gọi là “hoàng hoa thú”. Thơ Thẩm Thuyên Kỳ: “Văn đạo hoàng hoa thú, Tần niên bất giải binh” (Nghe nói việc đi thú, Mà mấy năm không giải binh). Chinh phụ ngâm: “Xót người lần lữa ải xa, Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài”. Hai câu đề ý nói nay nhân chuyện đi sứ cầu hoà, vua, với vẻ nghiêm trọng dắng (dặn dò) mấy lời.
[2] Có bản chép là “dựng”.
[3] Chiếu của nhà vua, (có vẽ hình chim phượng), ghi những lời dặn cặn kẽ chân tóc kẽ tơ (tơ cặn kẽ).
[] Vó ngựa câu (loại ngựa cỡi đi xa, khác với Vó ký là ngựa ký loài dùng để kéo keo xe nặng nhọc.
[4] Cây cũng bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng, nói về chí làm trai. Theo Kinh lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn lấy cung bằng gỗ dâu và có tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn phía, và một hát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí lớn ở bốn phương, tung hoành giữa trời đất, ôm hoài bảo giúp nước giúp đời. Nguyễn Đình Chiểu: “Bấy lâu đèn sách ra công, Con đà nên chữ tang bồng nầy chăng”. Ở đây, vua khen ngợi Nguyễn Biểu ngay khi còn trẻ đã có cái chí khí của người con trai.
[5] Khương là gừng, quế là quế. Gừng và quế đều cay. Sách Điển cố văn học giải thích: “Lý đạo trường biên: ‘Khương quế chi tính đáo lão dũ lạt’ (Tính chất của gừng và quế đến khi già lại càng cay). Nói về người già càng hăng hái.“
[6] Ý hứa hẹn khen thưởng, một mai khi việc nước vẹn toàn, sẽ được ghi công ở Kỳ Lân các, tức là gác công thần. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết: “Vua lại sai văn thần ghi chép công trạng của các tướng, hợp biên làm cuốn sách gọi là Trung hưng thực lục và lại sai thợ vẽ tranh các tướng để treo ở gác công thần.” Câu cuối cùng ý nói như việc làm của vua nhà Trần (tiên đế) đã từng làm với các tướng có công trạng trong việc đánh đuổi quân Mông Cổ xâm lăng nước ta ngày trước. Có bản in hai câu này là “Việc nước một vai công ngõ vẹn, Gác Lân danh tiếng dọi lâu xa”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trần Trùng Quang Đế » Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ