19/04/2024 22:38Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vịnh chùa Cây Mai

Tác giả: Tôn Thọ Tường

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 02/09/2007 08:31

 

Đau đớn cho[1] mai cách dưới đèo,
Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Sương in tuyết đóng nhành thưa thớt,
Xuân đến thu về lá[2] quạnh hiu.
Lặng lẽ chuông quen cơn[3] bóng xế,
Tò le kèn lạ mặt trời chiều.
Những tay rượu thánh thơ thần cũ,
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu.
Tôn Thọ Tường sau nhiều lần thi hỏng, lấy văn chương làm phương tiện tiêu khiển, chiêu tập văn nhân, chọn chùa Cây Mai làm trụ sở và lấy tên nhóm là Bạch Mai thi xã. Sau khi Pháp chiếm Sài Gòn có làm đồn binh ở đây (nên ngày nay vẫn còn gọi là đồn Cây Mai ở đường Lục Tỉnh Chợ Lớn), từ đó nhóm Bạch Mai thi xã tan rã, Tôn Thọ Tường có làm bài thơ này. Bài thơ này đã trở thành nguyên xướng cho nhiều bài hoạ của các nhà thơ đương thời khác.

Về chùa Cây Mai này có một ngộ nhận cần phải đính chính. Trong Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển viết: “Theo ông Trịnh Hoài Đức, chùa Cây Mai tên chữ khi gọi là Mai Sơn tự khi gọi Thứu Lĩnh tự”. Cũng vậy, trong Gia Định xưa và nay, Huỳnh Minh viết: “Bên trên là một gò đất cao, là địa điểm chùa Cây Mai, mang tên là Thiếu Lĩnh tự”. Sự thật thì chùa Cây Mai không có tên Thứu Lãnh tự, và Trịnh Hoài Đức, trong các tác phẩm ông còn để lại, cũng không nói như vậy. Trịnh Hoài Đức chỉ nhắc đến Mai Khâu tự. Mai Sơn và Mai Khâu là hai gò khác nhau, Mai Sơn tự và Mai Khâu tự cũng là hai chùa khác nhau. Mai Sơn và Mai Khâu từng được xem là biểu tượng của Sài Gòn Gia Định xưa, cả hai đều là di tích văn hoá đồng thời là di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đáng được trân trọng bảo tồn để nêu cao truyền thống văn hoá và truyền thống chống giặc giữ nước của Thành phố.

[1] Khảo dị: “Cám cảnh cây”.
[2] Khảo dị: “sãi”.
[3] Khảo dị: “con”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tôn Thọ Tường » Vịnh chùa Cây Mai