27/07/2024 08:22Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đăng Nhạc Dương lâu

Tác giả: Phạm Hy Lượng - 范熙亮

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Phạm Hy Hưng vào 28/12/2022 07:02

 

Phiên âm

Phi các điêu mông tự tích vô,
Nguy lâu nhân toạ hiểu lan cô.
Thiên trùng phong ảnh tiêu Tam Sở[1],
Vạn khoảnh ba giảo kính nhất hồ[2].
Thương cẩu bạch vân khan biến huyễn,
Hồng dương kiếp hoả trướng long ô.
Du nhân trù bão tiên ưu chí[3],
Tàm đối Quân Sơn[4] hiệu tuý Hồ[5]?

Dịch nghĩa

Mái ngói cong cong, nóc nhà chạm trổ đẹp như từ xưa chưa từng có,
Buổi sáng có người một mình, ngồi tựa lan can trên lầu cao.
Bóng núi ngàn trùng làm cột mốc cho Tam Sở,
Sóng gợn muôn lớp trên mặt hồ như tấm gương soi.
Mây trắng đổi thành chó xanh, xem cảnh đời biến ảo,
Thiên tai cùng nhân hoạ, xót xa cho nỗi nhục vinh.
Khách du ai là người ôm chí lo trước thiên hạ,
Thẹn nhìn núi Quân Sơn, bắt chước cuộc say của nước Hồ xưa?

Bản dịch của Trần Lê Văn

Mái chạm, lầu cao vẻ khác phàm,
Một mình ai đó tựa lan can.
Nghìn trùng bóng núi nêu Tam Sở,
Muôn sóng bừng gương, sáng một làn.
Vân cẩu bức tranh luôn biến ảo,
Nhục vinh cuộc thế xót tâm can.
Khách du ai kẻ “tiên ưu” nhỉ?
Hẹn với Quân Sơn, há ngủ tràn!
Lầu Nhạc Dương nằm ở phía tây phủ thành Nhạc Châu. Lầu cao 3 tầng. Ở tầng 2 có bài ký của Phạm Trọng Yêm (989-1052), tên chữ, tên thuỵ là Văn Chính (theo Bắc sà nhật kỷ).

[1] Gồm Đông Sở, Tây Sở và Nam Sở, đều thuộc địa bàn nước Sở thời cổ.
[2] Chỉ hồ Động Đình ở tỉnh Hồ Nam, thuộc địa bàn nước Sở thời cổ. Theo Bắc sà nhật kỷ, hồ rộng hơn 800 dặm, bốn mặt mênh mông, không còn phân biệt đâu là trời, là nước. Xa xa, chỉ thấp thoáng những ngọn núi lẫn với cánh buồm.
[3] Lo trước thiên hạ. Bài Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm có câu: “Nhiên tắc hà thời nhi lạc da? Kỳ tất viết: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Thế thì vui vào lúc nào đây? Ắt phải nói: lo trước cái lo của mọi người, vui sau cái vui của mọi người). Lo trước thiên hạ là xuất ý từ câu trên của bài ký.
[4] Một ngọn núi trong hồ Động Đình. Tương truyền bà phi của vua Thuấn từng dạo chơi ở núi này. Trên núi có đền thờ Tương Quân.
[5] Tên một nước cổ, họ Quy, vì không biết phòng bị mà bị nước Sở diệt vào năm 495 tr.CN.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phạm Hy Lượng » Đăng Nhạc Dương lâu