26/04/2024 06:53Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đáp nhân “tri túc” chi vấn
答人知足之問

Tác giả: Trí Bảo thiền sư - 智寶禪師

Thể thơ: Thể loại khác (ngoài thơ); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Lý
Đăng bởi Vanachi vào 30/06/2008 10:06

 

Nguyên tác

一日昇堂,緇素如堵。有問:
-如何是知足?

師云:
夫出家在家,止於知足。若能知足,外不侵人,內無損我。草葉微威制之細,彼所不與,我不當取。況他物屬他,起他物想,終不於此而生盜心。乃至他妻妾,起他妻妾想,亦不於此而生淫心。諸人聽吾偈言:

菩薩資財知止足,
於他慈恕不侵欲。
草葉不與我不取,
不想他物德如玉。
菩薩自妻方知足,
如何他妻起貪欲。
於他妻妾他所護,
安忍自心起心曲。

Phiên âm

Nhất nhật thăng đường, tri tố như đổ. Hữu vấn:
- Như hà thị tri túc?

Sư vân:
- Phù xuất gia tại gia, chỉ ư tri túc, Nhược năng tri túc, ngoại bất xâm nhân, nội vô tổn ngã. Thảo diệp vi tế, bỉ sở bất dữ, ngã bất đương thủ. Huống tha vật thuộc tha, khởi tha vật tưởng, chung bất ư thử nhi sinh đạo tâm. Nãi chi tha thê thiếp, khởi tha thê thiếp tưởng, diệc bất ư thử nhi sinh dâm tâm. Chư nhân thính ngô kệ ngôn:

Bồ tát tư tài tri chỉ túc,
Ư tha từ thứ bất xâm dục.
Thảo diệp bất dữ ngã bất thủ,
Bất tưởng tha vật đức như ngọc.
Bồ tác tự thê phương tri túc,
Như hà tha thê khởi tham dục?
Ư tha thê thiếp tha sở hộ,
An nhẫn tự tâm khởi tâm khúc.

Bản dịch của Hoàng Lê, Đỗ Văn Hỷ

Một hôm lên giảng đường, tăng và tục đông như nêm. Có người hỏi:
- Thế nào là "tri túc"?

Sư trả lời:
- Xét lẽ thì người xuất gia cũng như kẻ tại gia [đều phải] dừng lại ở chỗ "tri túc". Nếu đã biết thế nào là "tri túc" thì bên ngoài không xâm phạm người mà bên trong không hại đến mình. Dù nhỏ mọn như ngọn cỏ thôi mà người không cho, thì mình cũng không nên lấy. Huống chi vật khác là thuộc người khác [sở hữu], nếu ta tơ tưởng tới nó thì rốt cuộc không từ đó mà sinh lòng trộm cắp hay sao? Cho đến vợ con của người, nếu ta tơ tưởng tới họ thì chẳng cũng từ đó mà sinh lòng tà dâm hay sao? Ai nấy hãy nghe bài kệ của ta:

Tiền tài tri túc, chớ tham,
Đừng lo tranh đoạt, gắng làm từ bi.
Không cho, ngọn cỏ lấy chi?
Tấm lòng như ngọc mơ gì của ai!
Vợ mình riêng đủ lắm rồi,
Còn toan mơ ước vợ ai làm gì?
Vợ ai, kẻ ấy yêu vì,
Nỡ nào sinh bụng bất nghì, tà gian!

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trí Bảo thiền sư » Đáp nhân “tri túc” chi vấn