28/03/2024 17:15Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nghìn năm văn vật đất Thăng Long (II)

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 14/08/2020 10:30

 

Nghìn năm văn vật đất Thăng Long,
Văn Miếu xây từ Lý Thánh Tông.
Sau đó Trần, Lê tu bổ lại,
Gần đây Pháp, Việt bảo tồn chung.
Tiệc trà Khai Trí[1] năm xưa mở,
Tuồng diễn Kim Kiều[2] buổi họp đông.
Lân[3] chẳng thấy đâu, dê vẫn thấy,
Nghe quyên kêu, biết đạo ta cùng.
Đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp ra sức củng cố thế lực ở Việt Nam trong đó có việc đàn áp tư tưởng cách mạng và tăng cường truyền bá văn hoá nô dịch. Năm 1921, chúng giao cho báo Trung Bắc tân văn ở Hà Nội tổ chức một cuộc thi ca tụng Văn Miếu. Nhà báo khôn khéo không ra mặt mở cuộc thi, chỉ viết lên báo mấy lời đại ý nói mới đi chiêm ngưỡng Văn Miếu về, cảm động quá, muốn làm một bài thơ mà chỉ mới nghĩ được một câu phá “Nghìn năm văn vật đất Thăng Long”, xin nhờ quân tử nối tiếp hộ cho. Có người vì không thể chịu được cái trò thi cử lố bịch ngu muội ở trước cảnh nước mất nhà tan ấy, nên đã gửi lại cho ban chấm thi bài này, tuy cũng đề là để góp phần dự thi, nhưng thực là một cảnh cáo gián tiếp.

[1] Năm 1919, hội Khai Trí Tiến Đức do thực dân Pháp đỡ đầu, làm lễ khánh thành và mở tiệc trà tại Văn Miếu.
[2] Năm 1920, người ta diễn tuồng Kim Vân Kiều ở Văn Miếu để kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nguyễn Du.
[3] Theo truyền thuyết khi có thánh nhân thì lân mới xuất hiện. Nghĩa rộng, lân tượng trưng cho đạo thánh hiền, đạo nho. Câu thơ có ý nói đạo nho đã suy tàn quá rồi, trông vào Văn Miếu chẳng thấy lân (đạo nho) đâu, mà chỉ thấy dê vào gặm cỏ hằng ngày.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Nghìn năm văn vật đất Thăng Long (II)