16/04/2024 13:11Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phụng tặng Tiêu thập nhị sứ quân
奉贈蕭十二使君

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 06/06/2015 15:43

 

Nguyên tác

昔在嚴公幕,
俱為蜀使臣。
艱危參大府,
前後間清塵。
起草鳴先路,
乘槎動要津。
王鳧聊暫出,
蕭雉只相馴。
終始任安義,
荒蕪孟母鄰。
聯翩匍匐禮,
意氣死生親。
張老存家事,
嵇康有故人。
食恩慚鹵莽,
鏤骨抱酸辛。
巢許山林志,
夔龍廊廟珍。
鵬圖仍矯翼,
熊軾且移輪。
磊落衣冠地,
蒼茫土木身。
塤篪鳴自合,
金石瑩逾新。
重憶羅江外,
同游錦水濱。
結歡隨過隙,
懷舊益沾巾。
曠絕含香舍,
稽留伏枕辰。
停驂雙闕早,
回雁五湖春。
不達長卿病,
從來原憲貧。
監河受貸粟,
一起轍中鱗。

Phiên âm

Tích tại Nghiêm công mạc,
Câu vi Thục sứ thần.
Gian nguy tham đại phủ,
Tiền hậu vấn thanh trần[1].
Khởi thảo minh tiên lộ,
Thừa tra động yếu tân.
Vương phù[2] liêu tạm xuất,
Tiêu trĩ[3] chỉ tương tuần.
Chung thuỷ Nhiệm An[4] nghĩa,
Hoang vu Mạnh mẫu[5] lân.
Liên phiên bồ đào lễ,
Ý khí tử sinh thân[6].
Trương lão[7] tồn gia sự,
Kê Khang[8] hữu cố nhân.
Tự ân tàm lỗ mãng,
Lủ cốt bảo toan tân.
Sào[9], Hứa[10] sơn lâm chí,
Quỳ long lang miếu trân.
Bằng đồ nhưng kiểu dực,
Hùng thức thả di luân.
Lỗi lạc y quan địa,
Thương mang thổ mộc thân.
Huân trì minh tự hợp,
Kim thạch oanh du tân.
Trùng ức La Giang[11] ngoại,
Đồng du Cẩm thuỷ tân.
Kết hoan tuỳ quá khích,
Hoài cựu ích triêm cân.
Khoáng tuyệt hàm hương sá,
Kê lưu phục chẩm thần.
Đình tham song khuyết tảo,
Hồi nhạn Ngũ hồ xuân.
Bất đạt Trường Khanh[12] bệnh,
Tòng lai Nguyên Hiến[13] bần.
Giám Hà thụ thải túc[14],
Nhất khởi triệt trung lân.

Dịch nghĩa

Xưa khi dưới trướng ông Nghiêm Vũ,
Chúng ta cùng là công chức ở vùng Thục.
Gian nguy cùng với người chỉ huy chia sẻ,
Quãng thời gian trước và sau được vinh dự đi theo,
Vạch cỏ để làm lộ con đường phía trước,
Lên bè khởi đầu dùng đến những bến cốt yếu.
Con le nhà vua nhờ đó mà trôi,
Trĩ đẹp được thuần hoá.
Trước sau giữ cái nghĩa như Nhiệm An,
Hàng xóm của bà mẹ Mạnh Tử thật là hẻo lánh.
Luôn luôn gìn giữ đúng với lễ,
Về ý khí khi sống cũng như khi chết giữ mực thân tình.
Ông già Trương Mạnh còn lại việc nhà,
Kê Khang có được người cũ.
Mang ơn thấy ngượng là mình thô lỗ,
Nỗi đau khổ như ghi sâu trong xương,
Sào Phủ, Hứa Do gửi chí mình nơi rừng núi,
Con quỳ, con rồng là những của quý nơi lăng miếu.
Dự tính của con chim bằng nên phải uốn cánh cho thẳng,
Xe sang bánh xe lại long mất rồi.
Cao vời là cái nơi dành cho mũ áo,
Cái thân như cây, đất thì chịu cảnh tù mù.
Cái sáo, cái tiêu khi vang lên tất hoà hợp.
Tấm lòng kiên trung như vàng đá càng mài càng mới.
Nhớ lại lúc bên ngoài vùng La Giang,
Cùng dạo chơi bên bến sông Cẩm.
Ham vui mà quên cả bóng quang âm,
Nay nhớ cái việc cũ mà nước mắt ướt khăn.
Hết rồi cảnh nhà rộng rãi hương thơm ngát,
Rề rề ngày giờ bệnh nằm dài hoài.
Ban mai dừng xe song mã nơi cửa khuyết,
Chim nhạn bay về nơi Ngũ hồ vào mùa xuân.
Đã không dứt được bệnh tiểu đường như của Trường Khanh,
Còn tiếp theo cái nghèo của Nguyên Hiến nữa.
Hỏi Giám Hà để vay thóc,
Cứu vớt con cá khỏi rãnh xe.

Bản dịch của Phạm Doanh

Nhớ xưa dưới quyền ông Nghiêm Vũ,
Nơi xứ Thục cùng giữ chức quan.
Giúp chủ tướng lúc gian nan,
Bày tỏ ý kiến hai lần trước sau.
Đặt kế hoạch mở đầu, khai lối,
Bước lên bè đi tới bến xa.
Thuyền vua theo đó tiến ra,
Hành chính bản xứ chan hoà yêu thương.
Như Nhiệm An, một lòng giữ nghĩa,
Vùng hoang bà Mạnh ở ngay bên.
Cung kính theo lễ liền liền,
Lòng thờ kẻ mất, người còn vẫn như.
Cùng Trương Mạnh việc nhà lo đó,
Với Kê Khang lại có người xưa.
Mang ơn, mình cảm thấy thừa,
Ôm mối đau khổ, thấm vừa tới xương.
Sào, Hứa chốn núi rừng nung chí,
Nơi lang miếu, vật quý: Quỳ, Rồng.
Chí chim bằng, cánh lại cong,
Xe beo sang trọng bánh long mất rồi.
Chốn mũ áo rõ tài cao vượt,
Cõi hoang vu gỗ đất một thân.
Sáo kia hoà nhịp với đàn,
Như vàng thử đá, nhiều lần càng hay.
Ngoài La Giang, những ngày lại nhớ,
Bến sông Cẩm là chỗ cùng chơi.
Ham vui quên cả tối trời,
Khăn đẫm nước mắt, nhớ hồi xưa xa.
Thôi hết rồi căn nhà thơm ngát,
Bệnh rề rề nằm hết ngày giờ.
Dừng ngựa buổi sáng, kinh đô,
Ngày mùa xuân, nhạn Ngũ hồ cánh tung.
Bệnh Trường Khanh đã không chữa nổi,
Nghèo Nguyên Hiến thêm nỗi đau đầu.
Giám Hà vay thóc, cho mau,
Giúp cá thoát khỏi rãnh sâu trên đường.
(Năm 770)

[1] Nguyên chú: "Ông Nghiêm lại tới trấn nhậm Thành Đô, tôi lại được tham gia vào ban chỉ huy".
[2] Do chữ "phù chu" 鳧舟, thuyền thường được trang trí bên ngoài hông với hình con le.
[3] Chỉ quan lại địa phương thi hành chính sách nhân từ. Điển từ Hậu Hán thư 後漢書. Sau "thuần trĩ "chỉ vệc giáo hoá dân địa phương có kết quả tốt, ân trạch thấm nhuần tới cả chim thú.
[4] Tự Thiếu Khanh 少卿, thời Tây Hán, thời niên thiếu sống nghèo khổ, khi làm xá nhân của tướng Vệ Thanh 衛青 và nhớ sự tiến cử của ông này mà có chức lang trung, sau thăng Ích Châu chế sứ, Năm 91 tr.CN, trong triều có biến, Giang Sung 江充 thừa cơ vu hãm thái tử Lệ (Lưu Cứ) 劉据. Thái tử Lệ đưa quân tới giết bọn Giang Sung, cùng với quân của thừa tướng Lưu Khuất Mao 劉屈髦 đánh nhau dữ dội ở Trường An. Lúc này Nhiệm An đảm nhiệm bắc quân sứ giả hộ quân (quan coi sóc kinh thành cấm vệ bắc quân) mà lại án binh bất động. Sau khi sự kiện thái tử Lệ yên rồi, Hán Vũ Đế nhận ra lỗi của Nhiệm An là "ngồi nhìn thành vỡ" mà quy tội chém ngang lưng. Sau khi bị hạ ngục, Nhiệm An có thư từ với Tư Mã Thiên vì trước đó cùng là bạn thân, hi vọng với tấm lòng "thôi hiền tiến sĩ" (ca ngợi người hiền, tiến cử kẻ sĩ) của nhà viết sử này có giúp mình khỏi chết hay không. Tư Mã Thiên có viết bài Báo Nhiệm An thư (Sử ký). Đây là một bài văn chí tình, khảng khái phê phán tính vui mừng bất thường của Hán Vũ Đế, không chịu nghe lời khuyên. Tư Mã Thiên có nhắc tới việc người ta ai cũng chết, có cái nặng như núi Thái Sơn, có cái nhẹ như lông hồng.
[5] Mạnh Kha tức Mạnh Tử, người xiển dương học thuyết của Khổng Tử, được coi là á thánh trong nho học. Mẹ ông rất nghiêm túc dạy dỗ con, xa lánh hàng xóm xấu. Đã phải ba lần đổi chỗ ở, nên có chữ "Mạnh mẫu tam thiên" 孟母三遷 (Bà mẹ họ Mạnh ba lần dời nhà).
[6] Nguyên chú: "Sau khi Nghiêm Vũ qua đời, bà mẹ còn sống. Sứ quân họ Tiêu có tới thăm hỏi, dùng lễ ngọt ngào, hệt như cha mẹ mình vậy. Khi bà mẹ Nghiêm Vũ qua đời, sứ quân cũng giúp việc ma chay, an uỷ cháu con, không khác gì ruột thịt, như vậy lòng keo sơn gắn bó với Nghiêm Vũ có thê hiểu được."
[7] Trương Mạnh, quan đại phu nước Tấn.
[8] Tự Thúc Dạ 叔夜, người nước Nguỵ thời Tam Quốc, là một nhà thông thái, có nhiều tài, làm quan tới Trung tán đại phu. Sau bị Tư Mã Chiêu giết hại.
[9] Sào Phủ 巢父, một bậc cao sĩ, vào rừng làm nhà trên cây mà ở, nên mang tên.
[10] Hứa Do 許由, tự Vũ Trọng 武仲, một bậc cao sĩ thời cổ. Vua Nghiêu muốn nhường ngôi, không chịu, vào ẩn ở núi Kỳ. Vua Nghiêu lại muốn mời ra làm quan, Do sợ lời kia làm bẩn tai mình bèn tới bên sông Dĩnh mà rửa tai.
[11] Tên huyện lập ra từ đời Đường, thuộc đạo Tây Xuyên.
[12] Hiệu của Tư Mã Tương Như.
[13] Tự Tử Tư 子思, cũng có tên là Nguyên Tư 原思, người nước Lỗ (có sách cho là nước Tống) thời Xuân Thu. Ông là học trò của Khổng Tử, thanh tĩnh giữ tiết, an bần lạc đạo. Lúc Khổng Tử giữ chức tướng ở nước Lỗ, Nguyên Hiến lĩnh nhiệm vũ đứng đầu một ấp, sau về sống ẩn dật ở nước Vệ.
[14] Trang Chu nhà nghèo, hỏi Giám Hà hầu vay thóc. Giám Hà hầu hứa sẽ đi thu thuế về rồi cho vay. Trang Chu giận có kể ngụ ngôn con cá nằm khát khô nơi vết xe, xin Trang Chu một gáo nước. Trang Chu hứa sẽ sang vùng Ngô, Việt lấy nước sông Tây về cứu sống cá. Cá giận nói: Khi ông về, muốn tìm tôi, xin đến hàng cá khô.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Phụng tặng Tiêu thập nhị sứ quân