21/04/2024 00:35Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ngôn chí bài 11 (Cỏ xanh)

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Đường luật biến thể; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 10/09/2005 17:55

 

Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân,
Trúc rợp hiên mai quét tục trần.
Nghiệp cũ thi thư hằng một chức,
Duyên xưa hương hoả tượng ba thân[1].
Nhan Uyên[2] nước chứa bầu còn nguyệt,
Đỗ Phủ[3] thơ nên bút có thần.
Nợ quân thân chưa báo được,
Hài hoa còn bợn dặm thanh vân.
[1] Tam thân 三身 Chỉ ba loại thân của một vị Phật, theo quan điểm Đại thừa 大乘. Quan điểm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng Phật – như Ngài đã xuất hiện trên thế gian để hoằng hoá, tiếp độ chúng sinh – chính là biểu hiện của sự Tuyệt đối, của Chân như và Phật có khi hiện thân thành nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Quan niệm ba thân Phật được nêu ra nhằm nói lên quan điểm đó. Ba thân gồm:
1. Pháp thân 法身: là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân như 真如, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có chung. Pháp thân cũng chính là Pháp 法, là qui luật vận hành trong vũ trụ, là giáo pháp do đức Phật truyền dạy.
2. Báo thân 報身, cũng được dịch là Thụ dụng thân 受用身: chỉ thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ 淨土.
3. Ứng thân 應身, cũng được gọi là Ứng hoá thân hoặc Hoá thân: là thân Phật xuất hiện trên trái đất, với nhân trạng, với mục đích cứu độ con người.

Có thể hiểu theo nghĩa “ba sinh”. Ba kiếp luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác của con người là: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Theo Cam Trạch Dao 甘澤謠: Lý Nguyên 李源 đời Đường cùng sư Viên Quan 圓觀 đến chơi núi Tam Giáp, gặp một người đàn bà gánh vó đi lấy nước giếng. Viên Quan nói: Bà đó là nơi thác thân của tôi, 12 năm sau tôi sẽ gặp lại bác tại mé ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu. Đêm hôm đó Viên Quan mất. 12 năm sau, Lý Nguyên tìm đến nơi đã hẹn, gặp một đứa trẻ chăn trâu hát rằng: Tam sinh thạch thượng cựu linh hồn... thử thân tuy dị tính trường tồn 三生石上舊靈魂,... 此身雖異性長存 (Linh hồn cũ gửi lại ở đá ba sinh,... thân này tuy khác nhưng tính vẫn còn mãi như xưa). Lý Nguyên biết đứa trẻ chăn trâu đó chính là Viên Quan.

Duyên nợ ba sinh: Duyên nợ với nhau trong cả 3 kiếp. Kiều: “Vì chăng duyên nợ ba sinh, Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi”.
[2] Nhan Uyên 顏淵: (521-490 trước CN) học trò Khổng Tử 孔子, sống thanh bạch cơm một giỏ nước một bầu.
[3] Đỗ Phủ 杜甫: (712-770) thi hào đời Đường 唐 có câu Độc thư phá vạn quyển, Hạ bút như hữu thần (Đọc sách vỡ muôn quyển, Hạ bút như có thần).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Ngôn chí bài 11 (Cỏ xanh)