27/04/2024 07:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thạch cổ ca
石鼓歌

Tác giả: Hàn Dũ - 韓愈

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Trung Đường
Đăng bởi hongha83 vào 28/09/2008 02:05

 

Nguyên tác

張生手持石鼓文,
勸我試作石鼓歌。
少陵無人謫仙死,
才薄將奈石鼓何。
周綱陵遲四海沸,
宣王憤起揮天戈。
大開明堂受朝賀,
諸侯劍佩鳴相磨。
蒐於岐陽騁雄俊,
萬里禽獸皆遮羅。
鐫功勒成告萬世,
鑿石作鼓隳嵯峨。
從臣才藝咸第一,
揀選撰刻留山阿。
雨淋日炙野火燎,
鬼物守護煩撝呵。
公從何處得紙本,
毫髮盡備無差訛。
辭嚴義密讀難曉,
字體不類隸與科。
年深豈免有缺畫,
快劍斫斷生蛟鼉。
鸞翔鳳翥眾仙下,
珊瑚碧樹交枝柯。
金繩鐵索鎖鈕壯,
古鼎躍水龍騰梭。
陋儒編詩不收入,
二雅褊迫無委蛇。
孔子西行不到秦,
掎摭星宿遺羲娥。
嗟予好古生苦晚,
對此涕淚雙滂沱。
憶昔初蒙博士徵,
其年始改稱元和。
故人從軍在右輔,
為我度量掘臼科。
濯冠沐浴告祭酒,
如此至寶存豈多。
氈包席裹可立致,
十鼓祇載數駱駝。
薦諸太廟比郜鼎,
光價豈止百倍過。
聖恩若許留太學,
諸生講解得切磋。
觀經鴻都尚填咽,
坐見舉國來奔波。
剜苔剔蘚露節角,
安置妥帖平不頗。
大廈深簷與蓋覆,
經歷久遠期無佗。
中朝大官老於事,
詎肯感激徒媕婀。
牧童敲火牛礪角,
誰復著手為摩挲。
日銷月鑠就埋沒,
六年西顧空吟哦。
羲之俗書趁姿媚,
書紙尚可博白鵝。
繼周八代爭戰罷,
無人收拾理則那。
方今太平日無事,
柄任儒術崇丘軻。
安能以此上論列,
願借辨口如懸河。
石鼓之歌止於此,
嗚呼!吾意其蹉跎。

Phiên âm

Trương sinh thủ trì “Thạch cổ” văn,
Khuyến ngã thí tác “Thạch cổ ca”.
Thiếu Lăng[1] vô nhân Trích Tiên[2] tử,
Tài bạc tương nại thạch cổ hà.
Chu cương lăng trì tứ hải phí,
Tuyên Vương phẫn khởi huy thiên qua.
Đại khai Minh Đường thụ triều hạ,
Chư hầu kiếm bội minh tương ma.
Sưu ư Kỳ Dương sính hùng tuấn,
Vạn lý cầm thú giai già la.
Tuyên công lặc thành cáo vạn thế,
Tạc thạch tác cổ huy tha nga.
Tòng thần tài nghệ hàm đệ nhất,
Giản tuyển soạn khắc lưu sơn a.
Vũ lâm nhật chích dã hoả liệu,
Quỷ vật thủ hộ phiền huy a.
Công tòng hà xứ đắc chỉ bản,
Hào phát tận bị vô sai ngoa.
Từ nghiêm nghĩa mật độc nan hiểu,
Tự thể bất loại lệ dữ khoa.
Niên thâm khởi miễn hữu khuyết hoạ,
Khoái kiếm chước đoạn sinh giao đà.
Loan tường phượng chứ chúng tiên hạ,
San hô bích thụ giao chi kha.
Kim thằng thiết sách toả nữu tráng,
Cổ đỉnh dược thuỷ long đằng thoa.
Lậu nho biên thi bất thu nhập,
Nhị nhã[3] biển bách vô uỷ xà.
Khổng Tử tây hành bất đáo Tần,
Kỷ trích tinh túc di Hy Nga[4].
Ta dư hiếu cổ sinh khổ vãn,
Đối thử thế lệ song bàng đà.
Ức tích sơ mông bác sĩ trưng,
Kỳ niên thuỷ cải xưng Nguyên Hoà[5].
Cố nhân tòng quân tại Hữu Phụ[6],
Vị ngã độ lường quật cữu khoa.
Trạc quan mộc dục cáo sái tửu,
Như thử chí bảo tồn khởi đa.
Chiên bao tịch khoả khả lập trí,
Thập cổ kỳ tải sổ lạc đà.
Tiến chư thái miếu tỷ Cáo[7] đỉnh,
Quang giá khởi chỉ bách bội quá.
Thánh ân nhược hứa lưu thái học,
Chư sinh giảng giải đắc thiết tha.
Quan kinh hồng đô[8] thượng điền yết,
Toạ kiến cử quốc lai bôn ba.
Oan đài dịch tiển lộ tiết giác,
An trí thoả thiếp bình bất pha.
Đại hạ thâm thiềm dữ cái phúc,
Kinh lịch cửu viễn kỳ vô đà.
Trung triều đại quan lão ư sự,
Cự khẳng cảm khích đồ an a.
Mục đồng xao hoả ngưu lệ giác,
Thuỳ phục trước thủ vi ma sa.
Nhật tiêu nguyệt thước tựu mai một,
Lục niên tây cố không ngâm nga.
Hy Chi[9] tục thư sấn tư mị,
Thư chỉ thượng khả bác bạch nga.
Kế chu bát đại tranh chiến bãi,
Vô nhân thu thập lý tắc na.
Phương kim thái bình nhật vô sự,
Bính nhậm nho thuật sùng Khâu Kha[10].
An năng dĩ thử thượng luận liệt,
Nguyện tá biện khẩu như huyền hà.
Thạch cổ chi ca chỉ ư thử,
Ô hô! Ngô ý kỳ tha đà.

Dịch nghĩa

Trương Tịch tay cầm bài văn khắc trên trống đá,
Khuyên ta phổ thành bài ca trống đá.
Đỗ Phủ không còn, Lý Bạch đã mất,
Ta kém tài sao làm được bài ca trống đá?
Phép nước đời Chu nay lỏng lẻo, khắp nơi như cảnh nước sôi lửa bỏng,
Vua Tuyên Vương ức lòng múa giáo thần chấn chỉnh lại.
Thành công rồi vua sai mở đại sảnh ngồi nhận chúc mừng,
Chư hầu các nơi về chầu, kiếm đeo chạm châu báu nghe leng keng.
Trong lễ săn bắn ở Kỳ Dương vua coi rất hùng dũng và anh tuấn,
Chim muông và thú vật trong vạn dặm đều bị vây bắt.
Vua truyền ghi khắc công thành lưu truyền đời sau biết,
Việc lấy đá đẽo thành trống đã huỷ hoại các đỉnh núi cao.
Tuyển chọn trong đám bầy tôi đi theo lấy người giỏi nhất,
Soạn bài khắc lên trống đá, rồi để lại chơ vơ trên sườn núi.
Mặc cho mưa tạt nắng chiếu, lửa đồng nội thiêu đốt,
Dù có quỷ thần bảo hộ, trống đá cũng bị nứt nẻ.
Ông kiếm được bản văn trên giấy này ở đâu thế?
Chân tơ kẽ tóc đều đầy đủ không sai dối.
Lời văn trang nghiêm, ý nghĩa bí mật, đọc khó hiểu,
Thể chữ không giống loại chữ lệ hay chữ khoa.
Vùi lâu năm dưới đất mà chữ chẳng bị thiếu nét,
Nét khắc chữ sắc bén như vết khoái kiếm chém đứt rồng rắn.
Chữ viết như loan bay phượng lượn, như các tiên giáng trần,
Hình trạng như cây ngọc san hô xanh đan cành.
Như những sợi vàng sợi sắt buộc nút chặt,
Lại siêu thoát như đỉnh cổ nhảy xuống nước, như thoa hoá rồng bay lên trời.
Tiếc thay nhà Nho kém cỏi khi chép lại Kinh Thi đã bỏ bớt nhiều chỗ,
Nên hai phần Đại nhã và Tiểu nhã hạn hẹp không còn uyển chuyển.
Khổng Tử chu du phương tây mà chưa tới đất Tần,
Nên khi chép lại Kinh Thi chỉ lấy sao mà bỏ qua mặt trời mặt trăng.
Ta ưa chuộng đồ cổ nhưng sinh ra trễ quá,
Trước thạch cổ văn này nước mắt đầm đìa.
Nhớ lúc trước vừa đội ơn vua nhận chức bác sĩ,
Vào năm Nguyên Hoà mới đổi.
Có người bạn thân giúp việc quân tại Hữu Phụ,
Giúp ta đào bới tìm trống đá.
Ta sẽ giặt mũ, tắm sạch bẩm quan tế tửu, bảo vật được bấy nhiêu há chẳng nhiều sao?
Trống đá được gói bên trong chăn dạ,
Chiếu cói bọc bên ngoài.
Chuyên chở mười chiếc, chỉ cần đủ số lạc đà là được.
Đem dâng trống đá vào thái miếu, so với đỉnh xứ Cáo đặt ở phía bắc,
Giá trị sáng ngời há chẳng gấp trăm lần sao?
Nhưng nếu còn được vua ban ơn, cho bày ở nhà thái học,
Học sinh được giảng dạy sẽ thu thập được nhiều điều bổ ích.
Xem văn trống đá niêm yết ở cửa hồng đô,
Người trong cả nước chạy lại.
Cạo hết rong rêu cho chữ lộ ra góc cạnh,
Đặt trống đá vững vàng ngay ngắn.
Đáng nhẽ nên được để trong nhà lớn mái cao, có lọng che,
Thì qua bao nhiêu lâu cũng chẳng hư hại.
Đằng này các quan lớn trong triều hiểu biết mọi sự,
Nhưng trước sự kiện này lại trù trừ không quyết đoán.
Để lăn lóc trong sân thái miếu cho trẻ mục đồng nhóm lửa, trâu mài sừng,
Đâu còn ai ra tay lau chùi.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, trống đá suy tàn vùi lấp,
Suốt sáu năm ta vọng về phương tây ngâm nga những lời than vãn suông.
Hy Chi viết thư pháp không cổ nhã chạy theo nét đẹp tầm thường,
Mà chỉ cần vài tờ là có thể đổi được một con ngỗng trắng.
Sau đời Chu, tám triều đại kế tiếp đã hết chiến tranh,
Nét bút trong trống đá chẳng ai thâu nhặt là tại làm sao?
Nay đất nước đã thái bình vô sự,
Chính quyền nâng đỡ đạo Nho tôn sùng Khổng Mạnh.
Yên ổn rồi cũng nên đem vấn đề này ra bàn luận,
Ước mong sẽ có những nhà hùng biện trôi chảy như sông trời.
Bài ca cho trống đá ngừng ở đây,
Than ôi, ý ta khó mà nói hết.

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Bác Trương tay cầm văn “Thạch cổ”
Bảo thử ta làm “Thạch cổ ca”
Đỗ Lăng vắng bóng, Trích Tiên khuất
Tài mọn tôi đâu dám viết mà
Vực Chu đổ nát, muôn phương loạn
Nổi giận, Tuyên Vương múa giáo ra
Minh Đường rộng mở thu triều cống
Gươm ngọc chư hầu loảng xoảng khua
Một cuộc Kỳ Dương phô tuấn kiệt
Lưới bẫy chim muông vạn dặm xa
Khắc truyền công lớn muôn đời tỏ
Đẽo đá làm trống đá núi non tà
Tài nghệ hơn đời vào bậc nhất
Vua sai chọn lọc khắc thơ ca
Thần quỷ chở che dầu nứt nẻ
Trải bao nắng đốt với mưa sa
Bác kiếm nơi đâu ra bản chép?
Chân tơ kẽ tóc chẳng sai ngoa
Lời văn khúc mắc nghĩa khôn hiểu
Dạng chữ không như lệ với khoa
Lâu năm sao khỏi mờ phai hết
Trông như gươm chém nẫy giao đà
Phụng múa loan bay tiên giáng thế
San hô chen nhánh với cây ngà
Sợi vàng thắt nút cùng dây thép
Thoi rồng đỉnh nước vẻ chưa nhoà
Nho cô quê mùa thi chẳng chép
Thua gì hai nhã ý sâu xa
Đất Tần Khổng Tử chưa từng đến
Lươm sao bỏ sót vầng Hi Nga
Buồn ta chuộng cổ ra đời muuộn
Trông lại đôi dòng nước mắt sa
Nhớ trước vua cho làm bác sĩ
Nhằm năm vừa đổi hiệu Nguyên Hoà
Bạn cũ làm tham quân Hữu Phụ
Tìm kiếm nơi xưa bới giúp ta
Trai giới trình cùng quan tế tửu
Ví như vật quý vẫn tìm ra
Bọc chăn phủ chiếu thời may đến
Mười trống cần đâu mấy lạ đà
Thái miếu dâng vào tày Cáo đỉnh
Quang vinh há chỉ gấp trăm mà
Ơn vua cho đặt nơi nhà học
Sinh viên nghiên cứu được tinh hoa
Đô Hán xem kinh người chật ních
Cả nước tưng bừng khách lại qua
Gột bỏ rêu phong, đường nét lộ
Rồi đem đặt vững ở trong nhà
Mái to thềm rộng che thêm lọng
Dù dài năm tháng chẳng tiêu ma
Quan lớn đầy triều giàu kiến thức
Sao không biết rõ, cứ dần dà
Mục đồng đốt lửa, sừng trâu cọ
Ai chịu ra tay rửa sạch a?
Mưa nắng thiêu mòn vùi lấp mãi
Sáu năm “tây cố” buồn ngâm nga
Hi Chi nét bút bình thường thế
Ngỗng trắng còn đem đổi nữa là
Chu mất, tám đời êm chiến loạn
Cớ sao không một kẻ tìm tra?
Nay thuở thái bình đời thịnh trị
Chuyên dùng nho thuật trọng Khâu Kha
Mong đem chuyện ấy bàn cho kỹ
Mồm mép thao thao tựa nước sa
Bài ca “Thạch cổ” xin dừng bút
Hỡi ôi! Ai biết ý cho ta?...
Thạch cổ là cái trống đá. Chu Tuyên Vương (ở ngôi từ năm 827 đến năm 782 tr.CN) đi săn ở Kỳ Dương (nay trong tỉnh Thiểm Tây) có sai thợ đẽo đá thành mười cái giống như cái trống, rồi khắc mười bài thơ (thể tứ ngôn) viết tả lại cuộc săn bắn đó trên các trống này. Sau khi việc khắc chữ trên trống đá hoàn tất, trống bỏ chơ vơ giữa đồng mặc cho sương gió, đất bụi vùi lấp. Mãi đến giữa đời Đường (hơn 1400 năm sau) có người tên Trịnh Như Khánh khai quật được, đưa về để trong miếu thờ Khổng Tử ở huyện Phụng Tường (nay trong tỉnh Thiểm Tây). Chữ khắc trên các trống gom lại được 465 chữ. Hàn Dũ được sự khuyến khích của Trương Tịch, đã làm thành bài ca về các trống đá này...

[1] Tên đất, nay trong huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, nơi Đỗ Phủ cất nhà năm 46 tuổi. Trong bài chỉ Đỗ Phủ.
[2] Tức Lý Bạch.
[3] Tiểu nhã và Đại nhã. Kinh Thi có 311 thiên, chia làm ba mục là phong, nhã, tụng. Trong đó nhã lại chia ra Tiểu nhã và Đại nhã.
[4] Tên hai nhân vật thần thoại. Hy là Hy Hoà, cai quản mặt trời. Nga là Thường Nga, cai quản mặt trăng. Hy Nga trong bài chỉ có nghĩa là mặt trời mặt trăng.
[5] Tức năm 806 đời Đường Hiến Tông, tác giả Hàn Dũ lúc đó 38 tuổi.
[6] Tên đất, nay trong huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây.
[7] Tên đất, nay trong huyện Kỳ, tỉnh Sơn Đông.
[8] Tên quan chức, do Hán Linh Đế lập ra, phụ trách việc giáo dục.
[9] Tức Vương Hy Chi, tự Dật Thiếu, người đời Tấn, có tài viết thư pháp.
[10] Tức Khổng Khâu và Mạnh Kha, hai ông tổ của Nho học.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hàn Dũ » Thạch cổ ca